(VOV5) - Thung Nai giống như nơi giao hòa giữa đất trời và sông nước và được ví như như một vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.
Thung Nai, xã lòng hồ sông Đà, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, từ lâu là địa điểm thu hút du khách trong nước và nước ngoài.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thung Nai nằm cách Thành phố Hoà bình khoảng 25km và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 110km. Người dân sống lâu năm ở Thung Nai chia sẻ: Trước kia, Thung Nai là một thung lũng rộng lớn được bao quanh bởi rừng và các ngọn núi cao có nhiều nai sinh sống. Những buổi chiều, những chú nai xuống bờ sông Đà uống nước tạo nên những hình ảnh nên thơ và cái tên độc đáo cho vùng đất này.
Cảnh sắc Thung Nai |
Từ năm 1979 đến năm 1994, Việt Nam xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Ðà nên Thung Nai được đắp đập để tích nước phục vụ cho công trình thủy điện và tạo nên một vùng hồ rộng lớn, bao bọc bởi đồi núi hoang sơ. Từ trên cao nhìn xuống, vẻ đẹp Thung Nai thật nên thơ, quyến rũ với màu xanh của núi rừng. Vào những ngày mưa, mặt hồ mờ ảo, nước một màu đỏ của phù sa, còn những ngày nắng, mặt hồ xanh trong in bóng núi non, mây trời.
Mùa xuân là thời điểm Thung Nai đón nhiều khách du lịch nhất vì đây là thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng hồ. Ngoài đi thuyền thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình, du khách còn có thể khám phá các điểm du lịch quanh Thung Nai như: đền và động Thác Bờ, chợ Thác Bờ, các bản làng của đồng bào dân tộc Mường.
Từ bến thuyền Thung Nai, những chiếc thuyền sẽ đưa du khách đi thăm lòng hồ và điểm đầu tiên là đền Bà chúa Thác Bờ linh thiêng. Chuyện kể rằng năm 1431, Vua Lê Thái Tổ đem quân đi đánh giặc ở Đèo Cát Hãn (tỉnh Sơn La ngày nay), nhưng khi đến khu vực Thác Bờ, đoạn con sông Đà chảy qua xã Thung Nai, dòng nước chảy xiết, nhiều mỏm đá lớn nhấp nhô, quân sĩ của nhà vua không thể vượt qua. Lúc đó, hai người đàn bà dân tộc Mường và Dao đã vận động người dân địa phương lên rừng xẻ gỗ đóng thuyền, bè giúp quân sĩ của nhà vua vượt sông đánh giặc. Sau khi mất, 2 bà hiển linh giúp dân vượt sông an toàn nên người dân địa phương đã lập hai ngôi đền thờ và tôn hai bà làm bà chúa Thác Bờ. Bà Đặng Thị Liên, Ban quản lý đền Chúa Thác Bờ, cho biết: "Đến đền chúa Thác Bờ không có đường đi bộ, một bước xuống thuyển nên cảnh đẹp vô cùng. Ai đã đi đến Thung Nai và vào lễ Chúa rồi thì sẽ không quên được bởi cảnh quan của vịnh Hạ Long thu nhỏ và được cầu an… Người dân có câu: Lập ngôi đền thờ thanh lịch biết bao/ Sông là là nước chảy rì rào… miêu tả khu đền ở nơi địa linh nhân kiệt giữa núi sông hòa hợp".
Thung Nai là điểm đến của du khách |
Từ đền bà chúa Thác Bờ, mất 10 phút đi thuyền, du khách đến động Thác Bờ sâu hơn 100m, với nhiều nhũ đá hình thù độc đáo và khi gõ tay vào các nhũ đá sẽ có những âm thanh như tiếng chiêng đồng. Đến Thung Nai vào dịp lễ hội hoặc cuối tuần, du khách còn được tham gia các phiên chợ nổi Thác Bờ, nơi bán những sản vật của núi rừng Tây Bắc, hay đặc sản cá, tôm của lòng hồ Thủy điện.
Khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành, nước sông Đà dâng ngập các thung lũng lên tận lưng chừng những đỉnh núi khiến Thung Nai có nhiều cảnh đẹp sông nước, núi non trùng điệp và nhiều hòn đảo nhỏ thơ mộng. Du khách có thể nghỉ ngơi tại các khách sạn, nhà hàng trên những hòn đảo giữa hồ và khám phá các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc nơi đây. Nhà nghỉ Cối Xay Gió cũng là một trong những điểm thu hút đông du khách khi đến Thung Nai. Cái tên "Cối xay gió" bắt nguồn từ việc nằm trên nóc tòa nhà là một chiếc cối xay gió có bốn cánh rộng đang quay chầm chậm. Bà Nguyễn Thị Y, Quản lý Nhà nghỉ Cối Xay Gió, cho biết: "Du khách rất thích phong cảnh ở Thung Nai và trên đảo của nhà nghỉ vì cảnh đẹp và không khí trong lành. Thường thì cuối tuần có các đoàn đặt trước, tùy số lượng… Cứ đặt chấn đến bến Thung Nai là có tàu đón về đây ăn nghỉ. Nếu đi từ sáng thì đi tham quan, tối đốt lửa trại, liên hoan…sáng ngày tiếp theo đi tham quan, thưởng thức ẩm thực. Ở đây có các đặc sản của người Mường như lợn nướng mật đặt trên lá chuối; cá sông Đà nướng; gà đồi; rau rừng".
Điểm du lịch ở Thung Nai |
Thung Nai còn nhiều điều kỳ thú để du khách khám phá, đặc biệt là bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Mường Thàng với hai bản Mường là bản Mu và bản Gia Mỗ nằm cách bến thuyền Thung Nai gần 3km. Du khách có thể ăn, nghỉ tại nhà sàn và tham gia các sinh hoạt hàng ngày cùng với đồng bào dân tộc ở đây. Nếu muốn khám phá thiên nhiên, du khách có thể đi bộ thêm 1km đến suối Trạch với phong cảnh hoang sơ, dòng nước trong vắt, mát lạnh, để nghỉ ngơi và thư giãn.