Kiến trúc nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ, Quảng Trị

(VOV5)- Làng cổ Hội Kỳ ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nằm bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa chạy qua hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có tuổi đời khoảng 500 năm. Đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng được ngắm những ngôi nhà rường cổ, hệ thống thống kiến trúc văn hóa tín ngưỡng vẫn giữ được nguyên vẹn, cảnh quan thiên nhiên thanh bình và cuộc sống bình dị của người dân làng Hội Kỳ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Kiến trúc nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ, Quảng Trị - ảnh 1

Bước vào làng Hội Kỳ, dọc hai bên đường là hệ thống đình chùa miếu và nhà thờ của các dòng họ nghiêm trang cổ kính. Hút vào tầm mắt du khách là dãy nhà rường mà chủ nhân đều là họ Dương, nằm giữa những khu vườn nhiều tầng cây cối xanh tươi, chạy dài theo con sông Ô Lâu uốn lượn quanh làng. Hiện ở thôn hội Kỳ có gần 30 hộ gia đình còn giữ được những ngôi nhà rường đều có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. 

Đặc trưng của nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ là 3 gian 2 chái (5 căn), có những ngôi nhà lớn thì 5 gian, 2 chái (7 căn), thường làm bằng gỗ mít, ten mật, kiền kiền, hệ thống cột, cánh cửa đều được chạm trổ hình rồng, phượng và hoa văn tinh tế. Trong mỗi ngôi nhà rường đều treo các bức hoành phi câu đối có nội dung răn dạy con cháu trong nhà. Giữa các buồng đều có các cánh cửa phân chia nhìn đẹp mắt. Gian giữa ngôi nhà thường để thờ tổ tiên, hai gian hai bên được dùng để tiếp khách và ở. Còn hai chái thường gọi là Tây phòng thì dành cho con trai và Đông phòng thì dành cho con gái ở. Mỗi ngôi nhà đều làm thêm một gác lửng để đựng lúa, gạo và các đồ dùng thiết yếu tránh ko bị ướt khi mùa mưa lũ đến.

Ông Dương Văn Cho, người dân ở làng Hội Kỳ cho biết: “Trong 20 nhà rường cổ kính thì có 6 nhà rường 3 gian 2 chái. Từ ngày làm đến nay cũng phải trên 100 năm tuổi. Hiện nay trong từng gia đình đã tôn tạo lại và giữ gìn bản sắc nhà cổ của gia đình.”
Kiến trúc nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ, Quảng Trị - ảnh 2
Nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh ở xóm giữa - Ảnh: Ngọc Hiền/ Báo Tuổi trẻ


Mái nhà rường cổ ở đây được lợp bằng ngói liệt 6 lớp. Nguyên liệu làm ngói là đất nguyên sét. Ngói hình chữ nhật, mỏng, phẳng, đều cạnh và đặc biệt, khi gõ âm thanh phát ra thanh như tiếng chuông. Mỗi ngôi nhà rường thường lợp khoảng 10-20 vạn viên tùy theo kích cỡ của từng ngôi nhà. Nhà lợp ngói như vậy, mùa hè thì mát nhưng mùa đông lại ấm áp. Những ngôi nhà rường nhà chủ yếu được xây dựng theo hướng Đông Nam, vừa là tránh gió lạnh mùa đông và có thể đón gió mát vào mùa hè. Tường bao quanh nhà được xây bằng gạch thẻ và gạch vồ với vôi. Mỗi ngôi nhà rường có một hàng rào cây xanh được cắt tỉa đẹp mắt bao bọc.

Tiến sĩ Lê Vĩnh An, Ban tư vấn bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Làng cổ nhà rường ở Hội Kỳ lưu giữ được nhiều giá trị. Trước hết là giá trị lịch sử niên đại của ngôi nhà rường đó. Ngôi làng được thành lập vào những thế kỷ 15, 16, nhưng niên đại của những ngôi nhà rường thì muộn hơn một chút có tầm 100-150 năm. Tổng thể ngôi làng có một giá trị cảnh quan truyền thống như có con sông bao quanh, đường làng, ngõ xóm, cây đa, bến nước sân đình. Đó là những cảnh quan rất đặc trưng của làng quê Việt Nam rất là quý hiện nay.”

Trong số những căn nhà rường còn lại phải kể đến ngôi nhà 3 gian, 2 chái, mái nhà lợp ngói liệt 9 lớp với số lượng lên đến hơn 10 vạn viên của ông Dương Văn Mạnh có tên là Tích Khánh Đường nghĩa là “Hội tụ niềm vui”. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn rộng, lối dần vào nhà là hàng chè tàu xanh ngắt được tỉa tót công phu. Toàn bộ ngôi nhà được chống đỡ bằng 48 cột gỗ mít rừng. Ngôi nhà được làm vào năm 1889.

Ngôi nhà kế đến là của bà Dương Thị Hường có tên là Đức Lưu Quang  nghĩa là “Lưu truyền đức sáng” được dựng vào năm Tân Mùi 1931. Nhà hình chữ nhất, cấu trúc 1 gian 2 chái trên diện tích khoảng 60 m2. Trong nhà treo bức hoành phi viết bằng chữ Hán là: “Tứ đại đồng đường” tức là “Bốn thế hệ sống trong một nhà”. Theo quan niệm người xưa, ngôi nhà trải qua 4 thế hệ kế tiếp sinh sống thì dòng họ đó được coi là có phúc. Chúng tôi đến thăm nhiều nhà cổ và thấy rằng, nhà nào chưa đạt đến “Tứ đại đồng đường” hoặc “ Tam đại đồng đường” đều có trưng chữ “An” bằng chữ Hán. Đối với nghĩa tượng hình của người Trung Quốc thì chữ “An”, trong an lạc, an bình, an sinh. Ông Nguyễn Thành Nam, du khách ở tỉnh Quảng Nam cho biết: “Kiến trúc về nghệ thuật phải nói là tuyệt vời. Thứ hai kết cấu nhà rường ở đây rất chắc chắn vì tất cả chịu lực của nhà rường chia đều trên các cột của nhà. Mái nhà thì thấp. Chắc ngày xưa ông cha ta có nghiên cứu về độ gió bão thành thử nó chịu được bão lớn.”

Người dân làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh vẫn luôn tự hào vì trải chiến tranh, thời tiết tàn phá, họ vẫn lưu giữ được những ngôi nhà rường truyền thống của cha ông mình để lại. Những ngôi nhà này mang giá trị to lớn về tính chiều sâu văn hóa, nét kiến trúc cổ xưa.  Ông Kitani Kenta, chuyên viên nghiên cứu Viện Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc, Đại học Waseda, Nhật Bản cho rằng: “Những ngôi nhà rường ở Hội Kỳ mà tôi biết quá đẹp, cực kỳ tinh xảo với tay nghề thực hiện rất cao. Đó là giá trị nổi bật rất cần phải quảng bá”.

Phản hồi

Các tin/bài khác