(VOV5) - Phiên chợ vùng cao không chỉ có hoạt động mua bán hàng hóa, mà còn là nơi để gặp gỡ, trao đổi tâm tình, gắn kết tình cảm, nên duyên của những đôi trai gái.
Đến với Hà Giang, du khách không khỏi thích thú khi được hòa mình vào phiên chợ đầy sắc màu. Đến chợ, các cô gái trong những trang phục rực rỡ màu sắc, tiếng nói cười rộn ràng với nhiều nét văn hóa độc đáo mang bản sắc riêng của các dân tộc ít người nơi đây. Phiên chợ vùng cao không chỉ có hoạt động mua bán hàng hóa, mà còn là nơi để gặp gỡ, trao đổi tâm tình, gắn kết tình cảm, nên duyên của những đôi trai gái.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sáng sớm, khắp vùng huyện Mèo Vạc trắng xóa một biển sương giữa lừng chừng núi đá tai mèo. Hòa vào không gian đó là tiếng í ới gọi nhau đi chợ, tiếng kêu vui tai của nhiều loại gia súc, gia cầm được người dân mang đến chợ để bán. Từ ngã tư con đường mang tên Hạnh Phúc của thị xã Mèo Vạc, đồng bào các dân tộc thiểu số Nùng, Dao, Mông, Giáy đổ xuống chợ ngày một đông. Chợ phiên Mèo Vạc có từ lâu đời, chỉ mở vào ngày chủ nhật trong tuần. Chợ trở thành trung tâm buôn bán, giao lưu và trao đổi hàng hóa sầm uất nhất của thị trấn Mèo Vạc và ẩn chứa những giá trị kinh tế, văn hóa độc đáo, khó lẫn với bất cứ phiên chợ nào ở vùng cao Tây Bắc.
|
Khu vực bán rau củ quả của đồng bào ở chợ Mèo Vạc |
Hàng hóa ở chợ đa dạng phong phú. Bà con dân tộc bán những nông sản, vật dụng mình tự làm ra bằng tay, những mặt hàng thủ công. Họ mua về những hàng hóa như áo ấm cho mùa đông, những đôi dép nhựa, đôi giày leo núi thể thao, hay cả chiếc điện thoại di động. Ngoài nhu cầu đi chợ để mua sắm hay bán hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, nét độc đáo của chợ phiên Mèo Vạc là vui chơi, gặp gỡ và thưởng thức những món ăn yêu thích. Chị Phàn Thị Mùi, người Dao đỏ, cho biết: “Không có nhiều tiền nên chỉ mua được ít hàng thôi. Mỗi người mua được một tý. Hôm nay mang ít gạo đi bán được hơn 1 triệu. Tôi không mua được cái gì chủ yếu là đi chơi”.
|
Rượu ngô đặc sản vùng cao là mặt hàng được bán nhiều tại chợ. |
Đi chợ Mèo Vạc, ấn tượng không thể phai trong lòng du khách là hình ảnh bán rượu của chị em phụ nữ. Họ đứng thành hàng dài trong chợ, phía trước mặt cũng là cả một hàng dài can đựng đầy rượu ngô. Trên mỗi can rượu có muôi bằng nhôm. Khách hàng nào mua thì lấy muôi múc rượu uống thử. Nhiều du khách chỉ thử rượu của mấy cô người Mông thôi mà cũng đã chếnh choáng men nồng. Anh Malcro Cusani du khách người Italy chia sẻ: “Chúng tôi đã mua được một vài món ăn, vì ở chợ có nhiều món ăn khác nhau mà ở Italy không có và tôi thích nếm thử những món ăn này. Ở chợ cũng có nhiều quần áo dân tộc và có những món quà tôi có thể mua cho bố mẹ của mình”.
|
Theo mẹ đi chợ |
Không giống với phiên chợ Mèo Vạc, người dân đi chợ Khau Vai ở xã Khau Vai với mục đích chính là được gặp người yêu để thổ lộ, giãi bày tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ nhung xa cách. Hơn 100 năm nay, người dân quen gọi phiên chợ ở đây là Chợ tình Khau Vai. Theo truyền thuyết, chợ tình Khau Vai có từ hơn trăm năm nay, bắt nguồn từ câu chuyện tình của chàng trai người Nùng và cô gái người Giáy. Tình yêu của họ bị gia đình ngăn cản, hai người chia tay nhau, hẹn ngày 27/3 âm lịch hằng năm gặp lại nhau. Dần dần tại ngọn núi họ hẹn hò hình thành một cái chợ. Mỗi năm chợ họp một lần, trở thành nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Anh Thò Mí Thà ở xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo vạc tâm sự cả năm anh chờ đến phiên chợ Khau vai để được gặp người con gái anh yêu: “Chợ tình không thể bỏ được. Trước hôn nhân là do bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy nhưng giờ em cũng có một người bạn, ít hơn 5 tuổi và điều này không thể lý giải được. Ngày chợ tình phải gặp bằng được. Không gặp được thì không về. Chợ Tình bắt đầu vào ngày 27/3 âm lịch nhưng tôi đi từ tối 26/3 âm lịch. Bởi đó là ngày kỷ niệm cả đời mình”.
Trên một bãi đất rộng của một ngọn đồi, những người đi chợ tìm kiếm người yêu của mình và những câu chuyện tình cảm đôi lứa được nhắc lại như những kỉ niệm đẹp, đầy luyến tiếc trong mỗi người. Dù hai bên đều đã có gia đình, tổ ấm riêng, nhưng họ vẫn tìm đến nhau để thổ lộ nỗi nhớ nhung và tiếc nuối cho nguôi nỗi sầu. Câu chuyện có thể kéo dài từ sáng đến tối. Nửa đêm họ mới về nhà. Anh Thà cho biết: “Cách xa 10km, đi xe máy, đến chợ tình là 6h. Hẹn nhau vào trong chợ nên vào chợ bắt buộc phải gặp. Gặp nhau thì ngồi tâm sự. Họ cũng có chồng nên không thể đi đâu mà chỉ nói chuyện về vui buồn trong năm, những nỗi khổ hay khó khăn.Tôi cũng ước là chúng tôi được lấy nhau, không phải tách rời. Họ có chồng rồi nên chỉ ngồi tâm sự thôi, mình tôn trọng nhau”.
Không chỉ những trường hợp đôi trai gái lỡ duyên phận, ngày nay chợ tình Khau Vai còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên. Qua các phiên chợ tình Khâu Vai đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ đây.