Người một nhà

(VOV5)- “Nếu không có tình thương, lòng biết ơn thì sẽ không ai trụ được tại một môi trường làm việc như thế này”.  Đó là lời khẳng định của tất cả các cán bộ của trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Có đến đây mới thấy được tình thương của cán bộ trung tâm dành cho các thương binh mắc bệnh tâm thần do vết thương sọ não trong kháng chiến chống Mỹ.

Người một nhà - ảnh 1
Tặng quà cho các thương binh tại Trung tâm (Ảnh: TTXVN)

Sáng nào cũng vậy, các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của trung tâm tập trung về phòng tập phục hồi chức năng để hướng dẫn những thương binh nặng đang điều trị tại đây. Những dáng đi chậm chạp, khuôn mặt ngây ngây, mỗi người một vẻ nhưng tất cả chẳng ai còn được minh mẫn như xưa đang chăm chú nghe theo hướng dẫn của các cán bộ trung tâm. Anh Lê Tuấn Anh cho biết:  "Buổi sáng thường tập 30 phút đến 1 tiếng tùy theo sức khỏe của từng người để phục hồi chức năng. Thường thường cho anh xem ti vi và cho anh em tập trên những chiếc xe này. Một số anh em biết một chút thôi nhưng có sự hướng dẫn của nhân viên thì các anh biết. Anh em chúng tôi không sát sao thì họ lại xuống luôn. Lúc nào tỉnh táo còn đỡ, chứ hôm nào thời tiết thì bệnh tật nặng nên các anh làm theo ý thích của mình."

Giọng nói dịu dàng, chị Đỗ Thị Thúy nhẹ nhàng chỉnh lại từng động tác cho  ông Nhì. Khác với ông Tư lúc nào khuôn mặt cũng rầu rĩ, không nói thì ông Nhì lại luôn cười một mình. Hôm nay thấy có khách đến chơi, ông cười tự giới thiệu. "Tôi năm nay 74 tuổi, quê ở Thái Bình, huyện Kiến Xương, tôi bị thương ở bên đất nước Lào, năm đó tôi còn trẻ lắm, ngoài 40 tuổi. Lúc bị thương tôi được đưa ra ngoài Bắc, đưa vào viện 108, Hà Nội. Tôi đến trung tâm năm 1986. Gia đình tôi đến đây luôn, mong muốn được về gia đình nhưng ở đây ăn uống, thuốc men, điều trị, nghỉ ngơi, tối thì ngủ. Một ngày thích nhất là đi dọn dẹp, quét sân, hót lá ..."

Điệu cười ngờ nghệch, vô lo, vô nghĩ của ông Nhì khiến cho ai có mặt cũng thấy xót lòng. Chị Thúy bảo dù bệnh nặng, nhưng mọi chuyện trong quá khứ ông Nhì không quên nhưng lại không nhớ đến hiện tại.  "Đúng là hàng ngày bác rất thích đi quét sân cùng chúng tôi nhưng chỉ hôm nào khỏe mạnh thôi còn hôm nào trầm cảm thì ngồi trong nhà, gọi không nói, hỏi không thưa. Nhưng giờ bệnh tình của bác cũng ổn định. Bác Nhì gia đình cũng quan tâm, năm nào cũng chỉ đón 1 tháng thôi trong dịp tết. Gia đình không dám đón về  vì ở đây chúng tôi còn ép bác uống thuốc đủ nhưng ở gia đình thì khó nên bệnh lại tái phát, đêm cười nói một mình, đi lang thang vì gia đình không quản lý được."

Mặc dù làm ở đây cũng đã gần 10 năm nhưng chị Thúy không sao giấu được sự xúc động khi nói về những thương binh ở đây. Chị bảo các bác ở đây thiệt thòi lắm, phải có tình thương thì mới chăm sóc được một cách tận tình nên dù có nhiều cơ hội chuyển công tác nhưng chị vẫn một mực gắn bó cuộc đời ở nơi này. "Phần lớn thương binh ở trung tâm gia đình đều ở xa và không có người quan tâm chăm sóc, gia đình neo đơn, có vợ hoặc vợ bỏ, không có vợ , bố mẹ thì mất hay anh em chỉ có một hai người nhưng một năm lên một, hai lần. Nhưng các chú ở đây chúng em chăm sóc như ở nhà, chăm sóc bằng lòng biết ơn, kính trọng, bằng tình thương. Thật ra một ngày 8 tiếng chúng em sống cùng các chú nên hiểu hết được tính cách, tâm tư của từng người. Như chú Tư này phải nói tình cảm “chú ăn đi nhé, ăn cho khỏe..” còn nếu nói “Chú Tư vào ngồi ăn đi ” không bao giờ. Còn ở khoa kích động kia bệnh nhân tâm trí không được ổn định như thế này."

Ở khoa kích động, nơi mà các thương binh đều chưa ổn định về tinh thần, tâm lý, hành vi nên công việc của các cán bộ lại càng vất vả hơn. 10 năm công tác tại trung tâm đối với anh Vũ Thế Anh đủ để anh cảm nhận nỗi đau, sự mất mát của những thương binh nơi đây. "Về đây phải đồng cảm với anh em thì mới phục vụ thương bệnh binh vô điều kiện. ở bộ đội đã vất vả thì về đây vất vả hơn. Bệnh nhân ở đây không biết gì. Đút từng miếng cơm, mặc từng manh áo, trời rét không biết mặc áo ấm. Như bệnh nhân Tái, trời rét anh em nhân viên phải mặc quần áo cho. Nếu trong ca trực anh em không để ý thì có người sẽ chết vì lạnh cóng. Vì vậy trong đêm ca trực anh em cán bộ phải thường xuyên đi kiểm tra xem anh em có mắc màn không, có mặc quần áo không, nếu chưa mắc màn thì tự tay nhân viên mắc màn, đắp chăn. 15 phút lại đi kiểm tra một lần."

Mọi hoạt động của thương bệnh binh đều được các anh giám sát chặt chẽ. Chỉ lơ là một chút thôi thì hậu quả khó lường. Mọi vật dụng sắc, nhọn đều không được để trong tầm tay của thương bệnh binh. Ngay việc uống thuốc tưởng chừng đơn giản nhưng luôn là vấn đề đau đầu của các anh.

Hàng ngày phải chứng kiến cảnh người đi lại lặng lẽ, người ngồi thẫn thờ một góc, mắt nhìn vô hồn, người thì cười hềnh hệch, người lại nói luôn một những thứ không rõ ràng, trong lòng mỗi cán bộ trung tâm đều rất buồn. Nếu như không vì chiến tranh, không bị thương thì giờ đây họ đang được hưởng một cuộc sống thanh nhàn, hạnh phúc bên gia đình. Hiểu rõ được những mất mát đó, những cán bộ như anh như Thế Anh, chị Thúy...đều tận tâm bù đắp một phần cho các anh. Với họ những thương bệnh binh ở trung tâm giống như người thân, đều là “Người một nhà”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác