(VOV5) - Dòng men ngọc từ thời Lý tưởng như đã thất truyền từ nhiều năm, nay đã được làm sống lại qua bàn tay của nghệ sỹ Nguyễn Việt. Nghệ sĩ Nguyễn Việt hiện ẩn cư ở thôn An Đà, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Sau nhiều năm say mê với gốm, ông đã phục hồi thành công dòng men ngọc (celadon) theo sử sách ghi lại là của bà Bùi Thị Hí (1420-1499), nữ thương nhân đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu dòng sản phẩm gốm thời Lý, Trần ra nước ngoài.
|
Nghệ sỹ Nguyễn Việt |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Nhắc tới nghệ sỹ Nguyễn Việt, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng 75 mùa xuân của Nguyễn Việt được chia đều thành 3 phần cho múa, khảo cổ và gốm. Nguyễn Việt nguyên là Trưởng đoàn múa ballet đầu tiên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Cách đây 40 năm ông từng tạo được tiếng vang trong nghề đạo diễn, từng dàn dựng nhiều vở ballet nổi tiếng như: Phá lao Thừa phủ, Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, vở ballet được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2002 mà ông là đồng tác giả. Thế nhưng, có lẽ vì quá nặng lòng gìn giữ những nét đẹp tinh hoa nghề thủ công truyền thống của dân tộc và cũng vì chữ “duyên nghiệp” với nghề gốm nên khi đang ở đỉnh cao của nghiệp múa, ông đã tạm gác lại công việc, theo đuổi giấc mơ hồi sinh một dòng men ngọc cổ tưởng như đã thất truyền từ lâu. Nguyễn Việt vắn tắt về cuộc đời mình: “Từ khi 7 tuổi tôi đã được làm trong lò gốm. Đến năm 11 tuổi quê hương tôi làm cách mạng thì tôi cũng đi theo nên phải bỏ nghề. Trở về sau khi làm cách mạng, tôi về làm đạo diễn một đoàn ca nhạc của một cơ quan trung ương. Nhà tôi 5 đời làm gốm nên tôi lại quay về nghiên cứu gốm”.
|
Nghệ sỹ Nguyễn Việt với phóng viên VOV5 |
Men ngọc vốn là thứ men công phu nhất trong nghề gốm và luôn là đích đến của bất kỳ ai nặng duyên với nghề. Dòng men kỹ tính này đòi hỏi cách đưa sản phẩm vào lò, cách đốt lò hay kỹ thuật đưa gió vào để tạo men có độ chính xác tuyệt đối. Bởi vậy mà những người trong nghề mới ví men ngọc như cô gái đến tuổi trăng tròn, sớm hay muộn đều không thể cho ra được dòng men quý ấy. Tất cả thời gian, của cải, công sức đều được Nguyễn Việt dồn cả vào cho nghề gốm. Ông chia sẻ: “Celadon là loại bắt nguồn từ những yếu tố kỳ diệu, chỉ bản địa mới có. Vậy nên tôi cứ theo đuổi để tìm ra nguyên liệu. Tôi tới tận Sapa, vào miền Nam, tới tất cả những chỗ nào có thể tìm được”.
Nguyễn Việt bắt đầu nghiên cứu từ năm 1979 và đến năm 1991, sau bao lần thử nghiệm thất bại, ông mới đạt được kết quả với đề tài men Lý - Trần. Giờ đây, khắp nhà ông là những con nghê, bình chích chòe, bình tì bà… đủ mọi kích cỡ, bóng mịn, có hồn, khác với men sứ nước ngoài… và cũng chẳng thể lẫn vào gốm Bát Tràng hiện đại hay gốm sứ Đồng Nai, Sông Bé. Men ngọc celadon với sắc xanh kỳ ảo có sức hấp dẫn khó cưỡng với những người yêu gốm. Sắc độ trong suốt, cảm giác mềm mại, độ “chảy” màu tinh tế, vẻ đẹp có phần mong manh ấy cũng là thách thức rất lớn với nghệ nhân làm gốm. Hiện Nguyễn Việt đã phục dựng được 5 màu men Celadon Đông Thanh là: Màu xanh ngọc, nước gạo, cà phê, đen, dưa muối. Mỗi màu đều có công thức riêng, với những nhiên liệu tự nhiên và nung trên lò nhiệt độ cao. Với nghề gốm, ông tâm niệm: “Quốc gia nào có đặc thù của quốc gia ấy. Riêng Việt Nam có đặc thù của Việt Nam. Không phải là gốm thì có thể lấy cái nọ trộn cái kia. Phải nhớ rằng đây là một dòng văn hóa. Phải hiểu rằng đây là một đặc thù mà không phải dòng văn hóa nào cũng có và coi đây là một việc lớn không phải để nhớ lại mà phải tìm trở lại”.
Tất cả những tình yêu, niềm tự hào được Nguyễn Việt dồn cả vào những sản phẩm gốm của minh. Càng say mê với dòng men celadon Đông Thanh bao nhiêu, ông càng đau đáu một nỗi niềm: “Tôi thèm được đem cống hiến của mình đối với một dòng văn hóa lớn bởi vì tôi sợ khi tôi chết đi sẽ không có ai làm nữa thì sao? Tôi mới công bố celadon Lý thôi, tôi còn của Trần và đặc biệt là Lê – Mạc nữa”.
|
Dòng gốm men ngọc được hồi sinh |
Nỗi lo ấy của Nguyễn Việt có lẽ phần nào đã được vợi bớt. Bởi niềm say nghề, yêu nghề và những tâm huyết của Nguyễn Việt dành cho việc làm sống lại dòng men cổ còn được truyền cho những người thợ gốm trẻ. Với Nguyễn Thu, 24 tuổi, thợ gốm tại lò gốm của Nguyễn Việt, cuộc gặp với nghệ sỹ Nguyễn Việt là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Những sản phẩm gốm men ngọc và cuộc trò chuyện với Nguyễn Việt như có sức hút kỳ lạ với chàng trai trẻ, để rồi sau đó Nguyễn Thu đã từ bỏ công việc đang làm và đi theo nghề gốm. Với sự tận tình chỉ dạy của nghệ sỹ Nguyễn Việt, sau thời gian ngắn, Nguyễn Thu đã nắm được hầu hết những kỹ thuật làm gốm, tạo men ngọc. Theo nghiệp làm gốm men ngọc của Nguyễn Việt, Nguyễn Thu học được rằng: “Bác là một nhà văn hóa thế nên trong cuộc sống lúc nào cũng phải đi đôi với 2 từ văn hóa. Từ đó, con người của mình làm cái gì cũng phải đúng với lẽ của cuộc sống. Tôi học được ở bác là làm gốm là tâm phải tịnh, phải trong sáng như ngọc mới làm được. Người nóng tính, nóng vội thì không thể làm được”.
Dòng men ngọc cổ Celadon Đông Thanh có từ thời kỳ nhà Lý trước đây chỉ có thể được thấy tại một nơi duy nhất, đó là Bảo tàng Brussels (Bỉ), thì nay đã được hồi sinh tại Việt Nam, ngay chính trên mảnh đất đã làm ra nó. Thành công của Nguyễn Việt trong việc làm sống lại dòng men quý không chỉ góp phần làm sống lại một giá trị văn hóa mà còn khẳng định được sự khéo léo, tinh tế của những người thợ thủ công của dân tộc Việt./.