Những hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(VOV5) - Ai cũng muốn tới đây để thắp cho ông một nén hương bày tỏ lòng thành kính trước một vị tướng tài ba, một con người đầy nhân văn, đầy tình thương yêu. 

Những ngày này, hàng chục ngàn người đã tới viếng  Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Ai cũng muốn tới đây để thắp cho ông một nén hương bày tỏ lòng thành kính trước một vị tướng tài ba, một con người đầy nhân văn, đầy tình thương yêu. Những người đã từng được làm việc, được gặp gỡ, tiếp xúc với Đại Tướng đều không thể quên được những giờ phút đó. Ghi chép của Kim Lan nhan đề “những hồi ức về Đại tướng”

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Với  Đại tá, nhà nhiếp ảnh, nhà báo  Trần Hồng, mỗi lần gặp, ông đều nói về Tướng Giáp với một lòng thành kính. Suốt thời gian Đại Tướng nằm trong bệnh viện, tin tức về sức khỏe Đại Tướng, nhà báo Trần Hồng đều nắm rất rõ.  Ông cũng thường giở ra xem những bức ảnh về Đại Tướng, những bức ảnh mà ông coi là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của mình. Những cuộc triển lãm về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp mà nhà báo Trần Hồng tổ chức cũng chính là sự tri ân đối với Đại Tướng và những người đi trước. Rất nhiều câu chuyện về Đại Tướng đã được ông Trần Hồng kể và điều mà ông cảm thấy vinh dự nhất là được tiếp cận một con người đầy tình thương yêu con người. Đây là câu chuyện mà ông chia sẻ về Đại Tướng trong một lần tôi được gặp ông tại nhà riêng: Trên đường đi ra viếng nghĩa trang đồi A1, thấy một thẻ hương rơi bên đường, Người cúi xuống nhặt lên, với một thái độ trân trọng, mắt Người đỏ hoe. Rồi những lần cán bộ chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong vào thăm Đại Tướng, ông không kìm được nước mắt. Những lúc đó, người cầm máy khó lòng bình tĩnh để ghi lại được những hình ảnh ấy. Có đôi lần, người bạn chiến đấu là nhà văn Sơn Tùng đến thăm ông, vừa thấy nhau 2 người đỏ hoe mắt. Những lần khóc ấy, đối với tôi là những khoảnh khắc ngàn vàng. Tôi luôn vừa lòng với những gì mình đã có  và tôi luôn nâng niu, trân trọng nó như là cái gì đó quý giá nhất, không phải là chỉ đối với nghề nghiệp mà còn là cả cuộc đời. Vì không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận với Đại Tướng và khi tiếp cận, tôi cố gắng khi lại những khoảnh khắc tỏa sáng của con người đó”

Những hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nhà báo Trần Hồng ( bên trái)

Không phải ai cũng có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện cùng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nên mỗi một lần như vậy, đối với họ, quý giá vô cùng. Nhà văn, nhà báo Trần Đương, tác giả cuốn sách “ Hai lần được tháp tùng Đại Tướng” có lần tâm sự, mọi người biết đến Đại tướng là một nhà quân sự thiên tài đã đi vào lịch sử, được cả thế giới khâm phục, còn tôi, lại muốn phát hiện một thần thái khác ở ông. Đó là một danh tướng trong cuộc sống rất đời thường, một con người đầy nhân văn, đầy tình thương yêu, một nhà văn hoá đa tài: Quân sự thì mọi người đã nói về ông rất nhiều, tôi thì muốn nói về ông ở góc cạnh khác. Ông tự nhận là đồng nghiệp của chúng ta, ông cũng viết hàng trăm bài báo. Một danh tướng trong đời thường lúc thư giãn cũng học nhạc, chơi pianô. Gần cụ, tôi thấy từng lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử rất đời thường, không xa cách, rất nhân văn. Quan tâm tới cuộc sống, sinh hoạt của những người cùng đi, trân trọng từng bản tin, từng bài báo... Tôi thấy cụ làm việc rất ghê, giữa bộn bề công việc mà vẫn sắp xếp mọi việc đâu vào đấy. Còn khi ngồi nghe tôi kể về những chuyến đi công tác về Quảng Bình, quê hương của Đại tướng,ông rất thú vị.Mọi người nói ông là tướng của các vị tướng, tư lệnh của các tư lệnh, còn tôi lại muốn nói ông là nhà văn hoá của các nhà văn hoá”.


Một nhà quân sự thiên tài nhưng lại rất nhân văn. Để giành chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ, quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông là “ kéo pháo ra”, thay đổi cách đánh, từ đánh nhanh, thắng nhanh, sang đánh chắc, tiến chắc, làm sao giành thắng lợi tối đa với sự hy sinh xương máu tối thiểu. Đại tá Lê Kim, người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: Nhiều người  nhắc tới việc thay đổi từ đánh nhanh, thắng nhanh, sang đánh chắc, tiến chắc của Đại tướng. Ngay từ năm 1950, Đại tướng đã có suy  nghĩ chuyển từ đánh Cao Bằng sang đánh Đông Khê và đánh quân tiếp viện của Pháp,  Chúng tôi vẫn nói đùa hai lần ông Giáp đã cứu sống mình. Đầu tiên, nếu đánh Cao Bằng cũng tổn thất. Mà lần này, Điện Biên Phủ đánh nhanh, thắng nhanh cũng sẽ tổn thất. Tôi thấy, đại tướng của chúng ta là một người có tài thao lược về quân sự và qua thực tiễn, tích luỹ kinh nghiệm mà trưởng thành

Những hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ảnh 2

Gặp nhà văn Sơn Tùng tại nhà riêng mấy năm trước, trong câu chuyện về Đại Tướng, nhà văn đã chia sẻ: Một vị tướng xuất thân từ một nhà sử học, nhà văn hóa, nhà báo. Võ công của Đại Tướng quá lớn nên mới gọi là Đại Tướng chứ thực ra ông là nhà giáo, nhà văn hóa. Không phải chỉ có tới Điện Biên Phủ mà ông có công giữ Hà Nội. Lần đầu tiên, giữ được thành phố 2 tháng trước một đội quân  hiện đại như quân đội Pháp. Và từ đó, để đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong lịch sử, trên thế giới chưa từng có ai, được giao thành lập đội quân 34 người, chỉ huy những trận đánh lớn, đến khi kết thúc chiến tranh 30 năm vẫn một vị Tổng chỉ huy này, vị Tướng này…

Không chỉ người dân trong nước, mà kiều bào ở nước ngoài, những ai đã từng tiếp xúc với  Đại Tướng cũng tỏ lòng khâm phục. Ông Phùng Như Hùng, Việt Kiều Pháp, khi ấy là một thanh niên, tham gia tự vệ trung đoàn Thủ đô trong một lần về thăm quê hương đã tự hào kể: Khi trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội, tôi là người ở lại chặn đường cho quân ta rút. Biết chuyện,  ông Giáp tới bắt tay, khen ngợi tôi. Ông Giáp cũng học ở trường Pháp và ngay từ khi ấy, người Pháp hỏi, ông đã nói thế nào là độc lập. Tôi cho là ông ấy rất giỏi và giỏi nhất  là ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Người Pháp không thể tưởng tượng nổi quân đội Việt Nam lại có thể mang súng qua núi nã xuống”.


Còn rất nhiều câu chuyện về Đại Tướng mà mọi người chưa biết. Chỉ chắc chắn một điều, mọi người sẽ nhớ tới ông với tình cảm trân trọng, thành kính về  một con người đức độ, văn võ song toàn, một học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác