(VOV5) - Trưng bày sắp đặt “Nước và di sản tháp nước Hàng Đậu” diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 31/12.
Tháp nước Hàng Đậu là một trong những tháp nước đầu tiên của Hà Nội, gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Thủ đô từ hơn 100 năm nay. Mới đây, họa sĩ Nguyễn Đức Phương, kiến trúc sư Cao Thế Anh và các cộng sự đã sử dụng nghệ thuật sắp đặt để “đánh thức” công trình kiến trúc cổ này. Từ một công trình cũ, không sử dụng, nay, tháp nước đã mang diện mạo mới, trở thành một không gian nghệ thuật thú vị trong triển lãm sắp đặt “Nước và di sản tháp nước Hàng Đậu”.
Tháp nước Hàng Đậu tọa lạc tại ngã 6, giao giữa các phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ tại Hà Nội, được xây dựng từ năm 1894, trước cầu Long Biên (1898). Tháp được xây hình trụ tròn, bao xung quang là 8 bức tường đá. Tháp gồm 3 tầng, trong đó, tầng trên cùng là đài nước khổng lồ bằng thép, dung tích 1250m3.
Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: hanoinmoi.vn |
Tháp nước Hàng Đậu còn được biết đến với các tên gọi: đài đầu (điểm đầu của mạng lưới cấp nước), két nước Hàng Đậu, tháp nước tròn Hàng Đậu, nhà máy nước tròn, đài nước Quán Thánh, nhà tròn Quán Thánh nhưng cái tên bốt Hàng Đậu được nhiều người gọi hơn cả. Vào những năm 1960, khi Nhà máy nước Yên Phụ được nâng cấp và thay đổi công nghệ truyền dẫn nước sạch, tháp nước Hàng Đậu ngừng hoạt động và đóng cửa. Từ đó đến nay, địa điểm này vẫn nằm im lìm giữa phố xá nhộn nhịp, như một chứng nhân cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Từ trung tuần tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên công trình này được mở cửa đón công chúng vào tham quan, trải nghiệm.
Bằng nghệ thuật sắp đặt, nhóm tác giả đã biến tháp nước Hàng Đậu thành một “không gian thiêng” với những thanh âm trong trẻo của nước, ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt. Bên trong tháp nước gồm 12 khoang. Trong đó, triển lãm sắp đặt “Nước và di sản tháp nước Hàng Đậu” được thực hiện tại 6 khoang phía ngoài. 6 khoang tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên, gồm: nước biển, nước suối, nước sông, nước trong khe, nước ngầm và nước mưa. Cách thể hiện này được lấy cảm hứng từ Lục Thủy trong văn hóa Á Đông và đại diện cho sự nguyên thủy nhất của nước. Trong mỗi khoang, nhóm thiết kế đặt 1 chiếc chum, có tuổi đời từ thế kỷ 19, nhằm góp phần tạo nên hệ thống âm thanh sống động của nước. Lối đi độc đạo bằng ván gỗ tái chế, được lắp đặt hệ thống đền led nghệ thuật, tạo nên một “con đường ánh sáng” men theo đường kính của tháp nước, dẫn lối du khách khám phá các không gian nghệ thuật trong công trình này.
Họa sĩ Nguyễn Đức Phương chia sẻ: "Tác phẩm của tôi chia thành hai phần, một phần liên quan đến vấn đề thị giác và một phần liên quan đến vấn đề thính giác, là âm thanh. Vấn đề thị giác ở đây tôi muốn sử dụng các vật liệu tái chế, cụ thể là nylon. Tôi muốn nhấn mạnh về phần hình ảnh, chính là hiện tại về rác thải đô thị mà chúng ta đang nhìn thấy, đang phải trải qua. Còn phần âm thanh, tôi muốn đưa con người ta trở về với trạng thái nguyên thủy nhất của bản thể, dùng âm thanh của nước để đưa công chúng trở về với thế giới tự nhiên của nước."
Để đảm bảo nguyên vẹn hiện trạng của công trình tháp nước, các nghệ sĩ, họa sĩ chỉ trang trí thêm những chi tiết chấm phá, không tác động nhiều đến công trình gần 130 tuổi này. Bên trong tháp nước, người xem có thể thấy hệ thống đường uống dẫn nước vẫn còn nguyên vẹn, với những van nước hoen rỉ qua thời thời gian. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thành, thành viên nhóm thiết kế, chia sẻ:
"Khi chúng tôi khảo sát tháp nước Hàng Đậu, bên trong rất tối. Chúng tôi theo đúng với tinh thần của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay là “đánh thức di sản” qua ánh sáng. Do đó, trong tháp nước chúng tôi thực hiện 2 nội dung chính. Thứ nhất, làm sao thông qua ánh sáng có thể làm nổi bật cấu trúc hình tròn của tháp nước Hàng Đậu. Thứ 2 là tôn vinh những vật liệu trong tháp nước."
Ở khoảng không gian bên trên là hệ thống các tác phẩm nghệ thuật đa màu sắc làm từ nylon, với những hình thái khác nhau được treo lơ lửng. Ban ngày, khi ánh nắng bên ngoài chiếu vào những tác phẩm này sẽ tạo hiệu ứng màu sắc đẹp độc đáo. Triển lãm sắp đặt “Nước và di sản tháp nước Hàng Đậu” đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho công chúng.
"Cả không gian bên trong tháp nước là sự sắp xếp của âm thanh và ánh sáng, còn có cả tiếng nước. Có cảm giác giống như đang ở trong một hang động. Đây là một cách độc đáo của nhóm tác giả để làm sống lại tháp nước. Một số du khách chia sẻ:
-"Em thấy thông điệp về nước của các tác giả rất thú vị. Nơi này đã được cải tạo và sử dụng những vật liệu từ rác thải làm thành những tác phẩm nghệ thuật để công chúng khám phá. Đó là điều rất ý nghĩa. Em nghĩ những chương trình như thế này nên được phát triển và tiếp tục phát huy."
- "Việc các họa sĩ, kiến trúc sư sử dụng nylon để tái sử dụng, bảo vệ môi trường là cách rất hay. Tham quan tháp nước này giúp người dân vừa nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử cũng như ý thức bảo vệ môi trường."
Trưng bày sắp đặt “Nước và di sản tháp nước Hàng Đậu” diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 31/12, là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Việc cải tạo tháp nước Hàng Đậu thành không gian nghệ thuật và mở cửa cho khách tham quan được xem là cách để “hồi sinh” công trình này, qua đó, góp phần đưa di sản và nghệ thuật gần hơn với công chúng.