(VOV5) - Bắc Hà vốn nổi tiếng với chợ ngựa, giải đua ngựa truyền thống độc đáo,.
Huyện Bắc Hà nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai. Nơi đây có bốn mùa mây giăng trắng phủ khắp các núi cao, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và cùng với các di tích lịch sử, những nét văn hoá, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số... Bắc Hà đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá.
Nghe âm thanh tại đây:
Nếu như mùa xuân, vùng đất Bắc Hà nở trắng hoa mơ, hoa mận, hoa lê và được du khách mệnh danh là Cao nguyên trắng... thì bắt đầu từ tháng 6, du khách đến Bắc Hà sẽ được trải nghiệm từ những vườn cây trái chín mọng khắp bản làng. Thời điểm nay, Bắc Hà thường tổ chức đua ngựa, Lễ hội truyền thống và đã trở thành thương hiệu gắn liền với địa danh cao nguyên trắng, nên càng có nhiều du khách lên đây.
Với đồng bào các dân tộc nơi đây, ngựa là con vật nuôi không thể thiếu trong mỗi gia đình để vận chuyển lúa ngô từ nương rẫy về nhà và các mặt hàng nông sản ra chợ bán. Cứ mỗi lần xuống chợ các chàng trai người Mông, Tày, Nùng, Dao, Phù Lá đều dắt con ngon ngựa bên mình.
Sắc trắng tinh khôi của mùa hoa mận Bắc Hà-Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng |
Khi chợ gần tan cũng là lúc họ rủ nhau cưỡi ngựa để thi thố với nhau, rồi dần dần sau này tổ chức thành lễ hội đua ngựa lớn như hiện nay. Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hoá-Thông tin huyện Bắc Hà, cho biết Lễ hội đua ngựa Bắc Hà mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và từ năm 2007 đến nay lễ hội này luôn là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa du lịch hàng năm của huyện: "Phải khẳng định đua ngựa của Bắc Hà là một trong những nét đặc sắc nhất. Có lẽ cũng không có đâu có, đó là đua ngựa không có bảo hộ, không có yên. Và những chú ngựa không phải là những chú ngựa đua chuyên nghiệp, mà những chú ngựa là đang thồ hàng. Người đua ngựa, nài ngựa là nông dân vào mùa thì trở thành một kỵ sĩ, du khách nào đến cũng thấy đặc sắc.
Những nài ngựa ở Bắc Hà đều là những người nông dân đích thực. Hàng ngày họ vẫn ở nhà làm ruộng vườn, trồng ngô trên nương, chăm sóc vườn mận, vẫn dùng ngựa để thồ hàng và nông sản, chỉ khi gần đến ngày đua ngựa thì họ chăm sóc, tập luyện. Anh Vàng Văn Lâm, dân tộc Tày, xã Na Hối, một người đã nhiều năm tham gia đua ngựa, cho biết: "Em tham gia lần thứ 7 rồi. Ngựa mới, đổi ngựa liên tục mà. Chế độ ăn nó phải khác, cỏ bình thường, đặc biệt thích cỏ non, có cám ngô, chứ ngô hạt tầm này đang tập chưa dám cho ăn mấy. "
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà mang đậm các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Ảnh: TTXVN |
Vào dịp lễ hội đua ngựa, du khách nên đến các bản làng tham quan trải nghiệm để tìm hiểu thêm những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc. Đặc biệt, du khách có thể ghé chợ phiên Bắc Hà, nơi hội tụ văn hoá, ẩm thực của các dân tộc vùng cao nguyên trắng. Trước đây, chợ phiên vùng cao Bắc Hà chính là nơi giao lưu hàng hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng. Ngày Chủ nhật, đồng bào vùng cao đến chợ không chỉ mang theo hàng hóa, mà còn mang nét đẹp của dân tộc mình để tô thêm sắc màu cho phiên chợ. Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà, cho biết đến chợ phiên, du khách sẽ được nhìn ngắm những gương mặt thuần phác trong bộ trang phục truyền thống của 18 dân tộc nơi đây: "Chợ phiên Bắc Hà được đánh giá là 1 trong 10 chợ đặc sắc nhất của Đông Nam Á, riêng có nhất của Việt Nam. Ở chợ Bắc Hà, các giá trị bản sắc văn hóa được thể hiện rõ nét nhất. Cho nên du khách nào khi đến với Bắc Hà thì cũng chờ đến chợ phiên để được đi trải nghiệm, được hòa mình vào trong không gian văn hóa đặc sắc của 14 dân tộc cùng sinh sống."
