Ngày nào cũng vậy, tầm 1 đến 2 giờ sáng, cánh đồng rau của làng Thúy Lĩnh nhộn nhịp kẻ nói, người cười, vang rộn cả một vùng. Trong đêm tối, từ xa nhìn những ánh đèn giống như đàn đom đóm đi kiếm ăn đêm. Bà Vũ Thị Hiến, năm nay 51 tuổi, bảo rằng, nghề làm rau cũng vất vả lắm nhưng có nhiều niềm vui.
Những người trồng rau như bà từ nhỏ luôn muốn đượcđem đến cho người tiêu dùng những mớ rau ngon nhất nên không quản ngại khó, đêm hôm phải dậy nhổ rau để kịp buổi chợ sáng còn nếu nhổ từ chiều hôm trước thì rau sẽ héo và úa. “1h đến 2h ở đây ruộng nào cũng sáng đèn. Cả làng đi nhổ rau đêm, chỗ nào cũng có đèn. Chỉ vất vả ban đêm đi nhổ rau thồi vì có lúc sương muối, mưa to. Còn chiều 4 giờ là có nươc sạch bơm về tận ruộng. ruộng trong ruộng ngoài đều có nước sạch tưới. Bây giờ làm ruộng sướng rồi.” Bà Hiến nói.
Bà Hiến nói rằng làm ruộng bây giờ sướng rồi quả cũng không sai. Từ năm 2000, mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn đầu tiên được xây dựng thí điểm trên 6000m2. Sau một tháng đưa vào ứng dụng, đã cho thấy hiệu quả và năng suất chất lượng của rau an toàn đều đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, sự đột phá táo bạo nhất là hệ thống tưới nước bán tự động. Vì vậy, từ 6.000 m2 ban đầu, Hợp tác xã nông nghiệp Lĩnh Nam tiến hành khoan ba giếng nước mini có sử dụng máy bơm cỡ nhỏ để cung cấp nước tưới, vừa giải phóng sức lao động, vừa giảm chi phí và luôn chủ động về nguồn nước. Bài toán được giải quyết, nhận sự ủng hộ của Ủ̉y ban Nhân dân thành phố, Thuý Lĩnh đã xây dựng một trạm cung cấp nước sạch cùng hệ thống tưới nước bán tự động phục vụ sản xuất với tổng chi phí là 1,4 tỷ đồng.
Có nước sạch về tận ruộng người trồng rau ở Thúy Lĩnh càng thêm gắn bó với nghề. Bà Hiến cho biết: “Từ ngày có nước dân hài lòng, bà con phấn khởi, nhiều người giả bỏ ruộng lại quay trở lại làm. Có nước này chân tôi cũng đỡ đau vì không phải gánh nước. nước này có được 10 năm rồi. ngày xưa khổ lắm phải đi gánh nước ruộng, nước ao.
Chỉ tay về phía ruộng rau sắp đến ngày thu hoạch, chị Lê Thị Ngọt cho rằng, dù trồng rau vất vả dạy từ sớm nhưng cứ nghĩ đến thương hiệu rau Thúy Lĩnh là chị cũng như nhiều người dân ở đây lại cố gắng. Chị khẳng định: “Rau ở đây đáp ứng tiêu chuẩn rau sạch. Rửa nước sạch trong bể. tưới nước sạch. Các đầu bờ đều xây bể để rửa rau. Họ đầu tư đường ống còn tiền nước mình phải chịu. Một sào hơn 40 nghìn đồng tiền nước.”
Rau của làng Thúy Lĩnh ngày một khẳng định được chất lượng nên mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn cũng được mở rộng theo. Từ 6.000 m2 năm 2000 giờ rộng lên đến 20 ha trong tổng số khoảng 100 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cho thu nhập lên tới 320 triệu đồng/ha/năm. Từ một vùng sản xuất rau lạc hậu, phụ thuộc vào thời tiết, làng rau Thuý Lĩnh đã ngày càng khẳng định vị trí của mình.
Năm 2004, Thuý Lĩnh được công nhận là một trong 4 đơn vị sản xuất rau sạch của thành phố và thường xuyên là bạn hàng của nhiều hệ thống siêu thị lớn như Unimart, BigC...Người trồng rau Thúy Lĩnh cũng không còn cảnh nơm nớp lo rau bị ế phải đổ đi nữa. Bà Hiến cho hay: “Nghề trồng rau này đắt còn được vài yến gạo còn nếu rẻ, người dân chán, nhổ rau vứt đó không thèm làm. Cách đây vài năm, giờ này xu hào, cải bắp nổ, thối, không có người mua. Còn giờ ở đây không có rau bán chứ không còn cảnh phải đổ đi. Một trăm rau cũng được 200 nghìn. Có hai năm rau rẻ là mưa. Còn bình thường như năm nay bán rau được vì thời tiết thuận lợi. Mình làm rau đây không có rau thì chết đói.”
Ở Thúy Lĩnh, người dân chủ yếu trồng các loại rau lá như rau cải, cải nghồng, cải bắp, cải chip, cải cúc…Thời gian này, người dân đang thu hoạch nốt để chuẩn bị làm đất cho vụ rau cung cấp cho thị trường tết. Chị Lê Thị Ngọt cho biết: “Các loại rau ở đây đều có hết tuy nhiên ở đây làm quen và thuần đất chỉ trồng các loại rau cải, còn súp lơ chỉ dịp tết mới trồng. Rau cải với thời tiết rét thì trồng một tháng là được thu hoạch. Ở đây chỉ có mỗi rau, chẳng có gì cả ngoài rau cả. Ai trẻ thì đi làm ngoài còn già thì ở nhà làm rau.”
Nghề trồng rau gắn bó với người dân như là máu thịt. Cuộc sống náo nhiệt, vòng quay của thị trường gấp gáp nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn trôi đi bình dị. Ngày ngày, thời gian lớn trong ngày của người dân Thúy Lĩnh là dồn vào việc chăm sóc ruộng rau. Họ mong muốn người tiêu dùng được thưởng thức vị ngọt, ngon của rau bởi trong đó còn chất chứa tình cảm cũng như công sức của người trồng rau.
Vì vậy, người dân Thúy Lĩnh không chỉ tiếp tục phát huy những lợi thế vốn có mà còn bắt kịp xu thế của thị trường. Những người như bà Hiến, chị Ngọt dù không còn trẻ nhưng đều ý thức được việc để nghề trồng rau của làng mình cần phát triển thì người trồng rau phải mạnh dạn hơn nữa trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học đặc biệt là công nghệ sinh học, đồng thời đưa thêm nhiều giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao nhằm đa dạng hoá sản phẩm. Nhưng trước mắt công việc quan trọng nhất đối với Thuý Lĩnh là thiết lập một hệ thống thu mua và phân phối các sản phẩm rau một cách khoa học, hợp lý./.
Lan Anh