(VOV5) - Tổng Bí thư Lê Duẩn là người có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ở ông có sự kết hợp hài hòa giữa phẩm chất của một nhà lãnh đạo luôn hy sinh phấn đấu vì lợi ích cao cả của dân tộc với tấm lòng nhân ái, đôn hậu, thủy chung và tình yêu thương tha thiết dành cho đồng bào.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau khi hiệp định Genève được ký kết năm 1954, nhận định trước tình hình, năm 1956, với vai trò là Bí thư xứ ủy Nam bộ, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết “Đề cương cách mạng miền Nam” đề cập vấn đề bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang. Trong thời điểm cách mạng miền Nam bị đàn áp, cần phải có một lực lượng vũ trang mạnh mới có thể đảm bảo cho cuộc đấu tranh chính trị thành công, ông đã chủ trương và đề xuất với Trung ương ra Nghị quyết 15. Nghị quyết đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển đi lên của cách mạng Miền Nam là phải dùng bạo lực cách mạng, phải chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang, để đưa phong trào thoát khỏi tình thế hiểm nghèo. Chính nghị quyết 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, xoay chuyển tình thế, dẫn đến các cuộc “đồng khởi" oanh liệt của toàn miền Nam năm 1960. Tiến sĩ sử học Trần Thị Nhung khẳng định: “Sự bùng nổ của phong trào đồng khởi ở miền Nam dẫn đến kết quả cuối cùng là người dân và lực lượng cách mạng đã làm chủ phần lớn nông thôn miền Nam lúc đó. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn trong đường lối của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong việc buộc phải chuyển phương thức đấu tranh sang đấu tranh vũ trang bạo lực để lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm”.
Tư tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn chứa đựng trong tác phẩm “Thư vào Nam”. Cùng với chủ trương dùng bạo lực cách mạng, Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không chỉ đấu tranh vũ trang đơn thuần mà chúng ta phải kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang thì mới chiến thắng. Ông luôn nhấn mạnh: Chúng ta hoạt động vũ trang, thực hiện các trận đánh, các chiến dịch để tiêu diệt đối phương, đó chỉ là một mục tiêu, còn mục tiêu thứ hai là giành đất, giành dân. Nếu không giành đất, giành dân thì không có chỗ đứng, không có sự ủng hộ của dân thì không có sự cung cấp về hậu cần và lực lượng bổ sung trong cuộc đấu tranh. Nhờ quan điểm này mà các lực lượng bám trụ tại các vùng ở miền Nam, từ nông thôn rồi dần tiến về thành phố, để từ đó tận dụng thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, nêu rõ:“Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoạch định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng lực lượng và tiềm lực của cuộc kháng chiến. Cùng với đó, xây dựng lực lượng vũ trang, đề ra cách thức đấu tranh vũ trang một cách hợp lý, phù hợp trong mối tương quan chung với các hoạt động đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận, đấu tranh ngoại giao, để chúng ta từng bước đánh đổ các chiến lược, chiến tranh của các thế lực xâm lược”.
|
Đối với phong trào cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn - được mệnh danh là “Ông hai trăm Bu-gi” - có nhiều suy nghĩ, chủ trương, cách làm độc đáo, sáng suốt (Ảnh: Báo Tin Tức) |
Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có những đóng góp rất to lớn cho cách mạng, thể hiện ở những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, trước thực trạng khó khăn của đất nước vừa trải qua hàng chục năm chiến tranh tàn phá nặng nề, với trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn tìm những bước đi, những cách làm mới để đưa đất nước vượt qua khó khăn. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: “Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn trăn trở tìm những bước đi, những cách làm mới, cùng Trung ương Đảng không ngừng tổng kết thực tiễn trong hành trình xây dựng một xã hội hoàn toàn mới về chất, chưa có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tạo nền móng cho công cuộc đời mới đất nước, được Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng năm 1986”.
Nhấn mạnh vai trò của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong việc khẳng định đường lối độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Người cộng sản chúng ta nói đến giai cấp cũng tức là nói đến dân tộc. Ý thức dân tộc càng đúng đắn bao nhiêu thì quan điểm giai cấp càng đúng đắn bấy nhiêu. Ngược lại, lập trường giai cấp vô sản càng đúng đắn bao nhiêu thì càng nắm được vấn đề dân tộc bấy nhiêu. Nói giai cấp mà không nói đến dân tộc là nói suông. Nếu không có ý thức dân tộc không thể làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nói đến lập trường nhằm mục đích xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam mới cho dân tộc Việt Nam chứ không phải giành quyền lợi riêng cho giai cấp vô sản”
Tổng Bí thư Lê Duẩn với nhân cách cộng sản mẫu mực, là người học trò xuất sắc, người cộng sự gần gũi và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công lao của ông đối với cách mạng Việt Nam được lịch sử ghi nhận và nhân dân Việt Nam lưu giữ.