(VOV5) - Mỗi một món hiện vật ở Thiền viện Vạn Hạnh đều được các nhà tu hành nơi đây bảo quản thận trọng, có chú thích xuất xứ chỉ dẫn.
Nằm trên đường Phù Đổng Thiên Vương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thiền viện Vạn Hạnh là nơi tôn nghiêm dành cho tăng ni, phật tử, khách thập phương đến chiêm bái hành hương, và còn được xem là một trong những công trình văn hóa độc đáo thể hiện nét kiến trúc đặc thù của Phật giáo, một địa chỉ không thể bỏ qua với các du khách khi đến với Đà Lạt. Và có lẽ ít người biết, nơi đây đang lưu giữ những tác phẩm tranh làm bằng đá thạch anh, cùng với một tiểu bảo tàng cổ vật mà Thượng toạ trụ trì Thích Viên Thanh đã sưu tầm trong hơn 30 năm qua.
Cổng vào Thiền viện Vạn Hạnh. - Ảnh: dulichdalat
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tiếng chuông ngân vang như càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, yên bình trong không gian ngôi Thiền Viện nằm trên một quả đồi nhỏ. Thượng toạ Thích Viên Thanh kể về những “quả chuông” độc đáo này: “Tôi đã sưu tầm những trái bom, trái đạn tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm đồng. Những trái bom, trái đạn đã gây nhiều nỗi đau thương cho người dân Việt Nam. Nay những trái bom, những quả đạn này đã trở thành những quả chuông để phục vụ cho hòa bình”.
Trụ trì thiền Viện Vạn Hạnh từ năm 1980, thượng toạ Thích Viên Thanh đã có công xây dựng ngôi chùa với nhiều điều độc đáo của ngày hôm nay: “Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt được thành lập từ năm 1952 do một số phật tử khi đi từ miền Trung lên Lâm Đồng lập nghiệp. Lúc đó chùa mới chỉ có 9 mét, mái lợp tôn. Đến 1980 Giáo hội cử tôi về trụ trì chùa Vạn Hạnh. Từ đó đến 1994, chúng tôi xây dựng lại thành Thiền Viện Vạn Hạnh được trang nghiêm và lớn như ngày hôm nay. Đến 2002 chúng tôi xây dựng tượng Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu để các phật tử chiêm ngưỡng và lễ bái”.
Bức tượng có tên là "Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu" mang hình đức Phật cầm một cành sen tại Thiền viện Vạn Hạnh. - Ảnh: truyenhinhdulich |
Bảo tượng Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu mà Thượng toạ Thích Viên Thanh vừa nói cao 24m, nặng 60 tấn, tay phải cầm cánh hoa sen. Dưới đài sen là một ngọn giả sơn, bên trong có hang động tôn trí hình tượng các vị tổ đang tham thiền nhập định.
Trong không gian thiền ấy, có một điều đặc biệt nữa nằm trong hai căn phòng nhỏ nép bên vườn cây cảnh. Nơi đó, bóng mát của tượng Phật đài thích ca ngày ngày che phủ, hàng ngàn những viên đá, khối đá thạch anh mà vị trụ trì đã sưu tầm trong suốt mấy chục năm qua. Không chỉ là do thiên nhiên tạo tác, điều thú vị hơn nữa, đó là những bức tranh, những tấm bản đồ của đất nước Việt Nam hình chữ S được làm bằng đá thạch anh dạng hạt.
Thượng tọa Thích Viên Thanh bên những bức tranh đá thạch anh. - Ảnh: báo Lâm Đồng |
Thượng toạ Thích Viên Thanh chia sẻ, chất liệu đá quý sẽ trường tồn với thời gian, nên những bức tranh đá được làm ra và lưu giữ tại đây với mong muốn giữ lại một kho tàng quý cho thế hệ sau: “Tôi bắt đầu làm tranh đá từ năm 2007. Tôi làm những bức tranh như thập mục ngư đồ, tình mẹ, cày ruộng… để lại cho đời bằng những viên đá thạch anh, trong đó kết hợp với các loại cát lấy ở Bình Thuận, Ninh Thuận về. Tôi làm những bức tranh dể du khách đến chiêm ngưỡng, chỉ với mục đích trưng bày chứ không có bán ra ngoài, để lại cho đời một chút gì đó”.
Cũng với mục đích “để lại cho đời”, trong những chuyến phật sự, Thượng toạ Thích Viên Thanh còn sưu tầm và mang về đây hơn 2.000 hiện vật cổ, phần phần lớn đều gắn liền với văn hoá nhập thế, nhân sinh cổ truyền. Bắt đầu từ một chiếc cối đá cổ sưu tầm được từ huyện Lâm Hà, Lâm Đồng hơn 30 năm trước, đến nay, Thượng toạ Thích Viên Thanh đã tìm được và mang về lưu giữ ở Thiền viện Vạn Hạnh 200 chiếc cối đá đủ niên đại, trong đó có chiếc cối cổ được đưa về từ Quảng Ngãi đã có tuổi thọ hơn 300 năm. Cùng với đó là nhiều tượng gia cầm, gia súc bằng chất liệu đá, gỗ; hệ thống các loại cân cổ điển; nồi đồng, mâm đồng; máy kéo nước thủ công; cối xay lúa; những con dao bổ cau, dao phát rẫy, những chiếc cày, bừa đất bằng sắt, gỗ…
Mỗi một món hiện vật ở Thiền viện Vạn Hạnh đều được các nhà tu hành nơi đây bảo quản thận trọng, có chú thích xuất xứ chỉ dẫn. Dù chưa có không gian bài trí đúng trật tự, theo hệ thống nhưng đây là bộ sưu tập quý, cụ thể hoá được những biểu trưng gắn liền với nhiều thế hệ người Việt: “Chúng tôi đang làm từ từ, khi hoàn thành mới đưa vào từng phần một, đến khi theo đúng rồi thì lúc đó mới mở cửa cho khách vào thăm quan. Chúng tôi sẽ đem cái cày ra rồi làm mô hình con trâu kéo cày. Rồi cái máy đạp nước thì cũng xây một cái hồ, người xem có thể thử đạp nước. Hoặc những máy tuốt lúa cũng được làm thành mô hình để người xem có thể hiểu được công dụng thế nào”.
Những câu chuyện của vị trụ trì mở ra những điều ngạc nhiên thú vị, níu giữ bước chân của những du khách. Trong một buổi chiều nào đó, khi đến với ngôi thiền viện ở phố núi, du khách có thể được nghe những câu chuyện như vậy, hay những lời giảng về đạo Phật, an tâm an lạc để tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống.