(VOV5) - Xác định du lịch là trọng điểm phát triển kinh tế, huyện Lâm Bình phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo.
Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, được thiên nhiên ban tặng cho hệ sinh thái đa dạng, phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng hùng vĩ. Nơi đây trước kia từng là một trong những cái nôi của người Việt cổ sinh sống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Các nhà khảo cổ học đã tìm được những di chỉ khảo cổ học ở huyện Lâm Bình, như rìu, cuốc, mũi tên được chế tác tinh xảo bằng đá, đồng, đồ gốm thời văn hóa Hòa Bình. Nơi đây có những ngôi đền, chùa có niên đại từ khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, trong đó phải kể đến là đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm… Di tích bếp lửa tìm được ở hang Phia Vài thuộc lớp văn hóa muộn có niên đại khoảng 8.000 năm cách ngày nay, diện tích bếp không lớn, có thể phục vụ việc sưởi ấm hoặc nướng thức ăn cho một nhóm cộng đồng người theo kiểu huyết thống. Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy những ngôi mộ táng của người Việt cổ.
Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Lâm Bình, cho biết: "Hang Phia Vài là hang của người Việt cổ. Theo các nhà khảo cổ học nghiên cứu thì hang người Việt cổ ở đây có người Việt cổ sinh sống cách đây khoảng 12.000 năm. Ngày xưa người Việt cổ thường sống ở ven sông, suối, những nơi có nước sinh hoạt.
Hang Khuổi Pín. Ảnh: TTXVN |
Với những dãy núi đá vôi trải dài, bên trong núi là hệ thống các hang động kỳ thú, là điều kiện lý tưởng để huyện Yên Bình phát triển du lịch. Nổi bật hơn cả là các địa danh, như hang Khuổi Pín, thác Khuổi Nhi, thác Nặm Me hay động Song Long. Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình lưu giữ hệ sinh thái phong phú, cùng vô số hòn đảo lớn nhỏ trên mặt hồ tạo nên một cảnh đẹp rất riêng giữa núi rừng Việt Bắc. Nổi bật là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”.
Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Lâm Bình, cho biết: "Hang Khuổi Pín mới được mới được phát hiện. Hang này có hệ thống nhũ đá rất đẹp, trong lòng hang lại có suối. Trên tuyến đi tham quan thác Nặm Me nếu mà khách có nhu cầu sẽ được trải nghiệm tham quan các cánh rừng nguyên sinh tự nhiên, trong đó có hàng ngàn cây gỗ nghiến. Đặc biệt ở thác Khuổi Nhi có một loài cá khi mà mình ngâm chân xuống thì cá tới rỉa chân có cảm giác như được mát xa. Chỉ có thác Khuổi Nhi thì mới có loài cá này. Tiếp đến là động Song Long với nhiều nhũ đá đẹp, giáp với huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang."
Ngoài các hang động, thác nước, đến với huyện Lâm Bình, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi tộc người có những phong tục, tập quán khác nhau, tạo nên sự độc đáo và đa dạng.
Một góc hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. |
Anh Chẩu Thanh Ngà, người dân ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, cho biết: "Du khách khi tới đây được trải nghiệm đời sống văn hóa, gắn với đời sống sinh hoạt thường ngày của bà con. Thông qua những bộ trang phục, cách sinh sống ở nhà sàn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, mâm cơm đậm đà bản sắc hay các bài dân ca truyền thống. Du khách được trải nghiệm một không gian, quang cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ. Ở đây có lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rộng lớn và xung quanh khu vực lòng hồ là hệ thống các khu rừng nguyên sinh, các hang động, thác nước lớn nhỏ rất nhiều."
Đến với Lâm Bình du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Tày, người Dao, người Mông… như cơm lam, thịt chua, thịt trâu khô, cá mắm ruộng, chè Khau mút… Hiện địa phương có hàng chục hộ gia đình làm homstay, hình thành nên các khu du lịch cộng đồng tại mỗi thôn, bản với tiêu chí một điểm đến nhiều trải nghiệm.
Theo ông Chẩu Minh Vỹ, chủ một homstay xã Lăng Can, du khách sẽ nhớ nơi đây bởi món ăn mang đậm hương vị núi rừng. "Du khách được thưởng thức các món ăn ẩm thực của địa phương như gà thả đồi, lợn đen, cá lam ống nứa, thịt chua, thịt lợn treo gác bếp, cá nướng. Những món ăn do đồng bào dân tộc địa phương tự chế biến. Gia đình làm bánh dày, bánh trứng kiến rồi mời du khách cùng làm nặn bánh, thưởng thức trực tiếp. Du khách rất phấn khởi."
Huyện Lâm Bình đã khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng tông xã Thượng Lâm, Lăng Can, Lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Hồng Quang. Các lễ hội của huyện Lâm Bình mang đậm màu sắc dân gian độc đáo đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh vào những dịp đầu Xuân. Xác định du lịch là trọng điểm phát triển kinh tế, huyện Lâm Bình phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, xây dựng các tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo.