(VOV5)- Hơn 50 năm gắn bó với làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú, phát thanh viên Việt Hùng đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng thính giả yêu Đài. Những lá thư của thính giả bày tỏ lòng yêu mến giọng đọc của ông mỗi ngày một nhiều. Đã thành thói quen, hàng ngày thính giả bật radio chờ đợi giọng đọc của ông trong những chương trình văn nghệ, đọc truyện đêm khuya.
Những ngày này, căn nhà nhỏ của gia đình nghệ sỹ ưu tú Việt Hùng trên tầng 4 của khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam rộng hơn 40m2 có đông bạn bè, đồng nghiệp, người thân đến chia vui. Sau hơn 50 năm cống hiến cho làn sóng phát thanh Quốc gia, ông vinh dự được được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” trong dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua.
Trong các câu chuyện kể cho đồng nghiệp và bạn bè nghe về công việc của mình, Nghệ sỹ ưu tú, phát thanh viên Việt Hùng luôn nói rằng: nghề phát thanh viên đến với ông một cách thực sự tình cờ. "Quả thật khi vào nghề này tôi cũng như người khác, nghe các giọng đọc trên đài thời chống Mỹ cứu nước, thấy giọng đọc của các cô các chú, tôi mê lắm, mê một cách thực sự. Hồi ấy chúng tôi là thanh niên ngoài phương tiện thông tin cảu Đài TNVN , nghe các cô, chú đọc tuyệt vời lắm. Vì thế đem lòng muốn vào nghề này. Một lần tôi qua nhà bác Nguyễn Thơ chơi, bác bảo tôi đi thử tiếng. Chị Tuyết Mai dẫn tôi đi thử tiếng và chị bảo giờ có muốn về Đài làm không nhưng tôi quyết định học xong đã."
NSUT Việt Hùng
Lúc đó nghệ sỹ ưu tú Việt Hùng đang học trường Đại học giao thông Vận tải. Ông hứa ra trường sẽ về Đài làm việc nhưng năm 1969, tốt nghiệp Đại học, NSUT Việt Hùng lên đường nhập ngũ như bao thanh niên khác. Đóng quân ở Quảng Bình 3 năm, đến đầu năm 1973, ông mới chính thức về làm phát thanh viên của Đài TNVN. Mặc dù được đọc trên làn sóng phát thanh là niềm mơ ước của ông nhưng khi trực tiếp bước vào nghề mới thấy bao khó khăn. "Dù rằng mình cũng có thuận lợi là giọng đọc được chú ý, các biên tập viên thì khen giọng đọc nhưng đằng sau đó không phải là hết khó khăn. Đi học một nghề rồi đi làm tuy thâm niên công tác chưa nhiều những quen với nghề mình học thì thuận lợi nhưng bây giờ chuyển sang một nghề khác không biết gì hết mà Việt Nam chưa có trường dạy phát thanh viên vào thời đó. Cứ thế tôi lẽo đẽo theo các bác học từng chút, từng chút một . Khi mới vào nghề cầm văn bản, vào trong phòng thu mồ hôi chảy ròng ròng. Vậy đọc làm sao cho hay, chính xác đã là khó. Đọc làm sao cho uyển chuyển, nhịp nhàng càng khó nữa."
Thời gian đầu, NSUT Việt Hùng được phân công đọc bản tin dự báo thời tiết phát vào lúc 5h sáng. Một thời gian dài như vậy, ông không nản lòng mà coi đó là quãng thời gian để học tập. Rồi ông được phân công đọc những đoạn giới thiệu văn nghệ hay truyện ngắn. Chỉ từng đó thôi cũng khiến ông thấy mừng. "Mới đầu được đọc giới thiệu văn nghệ cũng đã thích rồ. Chỉ đọc một cái giới thiệu thôi tôi về cũng nghe lại xem chỗ nào được, chỗ nào chưa hay như thế mình cần phải đọc như thế nào khác. Viết giới thiệu cho một truyện ngắn thì người viết cũng phải bỏ công sức ra xem nội dung là gì. Giới thiệu như là câu mời, câu chào. Với chỉ là lời mời thôi nhưng cũng gây cho người ta hứng thú nghe tiếp câu chuyện đó. Tôi quan niệm phải chắt chiu nhặt nhạnh từ những cái nhỏ để ngày ngày tháng tháng như thế mình mới vững vàng lên. Rồi đọc từ cái nhỏ đến cái lớn. Mới đầu được phân đọc bài ngắn rồi tiếp đến truyện vừa rồi đến bút ký."
Nghe truyện ngắn: Con đường vô tận
Tác giả: Võ Thị Xuân Hà
Giọng đọc: NSUT Việt Hùng
|
Mỗi một thể loại, NSUT Việt Hùng lại thể hiện với một tâm trạng khác nhau. Và để thể hiện thành công ông phải chịu khó học hỏi, nghe đọc trên sách báo, rồi quan sát từ thực tế. Ông bảo điều quan trọng nhất đó là cảm xúc. Ông vẫn nhớ thời gian ông đọc cho chương trình Phát thanh dành cho đồng bào ở xa tổ quốc của Hệ phát thanh Đối ngoại. Bao thương nhớ, bao tình cảm ông dồn vào từng con chữ bởi ông thấu hiểu được cảm giác sống ở nơi đất khách quê người là như thế nào? "Đúng là tôi cũng phải xa tổ quốc khi đi công tác cho nên tôi rất thấu hiểu, khi đọc cho chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc, về mặt nội dung thì đã tình cảm rồi. Tôi nghĩ đấy là sự đầu tư rất thích đáng, đó cũng là tình cảm của Đài, của nhân dân mình đối với đồng bào ở xa tổ quốc. Nếu đọc cho người đi xa thì cần phải có trách nhiệm đọc làm sao để người ta thấy người ở nhà vẫn nhớ người ở xa. Người ở trong nước không bao giờ quên vì họ chỉ đi xa thôi không phải họ bỏ hẳn nơi chôn rau cắt rốn. Cho nên khi tôi đọc từ phần tin, rồi các tiết mục câu chuyện cho người xa quê, hương vị quê nhà, riêng tôi thấy rất tâm đắc, hay, đủ sức thuyết phục để người ở xa nhớ về quê với tấm lòng người con đất Việt"
Học từ những cái rất nhỏ để hôm nay một giọng đọc vàng Việt Hùng cất lên khiến bao con tim rung động. Những lời động viên của thính giả đến từ mọi miền đất nước gửi tới ông như lời động viên, khích lệ để ông càng thêm gắn bó với nghề.
Tuy đã nghỉ hưu được 5 năm nhưng ông vẫn đến phòng thu đều đặn bởi những chương trình đọc truyện đêm khuya hay truyện dài, văn nghệ vẫn không thể thiếu được giọng đọc Việt Hùng. Thính giả vẫn chờ đợi ông hàng ngày và đó là động lực để ông say mê với nghề.