Nghị lực phi thường của một võ sư khiếm thị

(VOV5) - Hơn 30 năm theo đuổi nghiệp võ và 20 năm dạy võ, tiếng tăm của võ sư Nguyễn Kim Hoàng khiến nhiều người ngưỡng mộ không chỉ ở tài năng mà còn vì nghị lực vượt lên số phận của mình. Cơn bạo bệnh cách đây 5 năm khiến đôi mắt của võ sư không nhìn được nữa nhưng không thể dập tắt ngọn lửa đam mê của võ sư người Hà Nội với môn Pencak Silat. 


Nghị lực phi thường của một võ sư khiếm thị - ảnh 1
Võ sư Hoàng khiến các học trò yêu mến nhờ sự nhiệt tình và tinh thần lạc quan trong mỗi giờ lên lớp. Ảnh: Quang Huy.

Nghe âm thanh tại đây:



Sinh năm 1978, Nguyễn Kim Hoàng yêu thích võ thuật từ nhỏ, bắt đầu với môn phái võ cổ truyền Nam Hồng Sơn. Năm 1992, khi Pencak Silat du nhập vào Việt Nam, anh vào lớp môn sinh đầu tiên. Năm 1994, Nguyễn Kim Hoàng được chọn vào thành phần đội tuyển Pencak Silat quốc gia và vài năm sau anh mở lớp dạy võ. Cũng nhờ võ thuật xe duyên, anh gặp người phụ nữ của đời mình. Anh là huấn luyện viên, còn chị là võ sĩ thi đấu chuyên nghiệp. Cuối năm 2005, họ nên vợ nên chồng, có cuộc sống hạnh phúc và có với nhau một cô con gái xinh đẹp. Bất hạnh bắt đầu từ năm 2010, khi anh phát hiện mình bị suy thận nặng. Biến chứng của căn bệnh khiến đôi mắt anh mờ dần rồi mù hoàn toàn. Cuộc sống của người võ sư mạnh mẽ bỗng chốc phụ thuộc hoàn toàn vào người khác khiến anh hụt hẫng, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Võ sư Nguyễn Kim Hoàng kể: “Khi là người khiếm thị thì chuyện đi lại, hay mọi hoạt động liên quan đến đời sống sinh hoạt đều rất khó khăn, mình phải nhờ đến người khác quá nhiều. Vì có những việc, khi người ta có mắt thì mới nhìn thấy được, làm được. Nói đơn giản khi mình đi xe buýt, khi đến bến mình không biết đi xe số nào, tuyến nào, cái xe cần đi mình cần đi bao nhiêu lâu mới tới nơi. Cứ như vậy, có quá nhiều điều bất tiện.” 

Trong những ngày tháng cùng cực nhất, phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, nhờ sự chia sẻ, động viên của gia đình, bạn bè, học trò và nghị lực vươn lên của chính mình đã giúp chàng võ sư trẻ Nguyễn Kim Hoàng vượt qua tất cả, không đầu hàng với số phận. Tuần 3 buổi, anh phải vào viện chạy thận nhân tạo, 3 buổi còn lại, anh đến Câu lạc bộ võ thuật Pencat Siklat và võ Cổ truyền tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia để dạy võ. Ngày cuối tuần, anh còn dạy võ cho học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định và các võ sinh khác ở công viên Bách Thảo. Ban đầu, lớp chỉ có 7 võ sinh, đến nay, mỗi khóa có từ 20 đến 50 võ sinh. Điều đáng nói là các lớp này thày Hoàng đều không thu bất cứ loại phí nào.

Cánh tay trái khó cử động do phải tiêm, truyền thuốc nhiều lần, gây khó khăn, đau đớn mỗi khi anh phải vận động để truyền đạt kiến thức cho học trò. Thách thức ấy không làm nản chí vị võ sư hết lòng vì niềm đam mê võ thuật. 5 năm qua, võ sư Nguyễn Kim Hoàng vẫn đều đặn đứng lớp dạy võ cho các bạn trẻ Hà Nội. Anh Hoàng chia sẻ việc dạy võ đã ngấm vào máu thịt của mình, nhờ võ thuật mà anh vượt qua được những điều tưởng như không thể làm được. Võ sư Nguyễn Kim Hoàng cho biết:“Các bạn đến với lớp học của tôi rất nhiều.Có bạn đến tập võ chỉ vì tò mò khám phá vì sao người thày không nhìn thấy gì cả mà vẫn dạy được võ. Tôi dạy võ để các bạn vận động, tập luyện và rèn luyện sức khỏe của mình".

Những người theo học thày Hoàng gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề, chủ yếu là sinh viên. Có những người là theo học thày từ nhiều năm nay, cũng có người chỉ mới nghe danh thôi đã tìm đến. Nhiều võ sinh trước đây học thày Hoàng khi biết tin thầy hỏng mắt đã tình nguyện về lớp trợ giúp cùng thày dạy các võ sinh mới. Nhiều người sau khi học thày Hoàng đã trở thành vận động viên chuyên nghiệp, có người góp mặt trong đội tuyển Võ thuật Hà Nội, đội tuyển Công an thành phố Hà Nội. Võ sinh Nguyễn Thị Thanh, một trong những học trò của thày Hoàng, chia sẻ: “Chính sự lạc quan của thầy đã khiến chúng em đến lớp. Chúng em cảm thấy thày không chỉ dạy võ mà thầy còn dạy chúng em rất nhiều kinh nghiệm cuộc sống. Chính điều đấy đã khiến rất nhiều học sinh gắn bó với thầy".

Với những cống hiến và đóng góp của mình cho phong trào tình nguyện, Võ sư Nguyễn Kim Hoàng đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc trao tặng giải thưởng “Tình nguyện Quốc gia năm 2015”.

Mong ước lớn nhất của võ sư Nguyễn Kim Hoàng lúc này là luôn có được sức khỏe để có thể đứng lớp, dìu dắt các học trò của mình. Và ai cũng mong muốn rằng ước mơ giản dị, chân thành đó của anh luôn thành hiện thực. Hình ảnh “Người thày khiếm thị” đứng lớp dạy võ đã khiến nhiều người cảm động và trân trọng, đủ thắp lên ngọn lửa của hy vọng và niềm tin. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác