Nguyễn Hữu Long, người mê âm thanh cổ

(VOV5)- Giờ đây, khi các nhà sản xuất liên tiếp giới thiệu những công nghệ và định dạng âm thanh mới thì vẫn có những người lọ mọ sưu tầm từng cái đầu đĩa cổ, đôi loa có xuất xứ từ những năm 50, 70 của thế kỷ trước hay những chiếc đĩa nhựa, băng cối rồi, tỉ mẩn lau chùi trước khi đặt vào dàn máy và ngẩn ngơ nghe âm thanh phát ra từ những thứ cổ lỗ đó.

Anh Nguyễn Hữu Long là một trong những người như vậy. Nhìn vào bộ sưu tập âm thanh cổ của anh những người yêu thích đều trầm trổ và ngưỡng mộ bởi sự phong phú về chủng loại còn số lượng thì phải lên đến vài nghìn sản phẩm. 

Nguyễn Hữu Long, người mê âm thanh cổ - ảnh 1

Ngôi nhà của anh Nguyễn Hữu Long nằm sâu hun hút trong con ngõ nhỏ trên phố Phan Đình Giót, quận Hoàng Mai, từ lâu đã trở thành địa chỉ của những người chơi âm thanh cổ. Ngôi nhà giống như một bảo tàng thu nhỏ về đầu đĩa, loa đài đủ các chủng loại từ những năm 1980 trở về trước. Anh Phạm Tuấn Ngọc cùng vài người bạn đang ngồi bình luận về vài sản phẩm trong cửa hàng của anh Long: "Bọn tôi mua rất ít nhưng đến thì nhiều. Đến vì một lý do đến để xem có sản phẩm nào mới không giống như người ta đi chợ mà. Đến anh em ngồi uống nước để nghe loại này ghép vào nhau xem âm thanh thế nào. Chỗ này có nhu cầu đến để chơi chứ không phải mua rồi mới đến. Ở đây sản phẩm tương đối phong phú, đa dạng để cho những người có cùng ý tưởng sưu tập, nghe thưởng thức âm thanh cổ thì đến đây họ được thỏa mãn. Nhìn thế này nhưng có rất nhiều đồ."

Nguyễn Hữu Long, người mê âm thanh cổ - ảnh 2

Anh Nguyễn Hữu Long trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN

Thú chơi âm thanh cổ đến với anh Long từ khi còn rất nhỏ. Giờ thú chơi đó đã trở thành niềm đam mê, là một phần trong cuộc sống của anh: "Từ nhỏ đã có đam mê về âm thanh. Từ nhỏ gia đình đã có những dàn băng cối, những năm 97, 98 được thừa hưởng từ gia đình cha ông để lại, cũng dùng ở trong gia đình những chiếc đài, hay thiết bị thông thường như bây giờ. Lúc đó những đồ đó là xứ xa xỉ nhưng mình may mắn được sử dụng. Niềm đam mê được tăng dần theo năm tháng. Theo thời gian càng ngày niềm đam mê tích góp được nhiều và theo đuổi niềm đam mê đó đến ngày hôm nay."

Nguyễn Hữu Long, người mê âm thanh cổ - ảnh 3
Góc radio trong bộ sưu tập của Nguyễn Hữu Long

Ban ngày đi làm, chiều đến mới là thời gian anh Long cùng bạn bè, những người chơi âm thanh cổ trao đổi về những sản phẩm mới sưu tập được. Một mình anh thoăn thoắt ra vào đáp ứng, trả lời tất cả thắc mắc của bạn chơi. Anh Nguyễn Quốc Khánh một người bạn chơi lâu năm với anh Long chia sẻ: "Tôi biết anh từ ngày mới mở cửa hàng, cũng quen biết nhau ở địa điểm này. Niềm đam mê gặp nhau ở đây như có điều kiện để trỗi dậy niềm đam mê. Bản thân anh Long xuất phát từ người chơi thuần túy. Anh Long chơi bài bản, chuyên nghiệp. Anh có bề dày chơi lâu năm nên có kinh nghiệm trong vấn đề thẩm âm và xử lý âm thanh."

