(VOV5) -Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Som Rong, chùa Chén Kiểu, chùa Tà Mơn, chùa Prey Chóp…
Tỉnh Sóc Trăng có hơn 200 ngôi chùa của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, trong đó có tới 92 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có nét đặc trưng riêng. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Som Rong, chùa Chén Kiểu, chùa Tà Mơn, chùa Prey Chóp…
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có 2 chùa được công nhận di tích nghệ thuật cấp quốc gia là chùa Dơi (còn gọi là chùa Mã Tộc) và chùa Kh’Leang. Sở dĩ gọi là chùa Dơi bởi trong chùa này có nhiều cây sao và cây dầu là nơi trú ẩn của hàng ngàn con dơi.
Tượng phật nằm ở chùa Som Rong. Ảnh: Ngọc Anh |
Mặc dù trong khu vực cũng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh khác với vườn cây bóng mát, nhưng dơi lại chỉ chọn ngôi chùa Mã Tộc làm nơi cư trú. Tuy là loài động vật ăn quả nhưng đàn dơi ở đây không ăn quả trong vườn chùa, mà bay đi xa để kiếm ăn. Khi bay, đàn dơi cũng lượn vòng mà không bay thẳng qua nóc ngôi chính điện của chùa.
Trong khi đó, chùa Kh’Leang dù mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt - Hoa trong bài trí. Trong chính điện có một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột, cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer.
Chính điện chùa Kh’Leang. Ảnh: Ngọc Anh |
Chị Thạch Thị Loan, hướng dẫn viên nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Chùa Kh’Leang là hình mẫu trong kiến trúc xây dựng. Chùa chạm khắc rất tinh xảo, tổng thể hài hòa, cân xứng. Chùa có 2 ngôi nhà sàn, một đang trùng tu, một nhà sàn còn nguyên bản. Đặc biệt, ngôi chánh điện chùa Kh’Leang kiến trúc rất đẹp, chạm khắc tỉ mỉ hình chim thần Krust, tượng nữ thần knorr hay chim nữ thần."
Thành phố Sóc Trăng còn có một ngôi chùa tuyệt đẹp, tráng lệ như một cung điện là chùa Som Rong. Chùa này lưu giữ hai hòn đá kỳ bí, nổi được trên mặt nước, được đặt trang trọng dưới bàn thờ Phật tại gian Sala. Cặp đá này được Thượng tọa Lý Đức, trụ trì Chùa Som Rong, thỉnh từ Campuchia về năm 2018. Nổi bật trong khuôn viên chùa là Tượng Phật Thích Ca ở ngoài trời, kích thước khổng lồ, nặng 490 tấn, dài 63 mét, cao 22,5 mét. Vì thế, ngôi chùa này còn có tên gọi khác là chùa Phật nằm Sóc Trăng.
Chính điện chùa Tà Mơn. Ảnh: Ngọc Anh |
Tới tham quan chùa, ông Trần Văn An, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa, cảm nhận: "Chưa bao giờ tôi thấy tượng Phật nào lớn, to như thế. Tượng nằm trên cả không gian rộng, uy nghiêm. Tôi đã từng đến đền Angkor Wat ở Campuchia rồi, nhưng vào đây có nét đặc sắc riêng. Tôi thấy chùa Som Rong cổ kính, nguy nga, tráng lệ."
Trong khi đó, chùa Serey Tamon (còn gọi là chùa Tà Mơn) nằm ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, cũng là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở tỉnh Sóc Trăng. Nhìn từ trên cao, ngôi chùa phủ một màu vàng rực rỡ, hoa văn ánh vàng tiêu biểu cho lối kiến trúc Khmer truyền thống. Ngôi chính điện của chùa xây dựng bề thế, đồ sộ, chạm khắc hoa văn cầu kỳ, tinh xảo.
Với những người yêu thích khám phá hay check-in thì chùa Chén Kiểu (hay còn gọi là chùa Sro Lôn), tọa lạc ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, là địa điểm lý tưởng để có những bức hình đẹp. Chùa Chén Kiểu có kiến trúc độc đáo, được xây dựng và trang trí bằng những mảnh chén, bát, đĩa. Các nghệ nhân, thợ xây dựng chùa khéo léo tận dụng những vật liệu này ốp lên các bức tường, cột tháp, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật lạ mắt và ấn tượng. Trong chùa có phòng trưng bày các hiện vật của Công tử Bạc Liêu (tên thật là Trần Trinh Huy, sinh năm 1900, mất năm 1973, một nhân vật nổi tiếng giàu có ở đồng bằng sông Cửu Long).
Trong số những hiện vật, nổi bật là chiếc giường nóng (giường dùng cho mùa hè) và chiếc giường lạnh (giường dùng mùa đông) của Công tử Bạc Liêu.
Chính điện chùa Chén Kiểu. Ảnh: Ngọc Anh |
Đến tham quan chùa Chén Kiểu, ông Ngô Hữu Lợi, du khách ở tỉnh BìnhDương, cho biết: "Đây là lần thứ 3 tôi đến chùa Chén kiểu. Mỗi lần đến đây, tôi có cảm xúc khác nhau. Tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều chùa Khmer. Tất cả chùa ở đây mang nét đặc trưng riêng của người Khmer, từ điêu khắc, kiến trúc cho đến màu sơn. Không riêng gì chùa Chén Kiểu, chùa Dơi, chùa Kh’leng, chùa Som Rong… cũng rất đặc sắc, đều là những nơi tham quan lý tưởng để tìm hiểu về đời sống người Khmer."
Cách huyện Mỹ Xuyên gần 30 km là thị xã Vĩnh Châu. Nơi đây có chùa Prey Chóp, một trong những ngôi chùa đẹp ở tỉnh Sóc Trăng. Đây cũng là một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở tỉnh. Ông Tăng Hum, cố vấn Ban quản trị chùa Prey Chóp, kể: "Chùa có kiến trúc Phật giáo Nam Tông Khmer. Đây là điểm du lịch tâm linh hằng năm thu hút được đông du khách, nhất là những lễ Sel Dolta, lễ nhập hạ, lễ dâng y cà sa… Khách du lịch đến chùa từ Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau… Ngoài ra, có khách nước ngoài từ các nước, như: Mỹ, New Zealand.
Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có số lượng chùa Khmer nhiều thứ 2 ở Việt Nam (92 chùa) sau tỉnh Trà Vinh (143 chùa). Các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer Sóc Trăng nói riêng, Nam Bộ nói chung, không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của bà con Khmer, mà còn là những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer.