(VOV5) - Bất kỳ thời điểm nào trong năm, khi muốn tìm một không gian thư thái để nghỉ ngơi thì người dân và du khách đều có thể đến với “Một thoáng Việt Nam”.
Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” nằm ở ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi,cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50km.“Một thoáng Việt Nam”không chỉ giúp mọi người được sống lại với hào khí của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước ,mà còn góp phần giáo dục giới trẻ trân quý hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Bài viết của Minh Thắm , phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" rộng hơn 20ha được bao phủ trong màu xanh của cỏ cây hoa lá và những bụi tre. Ngay cổng vào là hình ảnh cách điệu quả trứng lớn nhắc nhở về cội nguồn dân tộc với câu chuyện của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Tiếp theo đó là các tiểu cảnh đặc trưng văn hóa lịch sử ba miền Bắc Trung – Nam như: Cổng Cổ Loa, thác Bản Giốc, hồ cá chép hóa rồng, ruộng bậc thang, nhà rông của Tây Nguyên... được phục dựng tại khuôn viên của khu du lịch. Mỗi công trình đều có một câu chuyện, một thông điệp văn hóa lịch sử mà chủ nhân khu du lịch gửi gắm đằng sau đó.
Tiểu cảnh quả trứng lớn gợi nhắc về nguồn cội dân tộc ở cổng vào khu du lịch. Ảnh: VOV |
Ít ai biết rằng, để có được “Một thoáng Việt Nam” như ngày hôm nay thì hơn 30 năm qua, người con của đất thép Củ Chi, bà Trần Thị Tuyết Nga, đã phải đổ bao công sức để lấp vùng đầm lầy bưng biền, đầy rẫy hố bom. Từng tham gia chiến đấu, sống trong rừng, lớn lên trong rừng Củ Chi nên hơn ai hết, bà Nga hiểu từng tấc đất ngọn cỏ nơi đây. Hòa bình lập lại với mong muốn hồi sinh cho vùng đất quê hương cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa Việt, bà Trần Thị Tuyết Nga đã thành lập Hợp tác xã làng nghề Một thoáng Việt Nam rồi sau này thì phát triển thành khu du lịch:
"Là thế hệ từng đi kháng chiến nên mọi đau thương của vùng đất này tôi chứng kiến hơn nhiều người. Sau giải phòng, khi tôi từ nước ngoài học về, tôi trở lại đây thì tôi thấy một cái gì đó rất cám cảnh. Vì thế tôi quyết định làm. Và tự tôi nghiệm ra rằng có lẽ đất nước cần những người chấp nhận khó khăn, thử thách để làm văn hóa một cách nghiêm túc nên tôi tiếp tục làm văn hóa."
Bà Trần Thị Tuyết Nga - Giám đốc khu du lịch "Một thoáng Việt Nam". Ảnh: VOV |
30 năm xây dựng “Một thoáng Việt Nam” cũng là quãng thời gian bà Nga trải qua không ít thăng trầm để theo đuổi triết lý làm du lịch bền vững; gửi gắm vào đó lòng tự hào dân tộc, bảo tồn và phát triển những nét tinh hoa văn hoá Việt. Bà Nga đã lặn lội đi khắp các vùng miền để sưu tầm các hiện vật lịch sử, văn hóa hay hàng trăm loài thực vật, tre trúc ở khắp 3 miền; mời nghệ nhân từ các làng nghề về để làm hướng dẫn viên trong khu du lịch.
Chị Nguyễn Thị Hương, một nghệ nhân được mời về từ làng nghề giấy Đống Cao (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, chị rất vui khi mang nghề truyền thống của ông cha đến đây giới thiệu cho du khách, đặc biệt là các em học sinh: "Các bạn nhỏ rất thích cái công việc này, kể cả in tranh các bạn ấy cũng thích. Mình cũng thấy rất vui vì cái nghề truyền thống của quê hương mình được mở mang và giới thiệu cho mọi người cùng biết đến.
Bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc thì một điều nữa mà bà Trần Thị Tuyết Nga mong muốn là thông qua du lịch để giáo dục cho thế hệ trẻ. Trong khuôn viên khu du lịch rộng hơn 20ha này có riêng Khu công nghệ cao, nơi mà du khách, đặc biệt là các em học sinh được tìm hiểu về vai trò của đất và nước, quy trình làm nông nghiệp hữu cơ hay tìm hiểu quy trình trồng nấm, quá trình chiết xuất tinh dầu từ các loại cây cỏ, thảo dược Việt Nam...
Các em học sinh tham quan tìm hiểu về môi trường đất và nước tại khu du lịch "Một thoáng Việt Nam". Ảnh: VOV |
Ông Văn Công Hùng, Phó Giám đốc Khu Du lịch Một thoáng Việt Nam, chia sẻ đây là cách lồng ghép giáo dục vào du lịch để giúp mọi người biết yêu quý, trân trọng hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường: "Ý tưởng làm nên khu thực phẩm sạch, công nghệ sạch, gọi là khu trải nghiệm cho giáo dục đó là một ý tưởng rất hay của chị Nga. Học sinh, sinh viên có thể vào đấy để tương tác, tìm hiểu khoa học thường thức, để biết cách làm sao để có nước sạch, làm sao để cho đất sạch, làm sao để môi trường sạch, thiên nhiên sạch. Đấy là điều mà một thoáng Việt Nam đang ấp ủ, từ một cái nhỏ nhưng sẽ lan tỏa được giá trị lớn hơn."
Chính vì làm du lịch bằng cả cái tâm nên bà Nga và đội ngũ của Khu du lịch Một thoáng Việt Nam đã khiến cho nhiều du khách tới đây cảm thấy rất thoải mái, trẻ em được tìm hiểu cái hay cái mới; người lớn tuổi thì như được tìm về với ký ức tuổi thơ với bóng dáng nếp nhà xưa.
Bà Thượng Thị Gừa, du khách đến thăm khu du lịch nêu cảm nhận: "Khu du lịch này rất tự nhiên, phong cảnh thiện nhiên rất đẹp, đi rất mát mẻ, hướng dẫn viên rất nhiệt tình. Ở quê mình có những mái nhà, chòm rau, vườn cây. Nhưng mà bây giờ thành phố hiện đại quá, không còn những cảnh như vậy nữa. Cho nên bây giờ có một khu du lịch như này thì tôi thấy rất ý nghĩa cho cả người lớn tuổi như cô cũng như các bạn trẻ sau này còn biết về nguồn cội của mình."
Bất kỳ thời điểm nào trong năm, khi muốn tìm một không gian thư thái để nghỉ ngơi thì người dân và du khách đều có thể đến với “Một thoáng Việt Nam”. Khu du lịch này đang góp thêm sắc màu cho bức tranh du lịch của thành phố Hồ Chí Minh.