(VOV5)- Khi những cành đào ở phía Bắc hé sắc đỏ báo hiệu Xuân về, thì những cánh mai vàng nở trong nắng ấm cũng cho thấy Tết đã về với miền đất phương Nam. Người dân phương Nam đón Tết với nhiều phong tục, tập quán mang đậm hương sắc vùng miền.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Mỗi khi Tết đến, Xuân về, người dân phương Nam (gồm các tỉnh phía Nam Trung bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ) dù làm bất cứ nghề gì, ở bất kì đâu, đều mong được trở về nhà sum họp gia đình. Trước Tết đến nửa tháng, các thành viên trong gia đình đã sơn sửa, dọn dẹp, trang trí lại nhà để đón xuân. Người dân cũng coi trọng lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp với những nghi lễ không cầu kỳ, chỉ cốt chứng minh lòng thành tiễn ông Táo về trời. Nhà nghiên cứu văn hoá Đoàn Trọng Huy cho rằng: “Đối với người phương Nam, ngày đưa ông Táo về trời cũng là ngày cúng các món ăn, trong đó không thể thiếu được món chè đặc trưng nhất là món chè trôi nước. Từ cái tên món chè đã thể hiện mong muốn mọi việc sẽ trôi chảy, thuận lợi. Ông Táo lên trình bày với Ngọc Hoàng phải nói ngon, nói ngọt, thể hiện mong ước của người dân để mọi việc trong năm mới tốt hơn, thuận lợi và suôn sẻ hơn”.
Đối với người Nam bộ, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn bà, con gái lo chuẩn bị các món ăn cho mâm cơm ngày Tết. Đàn ông, con trai thì chuẩn bị đồ thờ cúng. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam bộ Trương Ngọc Tường cho biết: “Tết ở trong này gọi là ăn Tết , bởi người sống nghỉ Tết, ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết, nhưng cúng trong 3 ngày Tết là cúng cho Tổ tiên, ông bà. Mình no đủ, vui vẻ trong mấy ngày Tết thì Tổ tiên, những người đã khuất cũng phải no đủ trong ngày Tết”
Ảnh: Gosu.vn
Trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, ngoài cành mai còn có mâm ngũ quả.Thông thường ở phương Nam, người ta bày mâm ngũ quả với những trái cây chính là: Mãng cầu, Dưa, Đu đủ, Xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là "cầu vừa đủ xài" thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Mâm cơm cúng ngày Tết là tấm lòng tri ân với tổ tiên và thể hiện đầy đủ nét tài khéo của phụ nữ Nam trong chế biến các món: thịt kho, dưa giá, cá chiên, bánh phồng, các món xào, canh khổ qua... theo đúng phong vị truyền thống phương Nam. Ông Pham Văn Hưng, người dân ở Đồng Nai, cho biết: “Tụi tôi đón Tết theo tục lệ ông bà để lại từ ngày xưa tới giờ, thì mình cứ làm, xưa ông bà làm sao thì mình làm vậy. Tới ngày 30 Tết mình làm lễ đưa rước ông bà, ông bà mình sống ở đâu thì mình tới đó rước ông bà về, mình cũng nhang đèn, cơm nước thịt cá đầy đủ. Mình làm 2-3 mâm cơm, rồi thắp nhang đèn, bánh mứt thì để lên trên, còn mâm cỗ mình thay nước hàng ngày rồi cúng. Mâm cơm ngày Tết có thịt kho, cá kho. Bánh Tét, bánh Ít thì mình để lên bàn thờ thờ cúng.”
Xưa kia nhiều gia đình ở vùng đất Nam bộ cứ đến Tết thì dựng cây nêu và nấu chè. Dựng cây nêu trước sân, vườn nhà theo tục lệ cổ là để xua đuổi để tà ma không quấy phá gia đình. Còn nấu nồi chè, coi như món ăn tượng trưng cho sum họp gia đình, thể hiện ngày Tết đầm ấm, ngọt ngào, hạnh phúc. Cho dù ngày nay đã ít nhà còn dựng cây nêu nhưng tục lệ này vẫn sống trong ký ức của bao người. Ông Trương Ngọc Tường tâm sự: “Nhà tôi thường nấu chè chiều 30, ăn xong rồi còn đi tưới cây. Ở miền Nam không có tục hái lộc đầu năm mà chiều 30 ra tưới cây, hoa kiểng ngoài vườn. Tưới cây để trong 3 ngày tết không động tới cây cối gì hết và cũng không được bẻ cây hái trái trong 3 ngày Tết”
Tết ở Nam bộ cơ bản vẫn còn nguyên bản nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Những phong tục bình dị ấy là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện tính cách điển hình người dân ở phương Nam./.
Tô Tuấn