(VOV5) - Giỗ Tổ Hùng Vương 2013 không chỉ diễn ra tại khu di tích lịch sử Đền Hùng ở, Phú Thọ mà được thực hiện ở khắp nơi, trong nước và nước ngoài. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng không chỉ có ở vùng đất Tổ, mà còn có trong tâm linh mọi người dân Việt.
|
Lễ hội đường phố tại Phú Thọ đón bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" |
Nghe âm thanh tại đây:
Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hội có truyền thống làm bánh ngon nổi tiếng ở thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, được giao trọng trách làm 500 đòn bánh tét làm lễ vật dâng cúng Vua Hùng. Ngay từ đầu tháng 4, bà Nguyễn Thị Hội cùng gia đình đã đặt mua trên 200 kg nếp, 50 kg đậu xanh, 50 kg đậu đen, 100 kg lá chuối, tăng cường số nồi nấu bánh và củi đốt. Tất cả đã sẵn sàng để đúng sáng 15/4 (tức mùng 6 tháng 3 Âm lịch), bà Hội cùng với 5 người khác đồng loạt gói 250 đòn bánh tét đậu đen trộn nếp và 250 đòn nhân đậu xanh. Để bánh chín đều, việc canh củi lửa và thời gian nấu hai loại bánh cũng đã được tính toán cụ thể: bánh nhân đậu xanh sẽ được nấu trong 7 giờ và nấu suốt 8 giờ đối với bánh đậu đen trộn nếp. Bà Nguyễn Thị Hội cho rằng được làm bánh Tét dâng cúng vua Hùng là dịp để con cháu tỏ lòng thành kính với tổ tiên: “Tôi rất hân hạnh được huyện giao cho nhiệm vụ gói bánh tét dâng cúng vua Hùng. Tôi quyết tâm sẽ làm tốt làm tròn nhiệm vụ của mình cho quê hương đất nước. Bữa nay chuẩn bị nếp lá xong xuôi hết rồi, chờ gần cận ngày là gói nữa thôi, gạo nếp, đậu đồ hết rồi chỉ còn chờ thịt lấy về làm liền thôi”. Số bánh Tét do gia đình bà Nguyễn Thị Hội ở Đất Đỏ nấu theo chân đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ, để dâng cúng Vua Hùng. Cùng với bánh Tét của Bà Rịa Vũng Tàu, sản vật ba miền đất nước từ các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đăk Lăk, Bình Định và Đồng Nai cũng được dâng lên Vua Hùng, thể hiện sự biết ơn của muôn dân nước Việt đối với tổ tiên. Sau nghi lễ dâng cúng vua Hùng tại đền Thượng, nhân dân Phú Thọ và khách thập phương còn tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ.
Trong lúc Quốc Giỗ đang diễn ra tại tỉnh Phú Thọ thì ở nơi đất mũi Cà Mau, trong đền thờ các Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Phú Tân, cũng đang nghi ngút khói hương, đong đầy tâm linh của người dân đất mũi hướng về Quốc Tổ. Với các địa phương không có đền thờ Vua Hùng như ở Cần Thơ, người dân và chính quyền địa phương tổ chức lập hương án, thờ vọng Vua Hùng, thân xác tại Cần Thơ mà tâm linh thì hướng về đất Tổ. Việc làm này diễn ra không chỉ một lần mà đã nhiều năm.
Với niềm tin tuyệt đối vào Quốc Tổ từ buổi sơ khai đến nay, chính quyền các địa phương và người dân Việt Nam gom góp tiền bạc, hiến đất để lập gần 1500 đền thờ Vua Hùng trải dọc các tỉnh từ bắc vào nam như Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Ðồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Ðồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh... làm nơi thờ phụng và tổ chức nghi lễ nhằm thoả mãn lòng biết ơn, tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải chỉ có ở đền Hùng mà rộng khắp toàn tỉnh cũng như cả nước. Riêng Phú Thọ có 326 điểm thờ Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng Vương”.
Xa nhất trong số những ngôi đền thờ Quốc Tổ của người Việt phải kể đến trường hợp ngôi đền ở thành phố San Jose, bang California, Hoa kỳ. Người xây dựng ngôi đền này là ông Nguyễn Thanh Liêm, người từng nhiều lần thăm đền Hùng thuở nhỏ. Sau này, khi định cư ở Mỹ, ông bỏ tiền để mua đất, lập đền thờ Quốc Tổ và lập cả “ Hội đền Hùng” thu hút hơn 1.000 thành viên gốc Việt tham gia. Lễ Giỗ Tổ năm nay, nhiều kiều bào trở về đất Tổ Phú Thọ để thực hiện nghi lễ của ngày Quốc Giỗ. Ông Lê Văn Duyên, người đã hơn 40 năm sống ở San Jose, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào và cảm kích vì chúng tôi là người Việt Nam, là con cháu của Âu Cơ, con cháu của đất nước Vua Hùng. Chúng tôi trở về đất nước với mục đích chúng tôi dù đi xa quê hương nhưng luôn luôn hướng về Tổ quốc và dân tộc. Chúng tôi là những người li hương, nhưng chúng tôi không li Tổ. Chữ “Tổ” ở đây là Tổ quốc và Tổ tiên”.
Câu chuyện về những ngôi đền xa quê và tập tục thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt trong nước và nước ngoài, trong ngày Giỗ Tổ và cả trong cuộc sống đời thường, sẽ mãi là sợi dây gắn kết muôn người Việt Nam trong không gian của đạo lý uống nước nhớ nguồn./.