Anh Long bảo thú chơi âm thanh cổ đã gắn kết mọi người đến với nhau. Ngồi nhâm nhi chén trà nóng, thưởng thức âm nhạc qua các thiết bị cổ lỗ, ai nấy đều gật gù tán thưởng.

Anh Long bảo cái thời khi mà đĩa quang CD, DVD xuất hiện, đĩa than và băng cối bị xếp xó. Những bộ loa cổ điển, những chiếc đầu cối cũ kỹ, những bộ âm li có từ thời thuộc địa… cũng bị vứt bỏ. Nhưng gần đây khi người ta nhận ra đĩa than, băng cối là những nguồn âm analogue gần với âm thanh tự nhiên nhất thì những thứ đồ một thời bị vứt bỏ lại lần lượt hiện diện trong cuộc sống. Người chơi bây giờ cũng công phu lắm, già có, trẻ có, nhưng tựu chung đều có niềm đam mê. "
Thực ra cho khoảng 5 năm gần đây những người chơi âm thanh cổ dấy lên làn sóng mới. những người chơi phải có hiểu biết một chút thì mới tìm đến dòng âm thanh này. Những người có thời gian và đã từng sử dụng trong quá khứ thì sẽ tìm đến âm thanh cổ nhiều hơn. Mình cực kỳ đam mê về âm thanh này. Âm thanh không những mộc mạc chính xác mà làm cho giữa âm nhạc và con người hòa đồng hơn. Cho đến ngày hôm nay âm thannh analogue vẫn là âm thanh đỉnh cao nhất."

Trong bộ sưu tập của anh Long có một góc anh trưng bày những chiếc radio cổ. Anh Long bảo với những người chơi âm thanh cổ đều có những góc sưu tập gọi là hoài niệm. Dù chỉ để trưng bày nhưng người chơi cũng phải kỳ công mới được sở hữu những chiếc đài cổ như thế. "Có một số thiết bị mua về chỉ để lưu giữ vì thiết kế bên ngoài quá đẹp. Ví dụ như những đài radio cổ có kiểu dáng thiết kế của những năm 30, 40. Người thiết kế đã gửi gắm tâm hồn vào trong đó còn với người chơi người ta hoài niệm những cái cổ xưa. Hình thức của những chiếc đài vỏ bọc bên ngoài thường làm bằng gỗ, núm của nó thường làm bằng đồng, gỗ.. Đặc biệt là ê căng, lưới để che loa làm bằng vải rất đẹp thậm chí người ta còn dệt bằng tay"

Dù không phải là người chơi âm thanh cổ nhưng ông Nguyễn Văn Thế, phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân lại thích chụp ảnh về những chiếc đài cổ. Với ông Đài Tiếng nói Việt Nam như người bạn tâm giao nên ông rất ngưỡng mộ trước bộ sưu tập của anh Long. "Tôi thấy choáng ngợp trước bộ sư tập của anh Long. Tôi trưởng thành cũng nhờ Đài TNVN. Những chiếc radio là cầu nối về âm thanh, âm nhạc, chuyển tải đến mọi người dân đều nghe được. Anh Long là người biết sưu tầm và biết phân loại. Và tôi rất ngưỡng mộ về những chiếc radio cổ. Tôi đến đây như được sống lại với ký ức của thời gian."

Càng nghe càng nghiện, càng chơi càng say. Với anh Long âm thanh cổ đã ngấm vào máu, giống như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Thú chơi đem lại cho anh sự sảng khoái và quan trọng hơn đem đến cho anh nhiều bạn bè có chung một niềm đam mê. Âm thanh là không biên giới./.

Phản hồi

nguyen minh son

Bo suu tap cua Bac rat cong phu, Bac co the cho toi xin dia chi va so dien thoai,... Xem thêm

nguyễn xuân hậu

Nhà bác Long ở địa nào vậy?mê đồ của bác quá.

Lưu Huy Nam

Phải công nhận là bộ sưu tập cua bác Long hoành tráng , mình cũng thường xuyên qua đó để tích... Xem thêm

tuan

hay qua it co nguoi me do co ma lam duoc

Anh Tuấn

Xem bộ sưu tập của bác Long quá là hoành tráng mình cũng là một người chơi và sưu tầm... Xem thêm

Các tin/bài khác