(VOV5) - Khu trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội" chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2016. Đây được xem là Bảo tàng Khảo cổ học đầu tiên tại Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trưng bày "Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” với 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật khảo cổ của nhiều thời kì, nằm chồng xếp lên nhau. Để tạo nên sự kết nối hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, Nhà nước Việt Nam chủ trương dành một phần diện tích dưới tầng hầm của toà nhà làm nơi trưng bày những khám phá khảo cổ học về khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, nhằm tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo, góp phần quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long với du khác trong nước và quốc tế. Nội dung chính của khu Trưng bày giới thiệu một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật được tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội vào những năm 2008-2009 dưới 2 tầng hầm của tòa nhà. Trưng bày được thể hiện theo thời gian niên đại. Phương pháp trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là trọng tâm, di vật được xem là các hạt nhân được trưng bày ngay trong lòng các di tích. Cách trưng bày này nhằm đem lại những cảm xúc và ấn tượng mạnh qua từng không gian trưng bày.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi nuôi dưỡng ý tưởng làm sao tái hiện được di tích này sống động nhất, dễ hiểu nhất, đem lại cho công chúng một cảm nhận sâu sắc nhất và hình dung được những giá trị phát hiện khảo cổ học, hiểu được quy mô của các công trình kiến trúc cũng như kĩ thuật xây dựng, cùng các loại vật liệu tìm thấy tại di tích".
|
Hiện vật khảo cổ thời Lý-Trần được trưng bày |
Trong không gian trưng bày ở mỗi tầng hầm đều có những điểm nhấn tạo nên tính độc đáo, riêng biệt, đồng thời những câu chuyện kể về lịch sử phát hiện dưới lòng đất về Kinh đô Thăng Long xưa. Ý tưởng trưng bày ở đây là phân theo địa tầng khảo cổ học, theo diễn biến thời gian từ trước đến sau, nên tầng hầm 2 trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi Vua Lý Công Uẩn hạ Chiếu dời đô về đây; tầng hầm 1: Trưng bày thời kỳ Thăng Long, tức là sau 1010, sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô. Ở mỗi một tầng hầm, trong mỗi một không gian, lại có những điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, những ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, nhấn mạnh: "Đây là những hình ảnh đầu tiên để chúng ta cảm nhận sâu hơn về kiến trúc cung điện nhà Lý. Chúng ta có thể hoàn toàn tự hào rằng nhà Lý đã sáng tạo nên một nền kiến trúc mang bản chất rất riêng biệt, với trình độ xây dựng rất tiên tiến và đặc sắc. Điều này thể hiện rất rõ qua các loại hình vật liệu trang trí trên bộ mái kiến trúc, kĩ thuật xây dựng nền móng các công trình kiến trúc".
Khu vực trưng bày còn có hai bức tranh tường có kích thước lớn, được lắp ghép từ chính mảnh vỡ của các loại gạch ngói khai quật được tại khu di tích, nhằm khắc họa về lịch sử quá trình xây dựng Kinh đô Thăng Long. Đó là bức tranh "Rồng bay" và "Bình minh Thăng Long" do nữ tác giả Bùi Thu Trang sáng tác. Bức tranh "Rồng bay" được khơi nguồn từ hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về sự kiện năm 1010. Tác phẩm "Bình minh Thăng Long" được lấy cảm hứng từ hình tượng lá đề và đầu ngói ống trang trí hoa sen lợp trên mái kiến trúc cung điện thời Lý để biểu đạt hình tượng về lịch sử khai sáng Kinh đô Thăng Long vào mùa thu năm 1010 cùng sự tỏa sáng rực rỡ của nền văn hóa Đại Việt kể từ vương triều Lý.
Khu trưng bày những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội” là kết quả làm việc sau gần 4 năm của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Những di tích, hiện vật được bảo quan nguyên gốc, tạo ra một không gian trưng bày có tính khoa học khảo cổ mang tầm quốc tế. Khu trưng bày thể hiện sự tiếp nối truyền thống, một hình ảnh trung tâm quyền lực chính trị đất nước hòa nhập cùng dòng chảy lịch sử dân tộc.