(VOV5)- Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn, mang tên gọi đường Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của con đường này là vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa, đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Điểm xuất phát tại Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, được đánh dấu bằng cột mốc số 0.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đi vào giai đoạn quyết định và để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 27/11/1972, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường vận tải bằng xe cơ giới từ Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, nối đến tận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từ đó, Thị trấn Lạt trở thành nơi tập kết để cán bộ chiến sỹ và hậu cần, vũ khí chuẩn bị vào miền Nam.
Trước đây, Thị trấn Lạt nằm giữa núi rừng hoang vu, những hố bom do chiến tranh để lại. Với 3 ngả đường: Một ngả nối với đường 15B chạy ra phía Bắc, một ngả là đường 15A chạy về Đô Lương, Nam Đàn, thành phố Vinh... ngả còn lại chính là con đường vận tải cơ giới chiến lược chạy vào miền Nam để tiếp viện lương thực, đạn dược cho miền Nam. Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chủ nhiệm chính trị Binh đoàn Trường Sơn (Binh đoàn 559), người trực tiếp khảo sát và xây dựng điểm tập kết tại Km số 0, cho biết: Quy mô lúc đầu chỉ là một tiểu đoàn với hơn 500 cán bộ chiến sỹ nhưng với sự giúp sức của hàng vạn công binh, thành niên xung phong, nhân dân thuộc các huyện của tỉnh Nghệ Tĩnh, đã đào hàng ngàn khối đất đá, khôi phục hàng chục cầu cống, xây dựng tuyên đường vừa an toàn, bí mật vào miền Nam. Hàng chục sư đoàn chủ lực cùng hàng triệu tấn hàng đã được tập kết ở Thị trấn Lát trước khi vào chiến trường: “Thị trấn Lạt hồi đó rất hoang sơ, ở miền núi nên chúng ta tận dụng được yếu tố bí mật, bất ngờ để đưa người và hàng vào miền Nam. Từ đây, xe cơ giới có thể chạy và chở hàng vào miền Nam. Được tham gia chi viện cho miền Nam là nhiệm vụ và trách nhiệm nên anh em chiến sỹ rất vinh dự. Lúc đó chọn những anh em từ miền Nam ra miền Bắc tập kết để vào Km số 0, chuẩn bị vào miền Nam. Những anh em miền Nam đều có tâm huyết là được trở về Nam chiến đấu và trở về để tạo dựng thêm sức mạnh cho miền Nam…thì anh em ai cũng phấn khởi, tự hào.”
Từ Km số 0, đường cơ giới chiến lược Hồ Chí Minh kéo dài từ Bắc vào Nam với tổng 17.000km, riêng ở đông Trường Sơn là 1.920km với 5 hệ thống đường dọc và 21 trục ngang nối liền các chiến trường. Thiếu tướng Ngô Sở chia sẻ: “Khi Km 0 hoàn thành được đánh giá là bước chuyển biến lớn nhất, mới nhất đồng thời cũng đưa đường Hồ Chí Minh có quy mô lớn hơn. Nguyên cố Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn từng nói: Đường Hồ Chí Minh vừa trực tiếp phục vụ chiến đấu trong chiến tranh giải phóng dân tộc nhưng đồng thời mang ý nghĩa cho tương lai lâu dài của đất nước.”
Đại tá Ngân Chài, Giám đốc Bảo tàng đường Hồ Chí Minh giới thiệu những hiện vật về km số 0
Từ ngày thành lập đến kết thúc chiến tranh, trên con đường huyền thoại này bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển gần 455 triệu tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và gần 58 triệu tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ngày nay, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh, được xây dựng trở thành con đường huyết mạch nối liền Bắc – Nam phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 1989, đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng lại theo tiêu chuẩn quốc gia và gắn với con đường huyền thoại này là cột mốc số 0. Ngày 27/4/1990, Km 0 được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Hiện nay, Cột mốc số 0 được xây dựng, sửa sang lại, khuôn viên có diện tích 600m2, với nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của thời chiến tranh, là nơi phục vụ nhân dân, khách du lịch trong, ngoài nước cùng kiều bào đến thăm quan, tìm hiểu… Đại tá Ngân Chài, Giám đốc Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, cho biết: sẽ xây dựng một tượng đài với chủ đề “Hậu phương hướng về tiền tuyến” nằm trong quần thể khu di tích Km số 0 để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại này: “Km 0 giờ đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, vì vậy để phát huy những giá trị di sản của di tích, các cấp, các ngành rất quan tâm. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, di tích Km số 0 được nâng cấp trở thành một điểm đến, điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một địa điểm đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống của dân tộc và Bộ đội Trường Sơn để nhân dân ta và các thế hệ sau này hiểu biết thêm về cuộc kháng chiến chống Mỹ.”
Đường Hồ Chí Minh ngày xưa dưới chân là suối sâu, đèo cao thì nay đã là con đường Trường Sơn bằng bê tông và trở thành trục đường kinh tế - quốc phòng quan trọng, góp phần trong việc phát triển du lịch, vận tải để xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Thị trấn Lát, nơi có Km số 0, từ hoang tàn đổ nát do bom đạn chiến tranh… nay phát triển sầm uất, với nhiều công trình, nhà cửa mọc cao tầng, mọc san sát. Bên Cột mốc số 0 và hai bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại hôm nay, cuộc sống mới đang được thắp lên, ấm no và hạnh phúc./.