(VOV5) -Yếu tố biển đảo thấm đẫm trong các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở Quảng Nam.
Quảng Nam, tỉnh duyên hải thuộc vùng Nam Trung bộ, có đường bờ biển dài tới 125 km, với nhiều bãi biển, đảo, cụm đảo ven bờ, trong đó có Cù Lao Chàm với hệ sinh thái phong phú được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Điều kiện tự nhiên này khiến yếu tố văn hóa biển đảo ở Quảng Nam vô cùng phong phú, đa dạng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Yếu tố biển đảo thấm đẫm trong các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở Quảng Nam. Đó là các di chỉ khảo cổ học, tư liệu ghi chép về biển đảo; tri thức, kinh nghiệm đánh bắt hải sản, nghề thủ công, gia công chế biến, buôn bán, dịch vụ.
Biển Cửa Đại, Quảng Nam ( Ảnh Báo Đại đoàn kết) |
Đặc biệt, những tri thức các tuyến hàng hải, luồng lạch, khu vực khai thác hải sản cho thấy cha ông người Việt ở vùng duyên hải miền Trung làm chủ biển rất sớm, tích lũy nhiều kinh nghiệm để nâng cao truyền thống làm chủ biển khơi, đồng thời dong thuyền qua Singapore, Malacca, Trung Quốc để buôn bán, giao thương. Ông Trần Đức,Trưởng phòng Trưng bày và Sưu tầm hiện vật, Bảo tàng Quảng Nam, cho biết:
"Nhận định của một học giả người Anh trong bài viết “Một chuyến đi tứ xứ Nam Hà” cho thấy cửa biển Đại Chiêm đóng vai trò quan trọng để giao thương với các nước trên thế giới. Chiếc tàu đắm của Cù Lao Chàm đã khẳng định rằng Cù Lao Chàm có vai trò xuyên suốt trong tuyến hành lang gốm sứ trên biển. Cái thứ hai nữa là di sản văn hóa biển đảo Quảng Nam thể hiện ngay trong các di chỉ khảo cổ học ở bãi Ong, bãi Làng.
Tại Bảo tàng Quảng Nam và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An hiện đang lưu giữ hàng nghìn tư liệu liên quan đến văn hóa biển đảo Quảng Nam như các văn bản, bản đồ, ngư lưới cụ đánh bắt trên biển, hiện vật khảo cổ trên đảo và dưới đáy biển... Trong số đó, nhiều hiện vật liên quan đến đường hàng hải trên biển, “Con đường tơ lụa trên biển” nhiều thế kỷ trước đã được trưng bày tại Mỹ, Nhật Bản.
Bức tranh về biển đảo trong mối quan hệ với cộng đồng cư dân Quảng Nam trong lịch sử và hiện tại đều vô cùng sinh động. Các hình thái, loại hình văn nghệ dân gian phong phú ở Quảng Nam cho thấy yếu tố biển đảo thấm đẫm trong sinh hoạt thường nhật của người dân. Biển đồng thời tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, để lại dấu ấn sâu sắc trong ca dao, tục ngữ, các câu chuyện kể. Cụ thể và rõ ràng hơn là trong kho tàng tri thức dân gian về thời tiết, khí hậu, về y dược, về ẩm thực, kỹ năng đi biển hay kỹ thuật chế tạo và bảo dưỡng tàu thuyền, đặc biệt là về thói quen ứng xử, tục lệ, tín ngưỡng cùng nhiều hình thái văn hóa phi vật thể khác. Ông Trần Đức cho biết thêm:
"Tri thức dân gian về biển là sự nhận thức về biển, thông qua việc nhìn nhận được con nước, luồng lạch, mưa, bão gió, thể hiện rõ trong dân ca hò vè. Ví dụ như câu: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà. Sóng xô Cửa Đại chiều đà chuyển mưa. Tri thức dân gian đó giúp cho người ta có sự trải nghiệm và ứng xử phù hợp trong quá trình người ta đi biển, đối với thời tiết như thế nào thì người ta đi biển và thời tiết như thế nào thì ở nhà. Đó là những tri thức dân gian rất gần gũi."
Yếu tố biển cũng tràn ngập trong các lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh ở Quảng Nam. Tiêu biểu như Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ Hội Long Chu, Lễ Hội Cầu Bông, Lễ Tế Cá Ông. Trong số đó, lễ Tế Cá Ông là lễ hội điển hình của ngư dân vùng biển. Lễ Tế thường tổ chức vào dịp cầu ngư hàng năm cùng với hò Bá Trạo, một loại hình văn nghệ dân gian đặc biệt.
Lễ hội Bà Thu Bồn của ngư dân vùng biển Quảng Nam ( Báo Đại đoàn kết) |
Những người tham gia vừa hò vừa lĩnh xướng và làm những động tác chèo thuyền ở trên bờ nhằm miêu tả cảnh sinh hoạt trên sông nước của ngư dân. Những câu hát, điệu múa là lời ca tri ân Cá Ông đã cứu giúp người dân đi biển thoát khỏi hoạn nạn.
Với những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể quí báu mang nhiều yếu tố biển còn được lưu giữ, Quảng Nam hôm nay thực sự là một tiểu vùng văn hóa giàu bản sắc trong tổng thể các vùng văn hóa của Việt Nam.Vì lẽ đó, Quảng Nam luôn là một địa chỉ hấp dẫn để khám phá không ngừng.