(VOV5) - Ngôi miếu là duy nhất ở Côn Đảo, diễn ra lễ hội trang trọng do ngành văn hóa tổ chức được coi là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian.
Tới Côn Đảo, tỉnh Bà rịa-vũng tàu, du khách thường ghé thăm Miếu Bà Phi Yến, còn có tên gọi khác là An Sơn Miếu. Đây là điểm du lịch rất linh thiêng, đồng thời là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cần được bảo tồn và gìn giữ. Mời quý vị và các bạn cùng phóng viên Đài TNVN tới địa danh này, để tìm hiểu về những nét đặc sắc cùng truyền thuyết về ngôi Miếu.
Nghe âm thanh tại đây:
Chúng tôi tới Miếu Bà Phi Yến, trong hành trình du lịch các địa điểm tâm linh tại Côn Đảo, tỉnh Bà rịa-Vũng tàu. Miếu Bà Phi Yến nằm cách trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng 2 km về phía tây nam, trên đường Hoàng Phi Yến. Miếu vừa hoàn thành giai đoạn 1 trùng tu, tôn tạo. Được biết, bà Phi Yến là thứ phi của chúa Nguyễn Ánh( hay còn gọi là vua Gia Long), được dân chúng tôn sùng, khâm phục và yêu mến vì sự đức hạnh, nên đã lập miếu thờ bà.
Gian thờ bà Phi Yến |
Theo người dân địa phương, Miếu Bà Phi Yến lúc nào cũng đông khách thập phương. Trung bình, mỗi tháng, có khoảng 2 ngàn khách. Những tháng đông như sau Tết đến giữa năm thì lượng khách gấp vài lần. Người thì muốn tham quan du lịch, người thì muốn tới cầu bình an. Du khách khắp nơi tới đây với nhiều ước mong khác nhau. Hai bạn trẻ Thu Trang và Nguyễn Thị Hằng, từ Hà Nội chia sẻ, đã tới đây vài lần và thấy Ngôi Miếu rất linh thiêng: Em đến đây cũng có tham khảo, thấy gần chùa Vân Sơn thì vào. Bọn em tự đi, thuê xe máy, thuê khách sạn. Đến đây mong muốn tình duyên. Lúc đầu tìm ý trung nhân, chưa được lại xin tiếp. Em thì được rồi nhưng bạn thì chưa
Đây là điểm du lịch tâm linh. Bạn bảo linh thiêng thì em cũng muốn qua. Qua hai lần, bạn về có tình duyên, em chưa thì xin lại. Đến đây cũng xin sức khỏe, bình an, may mắn…Ngoài địa điểm tâm linh, đây cũng là khu du lịch đẹp, thời tiết, cảnh vật cũng đẹp
Anh Đoàn Trọng Hà, trong đoàn du khách gồm mấy chục người từ thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Côn Đảo, cũng chia sẻ cảm xúc khi tới Miếu bà Phi Yến: Em có ông anh trong công ty du lịch đưa em đi. Đến đây vui, mong cầu bình an, gia đình. Mới đến lần đầu. Mát mẻ, thoải mái.
Theo truyền thuyết dân gian, bà Phi Yến, tên thật là Lê Thị Răm, do ngăn cản kế hoạch của chồng nhờ ngoại bang chống lại quân Tây Sơn nên bà bị chồng giam. Bà được hai con vật rất khôn ngoan, trung thành cứu sống, đó là vượn bạch và hắc hổ. Chúng đưa bà đến làng Cỏ Ống, nơi hoàng tử Hội An(hay còn gọi là hoàng tử Cải), bị cha ném xác xuống biển và trôi dạt vào đó do không chịu theo cha cầu viện. Dân làng Cỏ Ống dựng cho bà ngôi nhà gần đó để chăm sóc mộ của con trai.
Bên ngoài An Sơn Miếu |
Tháng 10(âm lịch) năm 1785, làng An Hải ( nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay), tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ rước bà đến dự. Về sau, bà đã tự vẫn khi bị làm nhục để giữ tròn trinh tiết. Đối với người dân đảo, ngôi miếu rất linh thiêng gắn với câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, đức hạnh và giàu lòng yêu nước. Sau khi bà mất, nhân dân trên đảo đã lập miếu thờ. Trải qua nhiều giai đoạn, đến năm 1981, nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu khang trang. Việc người dân tham gia lễ giỗ của bà vào 18-10 âm lịch hằng năm cũng chính là gìn giữ, thưởng thức nét văn hóa truyền thống đặc sắc khi du lịch Côn Đảo.
Ông Phạm Hoàng Ảnh, người Hậu Giang, sau khi về hưu, ra Côn Đảo sống với con trai và được giới thiệu về làm việc tại khu di tích. Ông cho biết: Anh em phòng văn hóa giới thiệu hỗ trợ đón khách. Gặp gỡ giao tiếp khách thập phương, tôi thấy thoải mái. Người dân tới đây, khi bước vào Miếu trang nghiêm, bày tỏ sự tôn kính với các thần linh ở đây.
Mới đây, An Sơn Miếu hay còn gọi là Miếu An Sơn, nơi diễn ra Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến) đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đồng thời, Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến được đưa vào danh mục công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về sự linh thiêng của nơi đây, ông Lâm Văn Hóa, quản lý Miếu cho biết: Cũng có người tới lần đầu, có người đã tới vài lần. Đến đây cầu xin sức khỏe, cặp vợ chồng xin có con, được thì họ trả lễ. Người ta tâm sự với tôi, trong thời gian qua, vợ chồng trục trặc, đến cầu thì thấy cũng rất hay. Nói về tâm linh khó lý giải lắm. Trong tháng 12, tôi về cùng phòng văn hóa huyện về nhận bằng phi vật thể cấp quốc gia. Di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Theo truyền thuyết của bà năm nay sẽ là 237 lần giỗ. Mỗi lần cũng làm vài trăm mâm và du khách đến dự
Bằng xếp hạng di tích của thành phố |
Ông Hóa chia sẻ: mình làm vì tâm, mong muốn được phục vụ khách thập phương, bà con, phục vụ lễ hội là mình rất vui. Hiện Miếu bà Phi Yến vừa hoàn thành trùng tu giai đoạn 1 và chuẩn bị giai đoạn 2 là xây dựng cổng và bãi đậu xe. Câu chuyện truyền thuyết về bà Phi Yến và cậu Hoàng tử Hội An ( hay còn gọi là Hoàng Tử Cải) đã được người dân Côn Đảo lưu truyền hàng trăm năm nay. Câu ca dao: Gió đưa cây cải về trời/ rau răm ở lại chịu lời đắng cay gắn với truyền thuyết dân gian và sống mãi theo thời gian. Ngôi miếu là duy nhất ở Côn Đảo, diễn ra lễ hội trang trọng do ngành văn hóa tổ chức được coi là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian của Côn Đảo.Nếu tới đây, các bạn nên dành thời gian ghé thăm Miếu bà Phi Yến để tận mắt chứng kiến và cảm nhận được về sự linh thiêng của khu di tích này.