Nguyễn Sự, người gìn giữ những nét đẹp của Hội An

(VOV5)- Khoảng 20 năm trở lại đây, Hội An và Nguyễn Sự là những từ được giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử nhắc tới khá nhiều. Nói đến Hội An người ta nghĩ ngay tới Nguyễn Sự và nhắc tới Nguyễn Sự là liên tưởng tới thành phố Hội An. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi có được Hội An hiện đại nhưng vẫn cổ kính như ngày hôm nay, ngoài công sức của những người dân Hội An, còn có một phần đóng góp thầm lặng không thể thiếu của vị Bí thư thành ủy thành phố Hội An Nguyễn Sự. Tại lễ trao giải của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh năm nay, Nguyễn Sự được nhận giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục với “tác phẩm sống” Hội An.


Nguyễn Sự tự nhận là người “không hoạt động trên lĩnh vực văn hóa – giáo dục và cũng không có công trình nghiên cứu nào về văn hóa – giáo dục hay dịch thuật”, thế nên khi biết được nhận giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục do Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng, ông không khỏi bất ngờ. Nhưng với những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, việc Nguyễn Sự nhân được giải thưởng này là lẽ đương nhiên, bởi lẽ, những dấu ấn của vị Bí thư thành ủy thành phố Hội An trong công cuộc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa thế giới Hội An trong hơn 20 năm qua cũng đủ để thấy được ở Nguyễn Sự tầm vóc của một nhà văn hóa. Và như nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, khẳng định toàn bộ không gian và con người Hội An đang sống, đang thở mỗi ngày, liên tục đổi thay và đóng góp những giá trị tinh thần cho đời sống hôm nay chính là tác phẩm đặc biệt của Nguyễn Sự.

Nguyễn Sự, người gìn giữ những nét đẹp của Hội An - ảnh 1 Ở cương vị một lãnh đạo thành phố, Nguyễn Sự luôn suy nghĩ rằng được trao trách nhiệm là một cán bộ của thành phố tức là đã được nhân dân gửi gắm niềm tin và phải cố hết sức để hoàn thành công việc, không phụ lòng tin đó. Việc đầu tiên mà Nguyễn Sự nghĩ tới là phải lập lại trật tự phố cổ. Nghĩ là làm, ông quyết định không cho dân tự ý cơi nới nhà cửa để giữ lại kiến trúc nhà cổ Hội An, tiếp đó là quyết định như cấm để xe và buôn bán ở lòng, lề đường, cấm ôtô, xe máy lưu thông trong phố cổ… Khi đưa ra những quyết định này, Nguyễn Sự chỉ có một tâm niệm làm sao để Hội An quê ông trở nên đẹp hơn. Không ít lần những cách làm của ông bị người dân phản đối, thế nhưng Nguyễn Sự không nản lòng vì ông biết rằng hiểu được lòng dân và để dân hiểu mình là điều quan trọng nhất:  “Khi đưa ra những thay đổi mới, tức là đã làm thay đổi một thói quen, một nếp nghĩ mà lâu nay người ta không bị gò bó vào nên chắc chắn mọi người sẽ không đồng tình, và phản ứng rất quyết liệt. Nhưng tôi xác định rằng mục tiêu chúng tôi tổ chức thực hiện là vì lợi ích của nhân dân, mà lợi ích đó không chỉ về vật chất mà còn có cả lợi ích về tinh thần. Đó là một mục tiêu đúng và động cơ tốt thì chúng tôi quyết tâm làm, mà chính sự kiên trì đó đã giúp người dân thấu hiểu và thông cảm. Và người ta biết rằng tôi nghĩ thật, nói thật và làm thật; không phải làm vì một cá nhân mà làm vì Hội An. Chính vì cảm nhận được điều đó nên sau đó người ta đồng thuận và sau đó chính họ là người tự giác để thực hiện điều này. ”



Nguyễn Sự ý thức được rằng bản sắc văn hóa là những nét tinh hoa mà sau khi đã hội nhập vẫn không bị mai một, thế nên, bên cạnh việc công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Hội An, vị Bí thư thành ủy còn tính tới chuyện phát triển thành phố Hội An để theo kịp xu thế hiện nay. Ông nghĩ ra những sáng kiến như thu vé tham quan di tích, tổ chức tuyến phố đi bộ Đêm Hội An… để từ đó vừa có khoản kinh phí để trùng tu di tích, vừa có những khoản phụ cấp để phát triển du lịch mà vẫn không phá hỏng nếp sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Với Nguyễn Sự, điều mong muốn lớn nhất của ông là người dân Hội An phải được hưởng những lợi ích thiết thực từ di sản mang lại, có như vậy họ mới làm tốt hơn việc giữ gìn, bảo vệ di sản. “Chúng tôi chủ trương triển khai chương trình Homestay đưa về nông thôn. Người dân được tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ, đồng thời tạo điều kiện cho mỗi hộ dân có thể xây dựng được 3, 5 căn phòng để du lịch có thể ở lại cùng sinh hoạt với gia đình và du khách rất thích loại hình du lịch này. Qua cách làm này, chính người dân cũng được thu lợi và còn có cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài trong quá trình hội nhập như hiện nay, từ đó trình độ dân trí được nâng cao.


Nguyễn Sự, người gìn giữ những nét đẹp của Hội An - ảnh 2 Có thể nói, phải là một người rất yêu và hiểu được những giá trị của mảnh đất Hội An thì Nguyễn Sự mới có được nhiều ý tưởng để phát triển và làm giàu cho địa phương đến vậy. Bạn bè Nguyễn Sự vẫn gọi đùa ông là “nhà văn hóa thực hành” bởi bài toán hàng ngày ông luôn nghĩ cách giải chính là không gian và thời gian cụ thể của đời sống hàng ngày ở Hội An. Giáo sư Chu Hảo, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, nói tại buổi lễ trao giải của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh rằng: “Hội An thật may mắn khi có được một di sản đặc biệt, những nét văn hóa rất đặc biệt, kể cả kiến trúc đến những nếp văn hóa của người dân. Phải là những người có tấm lòng, tầm nhìn văn hóa như Nguyễn Sự mới có thể có những chính sách và hoạt động rất cụ thể để bảo tồn không gian văn hóa đó. ”



Cống hiền hết mình cho thành phố Hội An hơn 20 năm, nhưng khi nói về những việc mình đã làm, Nguyễn Sự cho rằng đó chỉ là những điều mà một người con của Hội An nên làm. Đối với Nguyễn Sự, Hội An quê hương ông là chốn bình yên giữa cuộc sống xô bồ, nơi con người được sống là chính bản thân mình. Có lẽ bởi vậy nên với Bí thư thành ủy thành phố Hội An, được làm việc tại quê hương là một điều may mắn bởi nơi đó nơi có những người dân Hội An và nếu ở một nơi khác, có lẽ ông đã không làm được./.  


 

Phản hồi

Các tin/bài khác