(VOV5) - Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển mạnh vào thế kỉ 15, thời nhà Lê và kéo dài đến ngày nay. Chính vì tự thân tín ngưỡng này mang tính thuần Việt, tôn thờ người Mẹ và tôn thờ các anh hùng dân tộc nên có sức sống bền bỉ lâu dài.
|
(Ảnh minh họa) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đồng hành cùng đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Việt trong nhiều thế kỉ, tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành điểm tựa tâm linh, tâm hồn của mỗi một con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn là điểm tựa tinh thần cho con người luôn hướng về lịch sử, hướng về quá khứ, ghi nhớ, ghi nhận công ơn của tổ tiên, của các anh hùng dân tộc. Ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tín ngưỡng Việt nam, cho rằng giá trị lớn nhất là niềm tin của nhân dân dành cho tín ngưỡng thờ Mẫu: “Tín ngưỡng này dạy cho con người ta sống tốt hơn, sống thiện hơn, sống gần gũi hơn. Cầu cho quốc thái dân an, gió mưa thuận hòa, nhân dân ấm no hạnh phúc. Đó là tiêu chí của tín ngưỡng này đặt ra. Không chỉ người dân nhìn nhận khác mà bản thân các nhà quản lý, những người trông coi di sản này có cách nhìn nhận khác đi, đổi mới, thân thiện hơn. Bản thân nó là cái đẹp, cái hay và làm thế nào để tín ngưỡng thờ Mẫu gần gũi với người dân hơn”.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu hội tụ nhiều giá trị nghệ thuật như nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, hát, múa, võ thuật, ẩm thực, thời trang. Đó chính là sự đúc kết, chắt lọc qua nhiều năm mà tín ngưỡng thờ Mẫu đã đồng hành cùng với người dân.
Những Thanh đồng như những “sứ giả” chuyển tiếp những nguyện cầu của người dân từ cuộc sống hiện tại đến với “thế giới bên kia” của những ông Hoàng, ông Thánh, các Cậu, các Cô, các hàng quan. Thanh đồng Bùi Thanh Kiên kể rằng khi lên đồng, họ mượn bóng thánh về phán truyền những điều hay lẽ đẹp, đem lại niềm vui lộc tài, hạnh phúc: “Tôi hầu thánh về hàng quan nên khi ngài giáng đồng thì phong thái uy phong, khăn áo chỉnh tề. Còn hàng chầu là những vị tiên thánh giáng hạ là người dân tộc phàm cứu dân độ thế tôi thể hiện đúng người dân tộc. Hầu đồng nguyên bản phải đúng lề lối như vậy”.
Cái đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu là sự nghiêm trang, uy nghi và giữ lề lối truyền thống. Khi hầu Thánh, các Thanh đồng cho rằng lúc đó trong tâm họ khác với người phàm trần. Thanh đồng Nguyễn Thị Mát cho biết: “ Thánh không hiện không thể làm được. Tôi là người cẩn thận, tằn tiện, xây thành đắp lũy cho chồng cho con nhưng khi làm việc Thánh thì trong tâm phải có tâm Phật, tâm Thánh thì mới làm được việc đó. Người ẩn bóng của mình thì là hầu bóng. Ra ngoài thì gọi là ông đồng, bà đồng. Cái bóng của nhà ngài nhập vào cái tâm thì mình mới dám bỏ tiền ra phát lộc”.
Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Tôn thờ người Mẹ, đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi, sáng tạo. Nó không giống các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi. Thờ Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần có sức khỏe, tiền tài, quan lộc.
Sự trở lại của tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay đã mang lại một diện mạo mới cho đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt, góp phần quan trọng bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang lập hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phần nào khẳng định những giá trị cần phải bảo tồn, phát huy của tín ngưỡng này. Ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết: “Trước hết khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu là nét riêng của người Việt. Thứ hai tính ngưỡng thờ mẫu mang tính nhân văn, tính giáo dục rất là cao. Thứ ba là sức sống. Cho nên nhiều nhà nghiên cứu đều nói các hoạt động của tín ngưỡng thờ mẫu là bảo tàng sống, không nằm trong sách vở, sống trong thực hành nghi lễ rất là sôi động. Đấy là yếu tố cơ bản để đệ trình Unseco công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Trong cuộc sống đương đại, tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển mạnh mẽ ở các đô thị và mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng riêng và thu hút được sự quan tâm của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Năm 2009, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức tại đền Lảnh Giang, Duy Tiên, Hà Nam. Năm 2010 Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu khu vực đồng bằng Sông Hồng lần thứ nhất được tổ chức tại Thiền viện Trúc Lâm, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu lần 2 vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, thu hút hơn 170 thanh đồng, nhóm thực hành nghi lễ của Hà Nội và các tỉnh, thành khác tham gia, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống đương đại./.