(VOV5)- Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là công trình mang kiến trúc Pháp tuyệt đẹp, mà còn là địa danh nổi tiếng, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Trải qua hơn một thế kỷ, công trình Nhà hát Lớn trở thành niềm tự hào của người Hà Nội, nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
|
Nhà hát Lớn Hà Nội - Ảnh: Báo Hà nội mới |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội nằm ở cuối phố Tràng Tiền ở khu vực trung tâm thành phố, chỉ cách Hồ Gươm, danh thắng nổi tiếng của Hà Nội vài trăm mét. Nhà hát Lớn từng được các kiến trúc sư Nhật bản đánh giá là công trình kiến trúc đẹp nhất Đông Nam Á. Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công từ năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911 dưới sự chỉ đạo của hai kỹ sư người Pháp Travary và Savelon. Nhà hát xây dựng theo mẫu Nhà hát Opera Garnier ở Paris, bởi vậy từ cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh... giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Công trình chiếm diện tích 2600m2, chiều dài công trình là 87m, chiều rộng là 30m và cao 34m. Mặt trước Nhà hát có bậc thềm rộng trông ra quảng trường Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt. Bên trong nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính có 870 chỗ ngồi, ghế ngồi bọc da, một số chỗ bọc bằng nhung. Tầng 2 và tầng 3 có các lô dành cho khách VIP và gia đình. Phía sau nhà hát còn có các phòng quản trị, các buồng cho diễn viên, phòng tập hát, thư viện và phòng họp. Gần sảnh chính trên tầng 2 có phòng gương nội thất sang trọng dùng để hội họp và tổ chức tiệc đứng.
Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội. Năm 1997 để chuẩn bị cho Hội nghị cộng đồng Pháp ngữ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Nhà hát Lớn được tôn tạo nguyên trạng để phục vụ Hội nghị. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, một trong những người được giao trọng trách thực nhiện vụ quan trọng này nhớ lại: Việc phục chế Nhà hát Lớn thực sự là một thử thách đối với ông và các cộng sự: “Trong các công trình kiến trúc ở Việt Nam không có công trình nào mà có phần trang trí bằng kẽm đẹp và tinh vi như ở Nhà hát Lớn, do vậy việc phục chế rất khó. Chúng tôi đã đề nghị các công ty của Pháp chào hàng để phục chế thì giá đắt vô cùng, phải mất vài triệu đô la Mỹ. Bởi vậy phải trông chờ phải sự sáng tạo của người Việt Nam. Phải nói thợ Việt Nam rất giỏi, họ đã nghĩ ra 7 đến 8 tầng nấc của khuôn đúc để cuối cùng tạo được những bức phục chế kẽm trang trí cho nhà hát rẻ gấp 4 đến 5 lần. Sau này các chuyên gia từ Pháp sang Việt Nam rất nể điều đó.”
Một điều thú vị nữa là nhưng người được gia trọng trách tu sửa Nhà hát lớn cũng đã thành công trong việc tôn tạo lại mái vòm nhà hát, đó là việc sử dụng đá ở tỉnh Lai Châu của Việt Nam để làm ngói lợp thay cho ngói cũ, loại ngói phải nhập từ nước ngoài. Kể từ đó đến nay công trình Nhà hát Lớn dã được trả lại hình dáng nguyên mẫu ban đầu. Bên cạnh giá trị là công trình nghệ thuật kiến trúc, Nhà hát Lớn còn là địa điểm biểu diễn lý tưởng của các đoàn nghệ thuật và là địa chỉ không thể thiếu trong các tour du lịch đến Hà Nội. Ông Nguyễn Công Cường, khách du lịch, nhận xét: “Tôi thấy kiến trúc Nhà hát lớn được xây theo kiểu kiến trúc nhà hát Opera của Pháp rất ấn tượng. Đứng giữa không gian quảng trường rộng với nhưng toàn nhà kiến trúc kiểu Pháp ở các khu phố xung quanh thì Nhà hát Lớn là công trình rất đẹp và nổi bật nhất ”
Với người dân Việt nam, Nhà hát Lớn và quảng trường Cách Mạng Tháng Tám trước nhà hát là địa điểm mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Ngày 19/8/1945 tại đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn của người dân Hà Nội, những người tham dự mít tinh từ đây tiến về Phủ Khâm sai cướp chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám giành lại độc lập tự do cho đất nước. Hiện nay, Nhà hát Lớn là nơi tổ chức các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Nhà hát Lớn Hà Nội với những giá trị tự thân là công trình kiến trúc tiêu biểu, là di sản văn hóa quý báu của Thủ đô Hà Nội./.