Na Hang - Cảnh đẹp của tỉnh Tuyên Quang

(VOV5) - Nhắc tới Na Hang, không thể không nhắc tới hồ Na Hang một địa điểm được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” của tỉnh Tuyên Quang. 

Nằm cách thành phố Tuyên Quang 110km, với cảnh quan kỳ vĩ, thiên nhiên hùng vĩ, Khu du lịch sinh thái Na Hang đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Không chỉ có phong cảnh thiên nhiên đẹp, Na Hang còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Na Hang - Cảnh đẹp của tỉnh Tuyên Quang - ảnh 1

Vẻ đẹp huyền ảo của Hồ Na Hang. Ảnh: baobackan

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Na Hang theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là “ruộng cuối”. Na Hang có những cánh đồng lúa xanh mướt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là hồ trên núi tạo nên phong cảnh hữu tình, giống như một bức tranh cổ tích nổi bật nổi bật giữa đại ngàn xanh tươi.

Nằm trên địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình, Khu Du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000ha trong đó bao gồm 8000ha diện tích mặt nước. Hồ Na Hang - Lâm Bình là một trong những hồ thủy điện lớn nhất khu vực phía Bắc và nối liền với khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Na Hang từ lâu đã nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên phong phú với nhiều cảnh quan kỳ vĩ. Anh Nguyễn Việt, ở Thành phố Tuyên Quang, chia sẻ: “Gia đình chúng tôi rất hay lên Na Hang để khám phá và nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ. Rất nhiều người bạn của gia đình tôi ở Hà Nội, Hải phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đã hỏi tôi về Na Hang và tôi đã đưa họ lên đây thăm quan. Họ rất ấn tượng bởi phong cảnh, con người và những nét văn hóa của vùng đất này”.

Na Hang - Cảnh đẹp của tỉnh Tuyên Quang - ảnh 2Voọc mũi hếch là động vật quý hiếm sống ở Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Ảnh: baotuyenquang 

Nhắc tới Na Hang, không thể không nhắc tới hồ Na Hang một địa điểm được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” của tỉnh Tuyên Quang. Hồ sinh thái Lâm Bình - Na Hang là nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và sông Năng. Trên lòng hồ, Na Hang hiện lên với vẻ yên tĩnh, trầm mặc, là sự kết hợp tuyệt vời của núi non, sông nước hòa quyện với cảnh sắc mây trời. Mặt nước hồ phẳng lặng, lúc nào cũng xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, được bao bọc bởi 99 ngọn núi hùng vĩ, hình dáng khác nhau, tất cả in hình lên nền trời xanh, hòa lẫn với làn nước xanh thăm thẳm, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự kì diệu của tạo hóa.

Trong những năm gần đây, huyện Na Hang đã xây dựng được các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ với chiều dài khoảng 70km, các tour du lịch sẽ đưa du khách đắm mình với thiên nhiên sông nước và núi rừng, được tìm hiểu về từng sự tích gắn với mỗi địa danh nơi đây. Bên cạnh những địa danh, sự tích đã đi vào lịch sử ở nơi đây như: Thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, hòn Cọc Vài, vách đá Nàng Tiên - Chú Khách, động Song Long... những khu rừng nguyên sinh trải dài theo hai triền sông tạo nên cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, kỳ thú, hình thành nên những tour, tuyến du lịch dã ngoại, ngắm cảnh thiên nhiên bằng du thuyền đầy thú vị của du khách khi đến với Na Hang.

Du khách đến với Na Hang có thể đến thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang) nằm trên địa bàn 4 xã: Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú và Thanh Tương. Với diện tích trên 21.000 ha, khu bảo tồn có nhiều loài động vật quý hiếm trong đó có loài Vọoc mũi hếch ghi trong sách đỏ thế giới, cùng nhiều loại thực vật quý như đinh, lát, trai, sến táu… hay những những cây nghiến hàng ngàn năm tuổi vẫn được gìn giữ và bảo vệ tại đây. Bà Đỗ Thu Hằng, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Rất thú vị. Quang cảnh nơi đây rất trong lành. Nước hồ Na Hang xanh biếc khiến chúng ta nghĩ đến đang đi trong một vịnh ở biển, cùng những dãy núi mờ ảo trong mây với hình dáng rất đặc biệt. Tôi thích nhất là đi lội suối, được những chú cá nhỏ massage chân... Tôi nghĩ rằng rất nhiều người có cảm giác thích thú như tôi”.

Na Hang có nền văn hóa độc đáo của 12 dân tộc đang cư trú, vì vậy không chỉ tham quan du lịch lòng hồ, du khách đến với Na Hang còn được khám phá đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc nơi đây. Đó là lòng mến khách nồng hậu và nhiệt tình của đồng bào nơi miền núi cao, là những điệu hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu... Nếu may mắn đến đây vào dịp lễ hội, du khách sẽ được tham gia các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng Tông của người Tày, người Nùng, lễ Cấp Sắc, lễ Tơ Hồng, lễ Rước Dâu của người Dao. Hay dịp cuối tuần, du khách có thể ghé thăm chợ vùng cao Thượng Lâm, thường họp vào thứ năm và chủ Nhật hàng tuần.

Loại hình du lịch ở cùng người dân bản địa (homestay) đã được người dân nơi đây xây dựng để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách thập phương. Đến đây, du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân. Ông Triệu Văn Đội, chủ căn nhà homestay ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Vùng đất này nổi tiếng với rượu men lá cùng nhiều món ngon như cá bỗng – loại các chỉ sống ở vùng nước sạch, thịt thơm ngon; hay thịt vịt được các hộ dân nuôi bên bờ hồ, bờ suối, cùng những loại rau đặc sản như bò khai, măng đắng: “Tận dụng ngôi nhà sàn, hơn 1 năm qua tôi sửa sang và làm homestay để phục vụ khách du lịch. Trong thời gian tới chúng tôi mong du khách sẽ biết đến Na Hang nhiều hơn, để chúng tôi có thể phục vụ tốt hơn”.

Trước đây đến Na Hang rất khó khăn do điều kiện đường xá chưa phát triển, chỉ có một con đường độc đạo, hiểm trở. Tuy nhiên những năm gần đây, con đường vào Na Hang đã được sửa chữa, việc đi lại của người dân và du khách rất thuận tiện... Điều này giúp cho Na Hang đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác