(VOV5) - Kiến trúc của thành phố Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa hai nền văn hóa Á – Âu. Sự pha trộn này tạo ra cho thành phố một nét đẹp đô thị riêng biệt.
Hải Phòng, thành phố cảng ở miền Bắc Việt Nam, hiện lưu giữ nhiều nét hấp dẫn về kiến trúc, bao gồm kiến trúc truyền thống và kiến trúc tân cổ điển Pháp tọa lạc trên các khu phố cũ. Kiến trúc của thành phố Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa hai nền văn hóa Á – Âu. Sự pha trộn này tạo ra cho thành phố một nét đẹp đô thị riêng biệt.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hải Phòng từng là thành phố quan trọng bậc nhất Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, là đầu mối giao thông với cảng biển lớn. Cũng như Hà Nội, Sài Gòn (TP HCM), đô thị Hải Phòng in đậm dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của người Pháp.
Ông Võ Quốc Thái, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hải Phòng cho biết: Từ những năm 40 của thế kỷ 20, kiến trúc sư người Pháp đã nghiên cứu quy hoạch Hải Phòng là đô thị loại 1, tương đương với Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và Hà Nội. Vùng đô thị cũ đều được giữ gìn, tôn tạo, gồm hệ thống các công trình cũ với hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ. Về mặt kiến trúc, thành phố chủ trương hạn chế xây dựng cao tầng ở khu vực đó để lưu giữ những lịch sử kiến trúc của Hải Phòng."
Mặt tiền một ngôi nhà phố trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hồng Bàng), |
Quận Hồng Bàng, và Quận Lê Chân hiện nay còn lưu giữ nhiều tòa nhà, ngôi nhà mang di sản kiến trúc từ thời Pháp thuộc, đặc biệt là hai tuyến phố Tam Bạc và phố Lý Thường Kiệt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Tam Bạc vẫn giữ được những nét cổ kính trong không gian kiến trúc với những tòa nhà hàng trăm năm tuổi. Phố Tam Bạc được mở từ thời Pháp thuộc, ban đầu gồm hai đoạn phố với tên gọi là Marésanne Proc và Gaull de Luis. Năm 1953, phố được đổi tên là Bạch Thái Bưởi. Sau năm 1954 đổi tên thành phố Tam Bạc. Sở dĩ có tên gọi này giản đơn vì tuyến phố chạy dọc theo một dòng sông có tên là Tam Bạc.
Chạy song song với phố Tam Bạc, phố Lý Thường Kiệt còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc xưa. Những ngôi biệt thự kiến trúc Gô-tích của Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 với những ô cửa sổ nhỏ nằm chót vót trên các mái vòm cong cong, tạo nên vẻ đẹp kiến trúc giao thoa Đông – Tây cho con phố.
Mặt tiền một ngôi nhà phố trên phố Lý Thường Kiệt
(quận Hồng Bàng) |
Ông Nguyễn Tác Nghiệp, Ủy viên Hội kiến trúc sư Hải Phòng, cho rằng:"Sau khi người Pháp vào xây dựng thì mỗi công trình kiến trúc của Hải Phòng đều mang dấu ấn thời kỳ phát triển mới. Dù có thể bị thay đổi theo thời gian nhưng hầu hết các công trình kiến trúc giữ đến bây giờ đều vẫn giữ được nguyên trạng kiến trúc gốc. Ngoài việc phục vụ đời sống con người trong quá trình lao động, sinh hoạt, làm việc, kiến trúc còn gắn với đời sống văn hóa, ghi nhận lịch sử phát triển của xã hội của thành phố."
Nhà hát thành phố Hải Phòng, Ga Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng…, có thể kể đến là những di tích kiến trúc văn hóa tiêu biểu của một giai đoạn kiến trúc Hải Phòng nói riêng, Việt Nam nói chung. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc bảo tàng Hải Phòng, tự hào khẳng định: "Cho đến nay tòa nhà này đã tồn tại gần 100 năm rồi nhưng quy mô kiến trúc cũng như hình dáng bên ngoài gần như giữ nguyên vẹn. Vì tòa nhà này trước đây xây dựng để làm ngân hàng nên phần trang trí bên ngoài có nét mang dấu của đơn vị kinh doanh, ví dụ phía ngoài các trụ có hình xâu tiền. Đây là một công trình kiến trúc được gìn giữ khá nguyên vẹn, để lại một điểm nhấn trong lòng đô thị Hải Phòng."
Nét kiến trúc bên trong Nhà hát lớn 120 năm tuổi ở Hải Phòng |
Hiện nay, Hải Phòng vẫn giữ vị trí quan trọng, là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, sự phát triển đô thị của Hải Phòng không quá nhanh và cấp tiến như các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, hay Đà Nẵng với tốc độ xây dựng chóng mặt và trào lưu cao ốc nên Hải Phòng vẫn giữ được nhiều nét xưa cũ...
Ông Hoàng Việt, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hải Phòng, nhận định:"Nếu Hà Nội tự hào có sông Hồng, cầu Long Biên bắc qua dòng sông đó. Nếu Hội An tự hào với sông Hoài chảy trong lòng phố cổ, thì Hải Phòng tự hào có sông Tam Bạc. Nhiều người Hải Phòng vẫn tự hỏi, giả sử kiến trúc Pháp không hiện diện ở Hải Phòng thì bộ mặt kiến trúc Hải Phòng sẽ ra sao. Rõ ràng là sẽ đơn điệu, sẽ thiếu sự đa dạng và phong phú.
Dấu ấn quy hoạch, kiến trúc thuộc địa vẫn hiện diện khá rõ nét ở thành phố Cảng, dẫu ít nhiều có những phôi phai. Vẫn có thể thấy những không gian đô thị, công trình kiến trúc mang dấu ấn từ thời thuộc địa, những công trình cũ gợi nét u hoài. Là một thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thông, song Hải Phòng lại có sự trầm lắng, không quá xô bồ, đông đúc. Khu vực trung tâm thành phố lại rất bình yên và những dấu ấn kiến trúc cũ vẫn đang tồn tại tạo nên một nét riêng của thành phố Cảng.