(VOV5) - Hiện, Kon Tum là một điểm du lịch tuyệt vời với những nét đẹp hoang sơ, bí ẩn, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc bản xứ.
Tỉnh Kon Tum, nằm ở phía Bắc của khu vực Tây Nguyên, có phần lớn diện tích ở sườn phía Tây của dãy Trường Sơn. Đây là tỉnh có diện tích nhỏ thứ hai ở Tây Nguyên, với địa hình chủ yếu là đồi núi, cao nguyên, xen kẽ một số vùng trũng nhỏ hẹp.
Do đó, Kon Tum có những cảnh quan rất đa dạng và phong phú, cùng khí hậu mát mẻ, không gian xanh, yên tĩnh và trong lành. Hiện, Kon Tum là một điểm du lịch tuyệt vời với những nét đẹp hoang sơ, bí ẩn, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc bản xứ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo ngôn ngữ của người Ba Na, Kon có nghĩa là làng, Tum nghĩa là hồ, Kon Tum chỉ tên gọi một ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng sông Đắk Bla, nay là làng Kon Kơ Nâm ở thành phố Kon Tum. Kon Tum mát mẻ quanh năm, khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.
Mỗi mùa, Kon Tum lại thu hút du khách bằng vẻ đẹp riêng: tháng 1 là mùa cao su thay lá; tháng 3 bắt đầu vào mùa cà phê, hoa nở trắng rẫy; tháng 11, 12 là mùa của dã quỳ vàng rực phủ khắp núi đồi, và cũng là mùa của những lễ hội truyền thống của các dân tộc bản xứ, như: Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng hay B’râu.
Vị trí cột mốc ngã ba biên giới nằm trong khu vực quản lý cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: TTXVN |
Đến với Kon Tum, du khách sẽ có cơ hội tham quan, trải nghiệm nhiều địa danh, nổi tiếng trong thành phố Kon Tum.
Chị Phan Thị Tú Uyên, người dân thành phố Kon Tum, giới thiệu: "Trung tâm thành phố có những điểm du lịch, như: Tòa giám mục Kon Tum, Nhà thờ Gỗ, cầu treo Kon K’lo, các điểm du lịch như làng Kon Jơ Dri, làng Kon K’tu. Từ cầu treo Kon K’lo lên tới Nhà thờ Gỗ và xung quanh các làng du lịch có rất nhiều người Ba Na sinh sống. Những làng du lịch chủ yếu phát triển các cụm văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, ví dụ như: nhà sàn, các món đặc sản, chèo Sup trên dòng Đắk La…
Ngoài những công trình kiến trúc đặc sắc trăm năm tuổi ở trong thành phố, Kon Tum còn có nhiều điểm đến thú vị khác ở các huyện, thị, như: khu vực Ngã 3 Đông Dương, ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, địa điểm duy nhất tại Việt Nam mà khi tiếng gà gáy sáng cất lên, cả 3 nước Việt – Lào – Campuchia cùng nghe; cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, khu vực trung tâm trong tam giác biên giới ba nước Việt Nam – Campuchia – Lào; H67, ở huyện Sa Thầy, căn cứ địa của bộ đội Tây Nguyên; hay thủy điện Yaly, nơi hòa quyện giữa cảnh sắc của hồ nước rộng lớn, cỏ cây hoa lá và núi non trập trùng…
Tiết mục văn nghệ chào mừng điểm du lịch cộng đồng làng Vi Rơ Ngheo. Ảnh: Dư Toán/TTXVN |
Trong đó, thị trấn Măng Đen, nơi được ví như “Đà Lạt thứ 2” của Tây Nguyên, là một trong những điểm lưu trú lý tưởng của du khách khi đến với Kon Tum.
Anh Nguyễn Đức Doanh, du khách thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Cảm nhận đầu tiên khi lái xe vào Măng Đen đó là con đường thẳng tắp và 2 bên là rừng thông xanh. Cảm giác rất dễ chịu. Ngay khi đặt chân xuống thì những cơn gió, không gian, không khí… cảm giác mọi thứ rất thư giãn. Đến Măng Đen, tôi muốn trải nghiệm đi thăm 7 hồ, 3 thác, đi thăm Đức Mẹ Măng Đen… Tôi cũng đi thăm một số khu vưc của bà con bản địa vì tôi rất thích khám phá văn hóa, nên mong muốn được hiểu hơn về đồng bào, về văn hóa, phong tục của bà con nơi đây.
Cùng với việc khám phá những nét đẹp hoang sơ, bí ẩn của cảnh sắc núi rừng Kon Tum, du khách khi đến với vùng đất này còn được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người dân tộc bản địa, thưởng thức những bản nhạc cồng chiêng rộn rã, vui tươi, cùng điệu xoang bên ánh lửa bập bùng và nghe các già làng kể chuyện giữa núi rừng thảo nguyên bao la.
Hiện nay, ở nhiều buôn làng tại Kon Tum, người dân đang từng bước gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ở các làng, như: làng Kon K’tu, xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; làng Đắk Răng, huyện Ngọc Hồi; làng Kon BRắp Du, huyện Kon Rẫy… đều thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang biểu diễn khi khách đến tham quan, trực tiếp dệt thổ cẩm tại nhà rông để du khách trải nghiệm và bán các sản phẩm dệt... Mới đây nhất, làng Vi Rơ Ngheo, ở huyện Kon Plông, được công nhận là làng du lịch cộng đồng, đã bắt đầu đón khách tới lưu trú và trải nghiệm văn hóa của đồng bào Xơ Đăng.
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết: "Chúng tôi vận động từng gia đình phục dựng lại toàn bộ những giá trị văn hóa. Chúng tôi xây dựng từng nhóm hộ để phát triển trồng rau; những hộ cung cấp gà, vịt, heo... Chúng tôi xác định món ăn ở đây là rau, củ, quả, cá suối của địa phương, và nuôi heo, vịt, gà để khi khách đến sẽ giới thiệu và cho họ thưởng thức những món ăn của địa phương."
Là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời cùng những đặc sắc trong văn hoá đồng bào dân tộc, được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với nhiều thắng cảnh đẹp, Kon Tum đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài.