(VOV5)- Lễ hội thể hiện khát khao có một mùa màng bội thu của người Khmer.
|
Lễ hội đua ghe ngo độc đáo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng
|
Nghe âm thành bài viết tại đây:
Người Khmer Nam bộ nói chung, Khmer Sóc Trăng nói riêng có phong tục đua ghe ngo. Lễ hội được tổ chức vào tháng 10 âm lịch gắn liền với lễ cúng trăng Ooc om Bóc của người Khmer. Đây được coi là hoạt động rước nước đặc thù của cư dân nông nghiệp lúa nước. Lễ hội thể hiện khát khao có một mùa màng bội thu của người Khmer.
Đua ghe ngo đã trở thành một hoạt động hấp dẫn không thể thiếu trong ngày Lễ hội Óoc Om Bóc truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ hội đua ghe ngo ở Sóc Trăng là dịp tập trung đông người Khmer tại địa phương mà còn thu hút đông người Khmer ở các tỉnh Nam bộ đến tham dự. Trong một năm người Khmer có rất nhiều lễ hội nhưng đua ghe ngo là lễ hội truyền thống và lớn nhất của họ. Người được chọn để chèo ghe phải là những thanh niên khỏe mạnh có sức vóc, đặc biệt phải quen với môi trường sông nước, biết bơi ghe thành thạo và phải bơi sao cho có sự nhịp nhàng cùng đồng đội. Trong một tập thể thì người được chọn ra chỉ huy, bắt nhịp càng là người thành thạo về môn đua ghe này hơn cả, hơn nữa còn là người có uy tín trong phun, sóc. Trên chiếc ghe còn có một người ngồi giữa thổi tu hút để cổ vũ, thúc giục các tay đua đua vượt sóng tiến lên. Ông Giang Tích, người Khmer ở Sóc Trăng, cho biết: Năm 18 tuổi tôi đã tham gia đua ghe ngo rồi. tập quán này có từ xưa đến rồi nên không thể bỏ được. Giờ thì lại kêu gọi con cháu cùng tham gia. Tôi rất thích môn thể thao này nên dù nhiều tuổi rồi vẫn cố gắng đến xem.
Trong năm, người Khmer ai cũng háo hức mong chờ đến lễ hội hấp dẫn này. Chỉ trên một đoạn sông ngắn được chọn tổ chức đua ghe ngo mà thu hút hàng trăm nghìn người đến xem và cổ vũ. Đoàn ghe đua đến đâu là trống nhạc cổ vũ và tiếng hò reo vang dậy đến đó. Đến với lễ hội, người dân được thức thức cái đẹp và sự khỏe mạnh hào hùng và cả tài nghệ tuyệ vời của các tay đua. Lễ đua ghe ngo của Sóc Trăng thực sự trở thành ngày hội của cả cộng đồng người Khmer ở Nam bộ. Môn thể thảo này mang tính cộng đồng cao, gắn kết tình đoàn kết trong phum, sóc giữa các dân tộc và xung quanh chùa chiền mà có ghe Ngo. Có thể nói, các chùa có ghe đều chuẩn bị tham gia thi đấu trong mùa lễ hội. Địa phương nào có ghe Ngo là niềm tự hào của tất cả bà con dân tộc tại nơi đó. Đối với những địa phương lần đầu có ghe Ngo để tham gia lễ hội, niềm tự hào phấn khởi càng được thể hiện rõ hơn. Ông Lý Hùng, người Khmer ở thành phố Cần Thơ, cho biết: Thành phố Cần Thơ mới bắt đầu học hỏi để cọ xát với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2012, thành phố cấp cho mỗi chùa một chiếc. Hy vọng sẽ có một đội ngũ vận động viên phong phú hơn trong tập luyện, thi đấu giao lưu để chọn được những người giỏi tham gia thi đấu với các tỉnh khác của khu vực đồng bào Sông Cửu Long. Còn Sóc Trăng là một trong những tỉnh có thế mạnh trong thi đấu ghe ngo.
Chiếc ghe ngo đua có hình thoi, dài và kéo về hai phía đầu và sau lái đều có độ cong nên nếu khi bơi động tác phối hợp không nhịp nhàng, ăn ý sẽ dẫn đến mất thăng bằng và làm cho ghe bị lật, chìm. Vì thế, trước khi đưa ghe xuống nước, thường là một con sông gần chùa nhất, để luyện tập tham gia thi đấu. Vì vậy, giờ đây ở mỗi một ngôi chùa ở từng phum, sóc đều có một đội đua. Nhà chùa đầu tư sắm ghe còn thanh niên trong phum, sóc thì tập hợp nhau tìm ra được những người khỏe và có kinh nghiệm nhất để vào đội đua. Trước khi nhập cuộc đua, các đội tổ chức tập đua ghe ngo trước cả tháng. Ông Trần Xuân Cảnh, ở huyện Tân Thành, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Người Khmer trọng nhất là môn đua ghe ngo này.Trước một tháng mọi người đã tiến hành tập luyện trên bờ. Chính vì quan trọng nên ai cũng mong được giải. Nhưng nếu có phần thưởng thì cúng vào chùa hết chứ không mang về. Gửi chùa để chùa xây dựng chùa chứ người dân không cần tiền vì tham gia để vui. Chính vì thế chùa nào có ghe cũng đều tham gia hết
Sau cuộc đua, tất cả các ghe ngo đều được đem về chùa cất giữ, bảo quản. Trong mỗi ngôi chùa ở Sóc Trăng, ngoài khuôn viên sinh hoạt chung, nơi thực hiện nghi lễ còn có chỗ để ghe ngo. Người Khmer quan niệm đua ghe là một hoạt động rước nước và nếu tham gia đều đặn thì công việc làm ăn, trồng trọt, cấy hái sẽ thuận lợi, may mắn. Sau ngày hội, mọi người Khmer quay về với công việc làm ăn, sinh sống với tinh thần phấn khởi. Họ không quan trọng quá phần thưởng và đội nào thắng cuộc mà tất cả đều vui vẻ, hẹn gặp lại cuộc đua năm sau.