Kim Sơn – Vùng đất của những làng nghề làm cói

(VOV5) - Để làm nên một chiếc chiếu cói đẹp, bền, đủ kích thước thì người làm phải tuyển chọn từng cây cói, sau đó chẻ và phơi đủ nắng để cói được bền chắc và giữ được màu. 

Làng nghề cói Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng cói và làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói. Cây cói đã có ở vùng đất Kim Sơn gần hai thế kỷ và trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Sống trong cái nôi của làng nghề cói truyền thống, những người thợ cói Kim Sơn với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đã tạo ra rất nhiều sản phẩm từ cói đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Kim Sơn – Vùng đất của những làng nghề làm cói - ảnh 1

Chiếu cói Kim Sơn. Ảnh: VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

 

Huyện Kim Sơn là tên được nhà doanh điền tài ba Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đặt. Bằng kinh nghiệm của mình, ông đã chuyển biến tiềm năng của mảnh đất duyên hải Tổ quốc ngày càng phát triển bằng trồng trọt, kinh tế biển và đặc biệt là cây cói. Tiếp nối truyền thống cha anh, từ những năm 1954, lớp lớp thế hệ người dân nơi đây đã lấn biển, mở đất canh tác. Sau 6 lần quai đê đã đạt tổng diện tích khoảng 4000ha, tạo ra gần 200ha làm đất trồng cói và lập ra các xã mới như: Kim Trung, Kim Tiến, Kim Hải…

Chiếu cói Kim Sơn và những sản phẩm được làm từ cây cói là truyền thống trăm năm của mảnh đất Kim Sơn, những sản phẩm này đã trở nên nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với chất lượng tốt, độc đáo, gần gũi với cuộc sống và thiên nhiên. Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của nghề, tạo dựng nên nghề trồng, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Ông Đoàn Lan, một người cao tuổi ở huyện Kim Sơn, cho biết: “Trải qua thời gian biến cố của lịch sử, qua bao khó khăn, thăng trầm nhưng người dân Kim Sơn rất yêu nghề, sáng tạo trong lao động. Chính vì thế những mẫu mã mới chúng tôi đều làm được và thích ứng với thị trường như ngày nay”.

Với khẩu hiệu “lúa lấn cói”, “cói lấn sú vẹt”, “sú vẹt lấn biển” cây cói đã theo bước chân những người lấn biển trở thành cây công nghiệp tiên phong, mang đến giá trị kinh tế cao trên mảnh đất này. Ở Kim Sơn, cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ; giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la. Cây cói còn là sợi nối Kim Sơn với các miền trong nước và trên thế giới, góp một phần không nhỏ để phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch. Ông Đoàn Lan cho biết thêm: “Người dân chúng tôi đặc biệt rất yêu nghề. Bản thân mình sinh ra trên mảnh đất này nên càng thấy mến trọng và yêu nghề. Đồng thời mình đóng góp xây dựng cho quê hương thì mình càng phải cố gắng cùng với bà con để giữ và phát triển nghề truyền thống”.

Kim Sơn – Vùng đất của những làng nghề làm cói - ảnh 2  Kim Sơn là vùng trồng cói nổi tiếng Ninh Bình. Ảnh: VOV

Cây cói có chu kỳ sinh trưởng và được chăm sóc như cây lúa. Người trồng cói cũng phải làm đất, nhổ cỏ, bón phân... Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng 5, cói mùa thu hoạch vào dịp tháng 10 âm lịch. Chất lượng cói trồng phụ thuộc vào việc điều phối để nước mặn và nước ngọt vào ruộng theo tỷ lên thích hợp cho cây phát triển. Nổi tiếng nhất trong các sản phẩm của Kim Sơn là chiếu cói.

Để làm nên một chiếc chiếu cói đẹp, bền, đủ kích thước thì người làm phải tuyển chọn từng cây cói, sau đó chẻ và phơi đủ nắng để cói được bền chắc và giữ được màu. Đặc biệt nhất là khâu dệt cải hoa của chiếu. Người cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi. Ông Nguyễn Văn Chinh, người dân Kim Sơn, chia sẻ: “Từ cây cói khi trồng, cấy và thu hoạch về, chúng tôi lại chế biến thành những sợi cói trắng, đẹp để dệt. Trải qua rất nhiều công đoạn. Nhiều lúc trời mưa đang phơi cói trên đường mà gia đình đang ăn cơm thì cũng phải bỏ bữa cơm, để thu cói về, bị mưa là hỏng không thể có những cây cói đẹp. Ông bà ngày xưa có câu rằng: “Nắng thì chạy ra, mưa thì chạy vào” để nói lên việc làm cói vất vả như thế nào”.

Hiện tất cả các làng, xã của huyện Kim Sơn đều tham gia chế biến cói, trong đó có 20 làng nghề cói được cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng cói. Sản phẩm mỹ nghệ chiếu cói Kim Sơn của huyện đã có mặt ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác