Người làm nên thương hiệu đá cảnh phố Động

(VOV5) - Người được cả khu phố Động gọi là ông tổ nghề đá cảnh ở đây là ông Nguyễn Cảnh Hưng, năm nay ngoài 70 tuổi. 

Chạy dài suốt mấy cây số trên Quốc lộ 21A từ tỉnh Hà Nam xuôi về Nam Định là bạt ngàn đá cảnh các loại bày khắp hai bên đường, tạo nên một khu phố đá cảnh sầm uất. Đó là phố Động thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, nơi người dân sống sung túc nhờ đá cảnh và sinh vật cảnh. Người được cả khu phố Động gọi là ông tổ nghề đá cảnh ở đây là ông Nguyễn Cảnh Hưng, năm nay ngoài 70 tuổi. Ông không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp người dân địa phương cùng nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu trên quê hương.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cách đây nhiều năm, trở về sau chiến tranh với thương tật hạng 2/4, với một bên chân 6 lần bị cưa, hằng ngày ngồi bán nước, ông Nguyễn Cảnh Hưng chợt nghĩ cần làm vài tảng đá cảnh đặt trước quán nước cho cuốn hút khách, không ngờ lại được khách hàng vào uống nước hỏi mua. Từ đó, ông quyết tâm làm kinh tế bắt đầu từ thế mạnh của quê hương. Ông Hưng lặn lội vào rừng Bồng Lạng (huyện Thanh Liêm), hay vào Thung Trứng (huyện Kim Bảng)…tìm cây, tìm đá về mầy mò chế tác. Với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, ông đã thổi hồn vào những hòn đá vô tri vô giác. Từ những năm 1990, khi đơn đặt hàng ngày càng nhiều, ông chuyển sang kinh doanh, tập trung sản xuất cây cảnh, cây thế, cây bóng mát và làm dịch vụ trồng, thiết kế vườn cảnh cho các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, ông còn xuất khẩu các sản phẩm của mình sang CHLB Đức, Nhật Bản, Australia…Ông Nguyễn Cảnh Hưng chia sẻ: Cựu chiến binh mà phát triển kinh tế giỏi được thì không có giấu nghề mà giao cho chi hội, phổ biến kinh nghiệm để làm rộng rãi cho anh em cùng xóa đói giảm nghèo, không ích kỷ. Thứ hai là muốn làm tốt phải có uy tín, kỹ thuật phải hơn mọi người để thuyết phục được khách hàng. Giá cả bán ra phải chăng và nhất là phải giữ chữ tín.

Người làm nên thương hiệu đá cảnh phố Động - ảnh 1
Ông Nguyễn Cảnh Hưng, người được xưng tụng là “vua đá cảnh” bên những bằng khen, giấy khen về những thành tích làm kinh tế giỏi, khuyến học, khuyến tài tại địa phương

Đến thăm những cơ sở chế tác đá cảnh hiện nay của ông Nguyễn Cảnh Hưng, chúng tôi được chứng kiến bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây. Từ những khối đá xù xì, thô ráp dần lộ ra những tảng non bộ rất tinh tế, chất chứa bao nhiêu kỳ công, làm mê hoặc lòng người. Gia đình ông Hưng đã có 5 cơ sở làm dịch vụ cây, đá cảnh, bể cảnh, với tổng số vốn hàng tỷ đồng. Những cơ sở này tạo việc làm cho nhiều lao động, với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/ một tháng. Ông còn giúp đỡ người dân trong vùng phát triển kinh tế, thông qua việc mở lớp tập huấn làm đá cảnh. Nguyễn Ngọc Huân, một học viên trong lớp tập huấn làm đá cảnh tại xã Liêm Cần nói: Em học tập được ở ông rất nhiều đức tính để vận dụng vào đời sống như sự trung thực thẳng thắn. Em sẽ phấn đấu học hành chăm chỉ để góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Người làm nên thương hiệu đá cảnh phố Động - ảnh 2

Tiếng lành đồn xa, dần dần nhiều người dân và cựu chiến binh khắp nơi đã tìm đến ông để học nghề. Các gia đình này làm ăn ngày càng khấm khá và phát triển sầm uất thành khu đá cảnh ở phố Động với hơn 100 hộ gia đình làm đá cảnh như hiện nay. Nhờ vậy, ngoài cây lúa, xã Liêm Cần có thêm nghề làm đá cảnh. Những cơ sở sản xuất gia đình có quy mô nhỏ cũng thu về vài trăm triệu đồng, còn những hộ quy mô lớn có doanh thu vài chục tỷ đồng mỗi năm. Ông Hoàng Văn Vinh, chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Liêm Cần cho biết: Làm nghề cây, đá cảnh cho thu nhập tương đối. Đại đa số các gia đình ở đây khấm khá lên nhờ nghề này. Nghề này có ở đây từ những năm 90 khi cụ Hưng về đây làm nên những hòn non bộ đầu tiên. Về việc kinh doanh, giúp đỡ kỹ thuật không chỉ riêng tôi mà tất cả các bà con ở đây đều được giúp đỡ rất nhiệt tình…

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, ông Nguyễn Cảnh Hưng còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, các hoạt động xã hội, làm công tác dân vận tốt để huy động các nguồn lực giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân ông cũng đã đóng góp hơn 300 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình khó khăn, trẻ em nghèo, được người dân tin yêu, kính trọng. Ông Nguyễn Cảnh Hưng là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên trong cuộc sống hôm nay. Với những thành tích trong sản xuất kinh tế, xây dựng quê hương, ông Hưng được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, và được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc thời kỳ đổi mới./.


Phản hồi

Các tin/bài khác