(VOV5) - Di sản của thành phố ngàn hoa Đà Lạt ngoài khí hậu mát mẻ quanh năm là những ngôi biệt thự cổ với mái ngói đỏ rêu phong. Trong số các biệt thự đó, không thể không kể đến dinh I của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhắc đến dinh I – Đà Lạt à nhắc đến một công trình có kiến trúc độc đáo được xây dựng trước năm 1940. Chịu ảnh hưởng rõ nét của phong cách kiến trúc tân cổ điển của châu Âu, nơi nguyên là biệt thự của một kiến trúc sư người Pháp tên là Robert Clément Bourgery. Năm 1949, vua Bảo Đại đã mua lại bằng số 500.000 tiền Đông Dương để làm tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức. Dinh I nằm trên một đồi thông xanh với diện tích khoảng hơn 60 héc-ta. Bao quanh khu biệt thự là một số công trình kiến trúc như nhà dành cho Ngự lâm quân, hệ thống sân vườn, vòi phun nước, vườn ngự uyển… Tất cả tạo thành một quần thể đẹp, sang trọng và hoàn chỉnh. Chị Nguyễn Thị Nhiên, hướng dẫn viên du lịch tại khu biệt thự Dinh I – Đà Lạt chia sẻ:
“Như các bạn thấy kiến trúc dinh I đã xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ, và hoàn toàn là do người Pháp thiết kế, tân cổ điển châu Âu. Nét đặc trưng của lối kiến trúc này là chia tỷ lệ không gian phòng, các căn phòng đều có lối thông với nhau. Và điều đặc biệt ở lối kiến trúc tân cổ điển châu Âu là chú trọng đến không gian các căn phòng, sự kết hợp giữa thính giác và thị giác. Những đồ vật trang trí trong căn phòng rất quan trọng, tinh tế lãng mạn. Chính vì vậy trong các căn phòng ở đây, sự bài trí nhìn bề ngoài rất đơn giản nhưng tạo ra nét tinh tế. Đặc biệt màu của dinh thụ này chủ yếu là màu vàng, và màu đỏ thể hiện uy quyền hoàng gia thời bấy giờ”
Dinh Bảo Đại nằm trên một đồi thông xanh mát |
Dinh I được xây dựng kiên cố, tường xây gạch đá, mái lợp ngói đỏ. Nét cổ điển ở nơi đây không chỉ thể hiện ở sự đối xứng trong mặt bằng mà còn thể hiện nằm trên các cửa số. Phần ở dưới được xây bằng đá chẻ, phần còn lại được xây bằng gạch. Toàn bộ hệ thống cửa, cầu thang, sàn lầu, vật dụng đều bằng gỗ. Cửa chính cũng có dạng vòm cung nhưng lại được tích hợp với mái đá bằng ngang là một điểm cách tân trong kiến trúc dinh I. Chị Trần Lan Chi, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ:
“Ấn tượng của mình khi đến với dinh Bảo Đại là phần nội thất ở đây. Mình thấy so với thời đại này thì không phải cái gì quá đặc biệt nhưng bản thân mình rất thích nét kiến trúc từ thời Pháp thuộc mình rất thích kiến trúc của dinh Bảo Đại này. Nhất là những không gian ngập tràn ánh sáng, kiến trúc sư đã sử dụng rất nhiều cửa sổ để đón ánh sáng”
Cuối năm 2014, Dinh I Đà Lạt đã được tỉnh Lâm Đồng bàn giao cho công ty cổ phần Hoàng Cầu Đà Lạt. Sau một quá trình tu sửa, công trình dinh I Bảo Đại đã đón du khách đến tham quan vào giữa năm 2015. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho biết:
“Dinh I là một trong những chuỗi dinh thự có nét đặc biệt về kiến trúc và có giá trị về mặt lịch sử. Nó cũng là một sản phẩm góp phần làm phong phú cho sản phẩm phục vụ cho du lịch. Chúng tôi rất mừng là với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh các ngành, trong thời gian vừa qua, các dinh I,II,III tọa lạc trên địa bàn tỉnh của thành phố Đà Lạt được quan tâm, bảo tồn và gìn giữ”
Thành phố Đà Lạt được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu với nhiều công trình kiến trúc mang giá trị đặc sắc. Các khu dinh thự của vua Bảo Đại đã góp phần tạo nên dấu ấn của thành phố cao nguyên đầy thơ mộng này.
Kiến trúc phòng khách của dinh |