(VOV5) - Tại đây, hiện nay có một tấm bia 4 mặt khắc chữ vàng ghi toàn văn bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Sam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cách Thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía tây nam, đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và đến nay đã trở thành địa chỉ đỏ trên hành trình về với vùng đất Cao Bằng.
Bức phù điêu lớn 34 chiến sỹ trong buổi lễ thành lập Đội Việt nam tuyên truyền Giải phóng quân. - Ảnh: vietnamtourism |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, du khách không chỉ được tìm hiểu truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Với diện tích hơn 200 héc-ta, khu rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo với những thảm thực vật độc đáo hứa hẹn sẽ mang đến những khám phá thú vị cho du khách.
Lối vào khu rừng Trần Hưng Đạo từ quốc lộ 3. |
Hình ảnh đầu tiên khi đến với khu rừng Trần Hưng Đạo là bức phù điêu lớn 34 chiến sỹ trong buổi lễ thành lập Đội Việt nam tuyên truyền Giải phóng quân. Bức phù điêu được sáng tác dựa trêm bức ảnh tư liệu ghi lại thời khắc thành lập đội vào ngày 22/12/1944. Chị Hồng Hạnh, Hướng dẫn viên Khu di tích, cho biết: “Bức phù điêu được xây dựng năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phía trên cùng bức phù điêu là hình ảnh mô phỏng những tán cây rừng biểu trưng cho đại ngàn hùng vĩ, che chở và bảo vệ cho đội quân cách mạng. Ở trung tâm bức phù điêu là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng 34 chiến sỹ trong ngày thành lập. Phía bên trái là hình ảnh liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng đến dự buổi lễ ngày hôm đó. Phía bên phải là hình ảnh đại diện của bà con nhân dân trong vùng đến dự”.
Từ bức phù điêu, du khách đi theo con đường bê tông với những bậc cao dần, hai bên là những cây cổ thụ cao rợp bóng. Đi khoảng 200 m đến ngã ba rẽ phải xuống 10 bậc là khu đất bằng nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nơi đây vẫn còn cây sau trắng già được các chiến sỹ dùng để giương cao Lá cờ đỏ sao vàng chứng kiến sự ra đời của đội.
“Đây là nhà bia ghi dấu sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Vào tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở về nước sau hơn 1 năm bị giam giữ tại nhà tù bên Trung Quốc. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh báo cáo về tình hình phong trào Cao Bằng– Bắc Kạn – Lạng Sơn và quyết định khởi nghĩa của liên tỉnh ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa đó lại và chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập đội cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vào đúng 17h ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể tại đây. Trước mặt toàn thể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc diễn từ thành lập đội và nêu rõ nhiệm vụ của đội với Tổ quốc” - Chị Hồng Hạnh, hướng dẫn viên Khu di tích, chia sẻ.
Tại đây hiện nay có một tấm bia 4 mặt khắc chữ vàng ghi toàn văn bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; 10 lời thề danh dự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc, giờ là 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam và danh sách 34 chiến sỹ.
Nằm sâu dưới những tán cây cổ thụ là mỏ nước tự nhiên, lán nghỉ và bếp ăn mô phỏng của các chiến sĩ. - Ảnh vietnamtourism |
Nằm cách nhà bia trung tâm khoảng 30m, con đường với những hàng cây cổ thụ rợp bóng dẫn du khách đến dãy nhà nghỉ và bếp ăn mô phỏng lán nghỉ và bếp ăn của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa. Từ nhà bia trung tâm, tiếp tục chinh phục những bậc đá lên cao, qua 505 bậc du khách đến đỉnh Sam Cao, cao nhất của núi Dền Sinh: “Đỉnh Sam Cao là nơi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn quan sát để chuẩn bị cho trận đánh vào đồn Phai Khắt. Từ trên đỉnh núi có thể quan sát được làng Phai Khắt, đồn Phai Khắt, hang Thẩm Khẩu nằm phía sau đồn. Ngoài ra có thể quan sát được đường đi Ngân Sơn (Bắc Kạn) và đường đi đồn Nà Ngần”.
Sau khi chinh phục đỉnh Sam Cao, du khách sẽ quay trở lại làng Phai Khắt để thăm đồn Phai Khắt, nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đồn là nhà của ông Nông Văn Lạc; năm 1944, thực dân Pháp chiếm nhà của ông để làm đồn.
Anh Nông Văn Danh, cháu nội của đồng chí Nông Văn Lạc, cho biết: “Đồn Phai Khắt nằm ở giữa làng Phai Khắt thuộc xã Tam Kim huyện Nguyên Bình. Ngôi nhà xây bằng gạch với diện tích 210 m2. Đây là vị trí chiến lược quan trọng vì có thể án ngữ cả vùng Tam Kim và liên lạc dễ dàng với châu lị Nguyên Bình. Chính vì vậy, đầu năm 1944 ngôi nhà bị thực dân Pháp chiếm để khống chế phong trào cách mạng ở địa phương và chặn con đường liên lạc của cách mạng. Do điều tra kỹ tình hình, hiểu rõ đường đi lối lại, giờ giấc sinh hoạt của chúng nên dù là trận đánh đầu tiên, lại chỉ được trang bị thô sơ nhưng quân và dân ta đã chiếm được đồn. Chiến thắng đồn Phai Khắt tuy qui mô không lớn nhưng đã tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sỹ giải phóng, đánh dấu bước trưởng thành của các lực lượng vũ trang, làm tiền đề cho các trận đánh sau này”.
Hiện nay, đồn Phai Khắt được tu sửa thành Nhà trưng bày bổ sung của khu di tích, có những hình ảnh tư liệu, hiện vật tái hiện buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Từ đồn Phai Khắt rẽ trái theo đường ô tô liên xã, đi thêm khoảng 20 km nữa, sẽ đến đồn Nà Ngần, một di tích nữa đánh dấu chiến công những ngày đầu hiển hách của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngoài ra, ở khu vực này, cách đồn Phai Khắt khoảng 500m là hang Thẳm Khẩu; trong hang có một phiến đá to bằng phẳng, được sử dụng làm bàn để vẽ sơ đồ chuẩn bị đánh Đồn Phai Khắt, Nà Ngần.
Đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, du khách vừa tìm hiểu truyền thống lịch sử những ngày đầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.