Nghệ nhân nặng lòng với nhạc cụ dân tộc

(VOV5) - Cả cuộc đời nghệ nhân Lò Văn Ơn say mê, tìm tòi nghiên cứu để khôi phục lại các loại nhạc cụ dân tộc đã bị mai một.

Ở bản Nà Ten, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nghệ nhân Lò Văn Ơn được bà con bản trên mường dưới biết đến không chỉ vì ông thổi sáo, đánh đàn giỏi, mà ông còn biết chế tác ra nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Cả cuộc đời ông say mê, tìm tòi nghiên cứu để khôi phục lại các loại nhạc cụ dân tộc đã bị mai một.

Nhiều năm nay, giai điệu du dương đậm đà nét văn hóa dân tộc Tây Bắc của dàn sáo nhị đã trở thành thân quen với bà con ở bản Nà Ten, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điệu sáo nhị do nghệ nhân Lò Văn Ơn, cùng các thành viên trong đội văn nghệ bản tự dàn dựng và biểu diễn phục vụ dân bản, cũng như khách tham quan vào các tối thứ 7, chủ nhật hằng tuần hoặc khi có đoàn khách đến thăm bản. Theo các thành viên của đội văn nghệ, nếu như không có nghệ nhân Ơn, chắc chắc không thể có được dàn nhạc dân tộc của bản như hôm nay.

Nghệ nhân nặng lòng với nhạc cụ dân tộc  - ảnh 1
Nghệ nhân Lò Văn Ơn với bộ sưu tầm các nhạc cụ truyền thống của
dân tộc Thái. (ảnh: Đài PT-TH Điện Biên)

Sinh ra và lớn lên ở bản Nà Ten, từ thủa nhỏ, nghệ nhân Lò Văn Ơn đã học và sử dụng thành thạo nhạc cụ dân tộc như thổi sáo, kéo nhị, đánh đàn tính, thổi kèn… Khi bản, xã thành lập đội văn nghệ, ông tham gia và những bài biểu diễn từ các nhạc cụ dân tộc của ông đã được mang đi giao lưu văn hóa, văn nghệ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đi nhiều nơi, ông luôn ấp ủ mong muốn được giới thiệu ngày càng nhiều các loại nhạc cụ của dân tộc mình với bạn bè. Thế là ông bắt tay nghiên cứu, tìm tòi chế tác ra các nhạc cụ dân tộc để phục vụ bà con trong vùng và du khách đến thăm Điện Biên. Các loại nhạc cụ của dân tộc Thái, Mông như sáo, nhị, kèn, tính tẩu cỡ to, nhỏ khác nhau mà ông tự làm ra được nhiều người rất yêu thích.

Chế tác và sử dụng thành thạo được các loại nhạc cụ dân tộc, ông Ơn lại trăn trở khi hiện nay những người sử dụng và làm ra các sản phẩm nhạc cụ dân tộc như ông rất hiếm, thậm chí không có. Vậy là, bắt đầu từ năm 2010, ông đã xin phép ngành văn hóa và địa phương  mở các lớp dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho các em học sinh một số trường ở Điện Biên trong dịp hè. Mong muốn duy nhất của ông là làm sao lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ là con em đồng bào Thái, Mông trong vùng và những người yêu thích nhạc cụ dân tộc.

Nghệ nhân nặng lòng với nhạc cụ dân tộc  - ảnh 2
Cây đàn tính là nhạc cụ truyền thống được các dân tộc Thái, Tày, Nùng
 sử dụng trong nghi lễ hát then. Ảnh: Việt Hòa


Ông không chỉ truyền đạt cho các em những kỹ năng cơ bản về nhạc cụ dân tộc, ông còn truyền cả niềm đam mê cho các em về cách thổi sáo, đánh đàn tính, kéo nhi, cách chế tác ra các nhạc cụ dân tộc, cách làm thế nào giữ được âm thanh trong trẻo, thánh thót của sáo, tiếng vang vọng, ngân nga của nhị, tính tẩu… Ghi nhận những nỗ lực của ông, Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên đã chọn xã Thanh Nưa để thí điểm về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Các lớp học nhạc cụ dân tộc ông Ơn mở ra đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các em học sinh và những người yêu thích nhạc cụ dân tộc. Một số học trò được thầy Ơn truyền dạy đã đạt các giải cao trong các cuộc thi giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc các cấp.

Tấm lòng nhiệt huyết của nghệ nhân Lò Văn Ơn thật đáng trân trọng. Những việc làm đầy ý nghĩa của ông đã góp phần không nhở trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, để nhạc cụ dân tộc trường tồn mãi với thời gian./.

Lường Hạnh
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác