(VOV5) - Nặng lòng gìn giữ văn hóa dân tộc mình, những việc làm của bà Lò Thị Phớ mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộcViệt Nam.
Dân tộc Kháng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có nhiều phong tục tập quán, nét văn hoá riêng có, đặc sắc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, một một số lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ của đồng bào đang đứng trước sự mai một, lãng quên. Trăn trở trước thực trạng này, bà Lò Thị Phớ, dân tộc Kháng, ở xã Chiềng Ơn, đã dày công đi khắp các bản người Kháng để vận động thành lập đội văn nghệ dân tộc, góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo bà Lò Thị Phớ, để thành lập được đội văn nghệ dân tộc Kháng duy trì hoạt động nền nếp, có hiệu quả như ngày hôm nay là cả một quá trình vận động gian nan, vất vả. Bà Phớ chia sẻ: "Khó khăn nhất là đi vận động, làm công tác tư tưởng với chồng con, bố mẹ của các thành viên. Có người thì chồng con nhất trí cho tham gia đội văn nghệ, nhưng bố mẹ chồng lại không nhất trí, nên tôi đã kiên trì đến từng nhà tiếp tục vận động, giải thích rằng, giờ đây Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đang rất quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có dân tộc Kháng, vì thế khuyên nhủ động viên các cháu cố gắng tham gia ".
Cảm nhận được tình yêu, nhiệt huyết của bà Lò Thị Phớ không quản ngại nắng mưa tuyên truyền vận động, nhiều người Kháng ở xã Chiềng Ơn đã dần hiểu và cùng bà tham gia đội văn nghệ dân tộc Kháng. Bắt đầu từ năm 2017, đội văn nghệ chính thức được thành lập, gồm 10 nam, 10 nữ. Bình quân mỗi bản người Kháng ở xã Chiềng Ơn có 2-3 người, trong đó nhiều nhất là bản Đán Đăm. Bà Phớ được anh chị em trong đội văn nghệ tín nhiệm bầu là đội trưởng.
Bà Lò Thị Phớ - Ảnh:VOV |
Với vai trò trách nhiệm của người khởi xướng, là đội trưởng đội văn nghệ, tranh thủ những lúc nông nhàn, hay vào các buổi tối, bà Lò Thị Phớ tập trung cùng chị em cắt, khâu, thêu thùa trang phục dân tộc biểu diễn. Còn anh em thì chế tác một số nhạc cụ dân tộc, từng bước khắc phục khó khăn thiếu thốn, thường xuyên tập luyện, duy trì hoạt động của đội cho đến hôm nay. Chị Lò Thị Dung, thành viên Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc dân tộc Kháng, cho biết: "Được Bà Phớ đến tận nhà vận động, động viên tham gia đội văn nghệ, mặc dù làm nông rất vất vả, nhưng cũng may được chồng tạo điều kiện nhất trí cho vào đội, nên tôi cũng rất mừng, và yên tâm. Từ ngày vào đội văn nghệ ai chưa biết, chưa thạo cũng đều được bà Phớ tận tình truyền dạy cho từng người, để mọi người đều biết múa biết hát như nhau. Nói chung tất cả do bà Phớ hết."
Đội văn nghệ dân tộc Kháng - Ảnh:VOV |
Xã Chiềng Ơn có 6 bản, gồm 3 dân tộc: Thái, La Ha, Kháng cùng sinh sống, trong đó dân tộc Kháng chiếm hơn 50% dân số toàn xã. Việc duy trì được một đội văn nghệ dân tộc Kháng hoạt động thường xuyên, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc. Những lễ hội truyền thống Pang Á, lễ hội cầu mưa, cầu mùa, lễ hội lông khuống, hưn mạy, điệu múa tăng bu, những làn điệu dân ca Kháng tưởng chừng đã bị lãng quên nay được đội văn nghệ luyện tập, phục dựng lại với sự giúp đỡ của cán bộ văn hóa huyện.
Là đội văn nghệ dân tộc Kháng duy nhất của huyện Quỳnh Nhai, bây giờ, không chỉ biểu diễn phục vụ bà con các bản trong xã, đội văn nghệ của bà Phớ còn thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng tại địa phương; các dịp Lễ Tết, ngày hội vui bản, vui mường, với những bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc. Các tiết mục này đều do chính bà Lò Thị Phớ dàn dựng, truyền dạy, với mong muốn duy nhất là con con cháu sẽ tiếp tục gìn giữ văn hóa của dân tộc mình: "Hiện nay xã hội phát triển, có điều kiện hơn trước rồi. Tâm nguyện của tôi là mong muốn thế hệ con cháu dân tộc Kháng sẽ quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình, mong muốn mỗi bản dân tộc Kháng sẽ lập được một đội văn nghệ, vì bây giờ tôi đã có tuổi, đã cất công truyền dạy rồi. Tôi mong muốn bản sắc văn hoá dân tộc Kháng sẽ không bị mai một theo thời gian".
Nặng lòng gìn giữ văn hóa dân tộc mình, những việc làm của bà Lò Thị Phớ mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam.