Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng

(VOV5) - 24 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên đảo Lý Sơn, thầy Trần Ngọc Bích đã thực sự là người con ưu tú của đảo.

Nhắc đến thầy Trần Ngọc Bích – Phó Hiệu trưởng trường THPT Lý Sơn - Quảng Ngãi, từ lãnh đạo huyện, lãnh đạo các phòng, ban đến từng người dân trên đảo, ai cũng dành cho thầy những tình cảm trân trọng, yêu mến và cảm phục. Đó chính là “quả ngọt” mà thầy Bích và những nhà giáo của Lý Sơn gặt hái được trong sự nghiệp “gieo chữ” giữa lênh đênh sóng nước. Rời giảng đường Đại học Sư phạm Vinh, với 24 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc, giờ đây, thầy đã thực sự là người con của đảo với biết bao thăng trầm, buồn vui…

Nhớ mãi “chuyến tàu định mệnh”


Đã 24 năm trôi qua, song thầy Bích vẫn nhớ như in ngày đầu tiên cầm quyết định của Sở Giáo dục – Đào tạo Nghĩa Bình (cũ). Đó là một ngày cuối tháng 11/1988. Lúc đó, với bao hưng phấn và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng giáo viên Văn quê Xuân An – Nghi Xuân (Hà Tĩnh), quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, muốn nhanh chóng được ra đảo, phần vì khao khát được giảng dạy, phần muốn khám khá những miền đất mới.

Cầm tờ quyết định trên tay với chỉ dẫn đường đi của ông Trưởng phòng Tổ chức, thầy hỏi dò về ngôi trường cấp 3 Lý Sơn – nơi thầy sẽ tới, ông Trưởng phòng lắc đầu trả lời: “Tôi cũng chưa biết vì… chưa từng đặt chân tới, chỉ biết rằng ở đó toàn nam giới!”.

Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng  - ảnh 1

Thầy Bích trong một giờ giảng văn


Thầy Bích cười tươi rồi kể về hành trình đón tàu ra đảo. Ngày đó phương tiện là tàu gỗ. Khi gần tới đảo, tàu phải neo cách đảo khoảng 1km, sau đó trung chuyển bằng thuyền thúng tới đảo. Nếu thời tiết thuận lợi thì đi mất khoảng 4 tiếng. Hôm đó, khoảng 10h sáng, sau khi làm thủ tục lên tàu thì được tin biển động. Thế là tất cả đành ở lại cảng Sa Kỳ.

Chàng trai thư sinh với “khăn gói quả mướp” ngẩn ngơ chưa biết đi đâu về đâu, liền được các anh chiến sĩ biên phòng cho tá túc và suốt một tuần sau đó, các chiến sỹ vì cũng chẳng đủ cơm ăn nên “chiêu đãi” thầy độc món bánh rán. “Giờ nhìn thấy bánh rán, lại xao xuyến nhớ những ngày chờ tàu ra đảo lắm. Sau đó cứ mỗi lần vào ra, tôi lại tới thăm các chiến sỹ, rồi kết nghĩa anh em. Giờ các anh ấy phục viên và chuyển công tác hết rồi” - thầy Bích trầm ngâm.

“Bén duyên” với đảo

Rồi cũng đến phút giây thầy đặt chân lên bục giảng tại trường cấp 3 Lý Sơn. Cảm giác đầu tiên của chàng thanh niên yêu văn thơ đó là sự trống trải, buồn, nhớ quê, nhớ mối tình đầu đơn sơ ở giảng đường đại học… Bởi cuộc sống của người dân Lý Sơn lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Thời tem phiếu, ở thành phố, đồng bằng đã khó khăn, đằng này giữa đảo vắng, khi tất cả hàng hoá phụ thuộc từ đất liền mang ra. Những ngày biển động, đảo bị cô lập và người dân chia nhau từng củ khoai, ca nước ngọt để sống. Các thầy, cô giáo ở đảo cũng phải lăn lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề để bám nghề.