Chợ phiên Bắc Hà nằm giữa trung tâm thị trấn Bắc Hà. Trước đây, chợ nằm trên một quả đồi nhỏ nhưng nay đã được đầu tư xây dựng lại với những khu nhà khang trang và khoảng trống rất rộng. Ông Bùi Văn Vinh cho biết thêm: "Chợ Bắc Hà không phải là đơn thuần, người dân thì không phải là đi chợ mà là đi chơi chợ. Thứ hai là chợ Bắc Hà là chợ trong chợ, có nghĩa là ngoài tổng thể là một cái chợ ra thì còn có rất nhiều những khu riêng biệt để tạo ra sản phẩm mà du khách đến không muốn về. Có nhiều du khách lên với Bắc Hà cũng chỉ đi được một số địa điểm cho nên du khách vẫn háo hức và tò mò và tiếp tục sẽ lên lần sau."
Chợ phiên Bắc Hà là bức tranh đa sắc màu thể hiện đời sống của người dân bản địa. Trong phiên chợ nhộn nhịp, nơi đông vui nhất vẫn là khu ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống của đồng bào vùng cao, như: thắng cố ngựa, mèn mén, phở chua, óc đậu (còn gọi là tẩu chúa) bánh đúc ngô, xôi ngũ sắc…
Trong đó, đặc sắc nhất là món thắng cố. Để làm ra được món ăn truyền thống này, việc lựa chọn nguyên liệu và các loại gia vị hết sức quan trọng. Trước khi nấu thịt, lòng, gan, phổi ngựa phải được ướp những gia vị, như: thảo quả, xả, gừng, ớt. Sau đó đảo thịt bắt đầu chín thì cho nước và hồi, quế, lá thơm (người Mông gọi là pờ ka, còn tiếng phổ thông thường gọi là lá cây thắng cố). Sau khoảng một đến hai tiếng đun là đã có nồi thắng cố thơm ngon.
Chị Lù Thị Tươi, dân tộc Nùng ở xã Na Hối, Chủ thắng cố A Dào ở chợ phiên Bắc Hà, chia sẻ: "Gia đình em thì nấu thắng cố từ lâu lắm. Từ lúc bé theo bố em đi chợ đến bây giờ rồi, tức là bố em, ông em ngày xưa cũng nấu, nhưng không nấu thường xuyên ở chợ, xong rồi đến bố em, bố em bây giờ nhiều tuổi rồi thì lại chuyển nhượng cho em thì em lại tiếp tục vào nghề truyền thống. Em cũng đang cố gắng chọn những con ngựa tốt nhất và ngon nhất để mọi người gần xa đến du lịch sẽ được thưởng thức những món thắng cố đúng với bản sắc, vừa sạch sẽ, vừa ngon."
Bắc Hà vốn nổi tiếng với chợ ngựa, giải đua ngựa truyền thống độc đáo, bởi thế thắng cố ngựa cũng là một nét văn hoá ẩm thực thu hút nhiều du khách đến chợ phiên để thưởng thức. Bản sắc dân tộc, nét đẹp các lễ hội truyền thống, sự đa dạng các loại mặt hàng, sản vật vùng cao, sự phong phú về ẩm thực trong chợ phiên đã tạo nên sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước đến Bắc Hà ngày một nhiều hơn.