Thầy Bích kể, thời điểm đó, giáo viên ở đảo xin nghỉ dạy nhiều lắm, bởi cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy vô cùng thiếu thốn, giáo viên trẻ ra đây cảm thấy tương lai mờ mịt và chán nản. “Ngôi trường” cấp 3 khi đó là căn nhà cấp 4 nước ngập ngang thềm, liền kề với chợ. Hễ hôm nào trời mưa, người đi chợ lại… ùa vào lớp học để tránh mưa nên thành chuyện “chợ một bên và em một bên” - thầy cứ dạy và chợ vẫn họp.

Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng  - ảnh 2

Bữa cơm gia đình người thầy trên đảo


Những ngày gian khó nhất ở Lý Sơn đã đem lại cho thầy Bích những kỷ niệm khó quên và thêm yêu thương, gắn bó máu thịt với mảnh đất đầy nắng gió với những con người tuy lam lũ nhưng hồn hậu và thật thà này. Thầy đi đến từng nhà học sinh, vừa để động viên các em bám lớp, vừa để tìm tình cảm ấm áp gia đình sau ngọn đèn dầu.

Những học sinh của thầy có người lập nghiệp phương xa, có người quay về đảo đảm nhận những chức vụ quan trọng, đó là chị Hương – Phó Chủ tịch huyện; anh Thọ, Phó Phòng LĐ-TB-XH; anh Ân, Trưởng Phòng tài nguyên; anh Tân, Trưởng Phòng tư pháp; anh Sinh, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; anh Sửu, Chánh Văn phòng… Nhắc đến thầy Bích, các thế hệ học sinh đều yêu quý thầy; các gia đình coi thầy như con, như người anh trong nhà.

Năm 1996, thầy kết duyên cùng cô giáo Huỳnh Thị Nguyên, người con gái quê Mộ Đức (Quảng Ngãi), tốt nghiệp CĐSP Quảng Ngãi rồi tình nguyện ra đảo và dạy môn Sinh học ở THCS An Hải. Rồi hai cô con gái nhỏ lần lượt ra đời, khiến gian nhà tập thể nhỏ bé luôn đầy ắp tiếng cười và thầy Bích cảm thấy không thể rời xa tất cả.

Nỗi lòng người thầy

Đã có lúc, thầy Bích nảy sinh ý định xin chuyển công tác, đó là lúc mẹ mất, rồi cha lâm bệnh trọng. Thời gian đó, tuy ngày ngày vẫn lên lớp nhưng lòng thầy như có lửa đốt. Trách nhiệm của người con khi cha già đang sống chuỗi ngày cuối đời trên giường bệnh, khiến thầy không khỏi suy nghĩ và chạnh lòng.

Đến giờ, thầy Bích vẫn ứa nước mắt khi nhớ lại ngày nghe hung tin cha qua đời tại quê nhà năm 2007. Đúng hôm đó biển động, nên vợ chồng thầy dù có nôn nóng về nhìn cha lần cuối cũng đành ngậm ngùi ở lại khi không có tàu về đất liền. “Chỉ tiếc rằng khi con về nhà thì cha đã mồ yên mả đẹp…” - người thầy đầu hai thứ tóc ngậm ngùi.

Còn cô Huỳnh Thị Nguyên kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cả gia đình suýt chết trong một chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Khoảng năm 2000, khi đó chưa có tàu cao tốc và vẫn phải đi bằng thuyền gỗ. Khi cách đảo khoảng 1km, vợ chồng thầy và đứa con gái đầu 3 tuổi được “trung chuyển” sang thuyền thúng. Không may gặp sóng to, thuyền thúng bị lật úp. Thầy Bích chỉ kịp ôm chặt lấy đứa con gái nhỏ, còn người vợ bám vào vai chồng. Cứ thế, cả ba người ngoi ngóp giữa biển.

Người thầy hơn 20 năm gieo chữ nơi đầu sóng  - ảnh 3

Một bài giảng ngoại khoá của thầy Bích


“Tôi nghĩ chắc chết cả nhà rồi, nên cố vùng vẫy và bám lấy chồng con. May mắn lúc đó có một chiếc tàu đánh cá nhìn thấy và tới vớt cả nhà lên thuyền. Tư trang, sách vở bị sóng nhấn chìm. Từ đó, cứ mỗi lần ra vào bằng thuyền, tôi lại rùng mình” – cô Nguyên tâm sự.

Thế nhưng, thầy và trò THPT Lý Sơn đã vượt qua tất cả khó khăn và gặt hái được những thành quả đáng nể. Tỷ lệ tốt nghiệp của trường luôn nằm ở tốp đầu của tỉnh; năm 2011, xếp thứ 16 toàn tỉnh. Tỷ lệ học sinh đậu đại học 5 năm lại đây từ 22 – 25%, cả cao đẳng là 35 – 38%. Có năm lớp thầy Bích chủ nhiệm đậu đại học tới 65%. Năm 2011, em Nguyễn Văn Thành đỗ Đại học Y Dược TP HCM với 27 điểm. Năm 2009, em Nguyễn Văn Thể đậu thủ khoa vào khoa Ngân hàng Đại học Hồng Bàng TP HCM với 28 điểm…

 

Có người đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở GD-ĐT là tại sao trường THPT Lý Sơn – nơi khó khăn, xa xôi, thiếu thốn vậy mà tỷ lệ đỗ đạt chẳng kém cạnh trường nào? Hay là được “nương tay” khi thi cử? Vị lãnh đạo Sở cười, nói vui: “Tại học sinh ở đảo ăn nhiều cá, nên có lượng đạm nhiều, sao chẳng thông minh!”.


Theo thầy Bích, mục tiêu của giáo dục địa phương không chỉ chuẩn hoá THPT, mà hướng tới tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng, trường nghề cao để các em thoát nghèo, làm rạng danh cho nhà trường, cũng như xây dựng “thương hiệu” giáo dục huyện đảo. Được biết, đối với học sinh ở đây, không có chuyện bạo lực học đường, nói tục, nghiện games… Đặc biệt, các em sau khi trưởng thành, dù làm việc khắp mọi miền đất nước nhưng vẫn đoàn kết; thường xuyên kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền, sách bút… cho các em nhỏ trên đảo. Các thầy cô ở đảo đi họp, hay công tác, đều được học sinh cũ “săn đón”, thăm hỏi ân cần. Đó chính là nguồn cổ vũ lớn lao cho các thầy yên tâm bám đảo.

Trường THPT Lý Sơn hiện có một dãy nhà 2 tầng, 18 phòng; một dãy nhà dành cho phòng họp, thư viện, 2  phòng máy tính... Tổng số biên chế 56 cán bộ giáo viên, trong đó 30 người từ đất liền ra.

Với thầy Trần Ngọc Bích, người “kỳ cựu” ở trường kể cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, thì tình yêu nghề, yêu trẻ, yêu mảnh đất, con người của đảo đã là động lực giúp thầy bám trụ lâu dài. Chúng tôi được chứng kiến thầy Bích giảng bài ngoại khoá “Hoàng Sa, Trường Sa trong tim mỗi chúng ta”. Nhìn mái tóc hoa râm, làn da rám nắng và chất giọng Nghi Xuân đã “pha” chút nằng nặng của dân miền biển, mới thấy thầy thực sự đã là người con của đảo.

Khi được hỏi, liệu thầy có ý định về lại đất liền? Thầy Bích cười tươi rồi đọc hai câu thơ: “Đến đây thì ở lại đây/Bao giờ xanh cỏ, xanh cây mới về”./.  

Lại Thìn/VOV online

Phản hồi

Các tin/bài khác