(VOV5) - Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tâm niệm phải hoàn thành nhiệm vụ cao cả, đó là bảo vệ bầu trời, đem lại bình yên cho đất nước, cho nhân dân.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát là một trong những huyền thoại của lực lượng không quân Việt Nam. Chuyên điều khiển máy bay MiG-21, ông là một trong số những phi công có tài xạ kích giỏi nhất Việt Nam, từng bắn hạ 6 máy bay Mỹ trong các trận chiến, được xếp vào danh sách những phi công ưu tú hạng Ace của lực lượng không quân Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Ôi bầu trời xanh thân yêu! Có thể ví tình yêu của ta với người với ai được không? Không, không thể được! Với ta, người là tất cả! Từ nay, người mãi mãi là đồng hành trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ta! Đây là những cảm xúc đầu tiên được người lính trẻ Nguyễn Đức Soát, khi ấy mới 20 tuổi, ghi lại trong cuốn nhật ký của mình sau 8 tháng tham gia lực lượng không quân Việt Nam.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Đức Soát.
Ảnh Lê Phương |
Với sức trẻ, nhiệt huyết thanh xuân khi đó, ông luôn mong rằng: “Làm sao mình có thể bay được cả cuộc đời, bay đến lúc mà sức khỏe không cho phép nữa thì thôi”. Đó vừa là ước mơ cũng vừa là nguyện vọng, là mục tiêu để chiến sỹ Nguyễn Đức Soát phấn đấu trong suốt cuộc đời binh nghiệp sau này. Ông kể lại:"Thuở ấy, tôi mới 19, 20 tuổi nhưng đã viết như vậy vì rất yêu bầu trời và tận sau này nữa, suốt đời tôi luôn mong cho bầu trời quê hương luôn bình yên. 37 năm tôi gắn bó với quân chủng phòng không, làm công tác bảo vệ bầu trời nên gắn bó với bầu trời, cảm thấy bầu trời luôn gần gũi. Chính tình cảm này đã giúp tôi đứng vững được trong suốt ngần đó năm."
Chiến sỹ Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), nhập ngũ tháng 07/1965, năm 19 tuổi. Ngay năm đó, ông cùng 59 học sinh, sinh viên Việt Nam được cử sang Liên xô học lái bay MiG-21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô lúc bấy giờ. Sau hơn 2 năm học tập tại nước ngoài, ông cùng các đồng đội trở về, lập tức được tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1969, chiến sỹ trẻ Nguyễn Đức Soát, khi ấy mới 23 tuổi, đã lập chiến công đầu tiên của mình khi bắn rơi chiếc máy bay không người lái của không quân Mỹ. Đặc biệt, năm 1972 như một dấu ấn, một mốc thời gian không thể quên đối với Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
Ông nhớ lại: "Ngày 23/05/1972, tôi gặp máy bay có người lái của Mỹ. Trận này tôi đánh từ sân bay Gia Lâm, đánh bảo vệ thành phố Nam Định. Chuyến bay này từ lúc cất cánh tới lúc hạ cánh chỉ 15 phút, tôi đã bắn rơi máy bay A-7 của Mỹ. 1 tháng sau, ngày 24/06/1972, 2 người chúng tôi, tôi và đồng đội Ngô Duy Thư, tấn công vào đội hình 24 máy bay F-4 của Mỹ. Đây là đội hình mang bom đi đánh Thái Nguyên. Chúng tôi làm tan tác đội hình của họ và mỗi người bắn rơi 1 chiếc máy bay F-4. Ngày 27/06, chúng tôi lại đánh trận khác và tôi bắn được 1 chiếc F-4. Tiếp đó, ngày 26/08, tôi bắn rơi máy bay của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Đây là chiếc máy bay duy nhất của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ bị bắn hạ trong chiến tranh tại Việt Nam."
Ngày 12/10/1972, phi công Nguyễn Đức Soát bắn rơi chiếc máy bay thứ 6, trong đó có 5 chiếc bị bắn hạ chỉ riêng trong năm 1972 - một chiến công không phải bất kỳ người lính trẻ nào cũng có thể thực hiện được vào thời điểm lúc bấy giờ.
Cũng trong năm 1972, Mỹ mở chiến dịch Linebacker II đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong chiến dịch này, Mỹ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của họ khi đó là pháo đài bay B-52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm huỷ diệt xuống các tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tran
Phi công Nguyễn Đức Soát đã cùng các đồng đội hiệp đồng tác chiến cùng các đơn vị khác kiên cường chiến đấu bảo vệ bầu trời thủ đô Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm, từ ngày 18 - 30/12: "Khi đứng trên cửa hầm sân bay Đa Phúc nhìn về thủ đô, thấy những quầng lửa nổi lên, đạn cao xạ, tên lửa bắn lên đỏ trời thấy thương nhân dân mình. Nếu như 3 chiếc B52, mỗi chiếc mang theo 104 quả bom trong bụng máy bay và 18 quả đeo ở bên ngoài, chỉ cần 3 chiếc rải 1 vệt dài khoảng 2km2 thì sẽ không còn gì ở dưới nữa. Khi đó, không biết tổn thất sẽ lớn như thế nào. Nên chúng tôi luôn nghĩ rằng mình phải làm thế nào để ngăn chặn không cho máy bay vào gần mục tiêu, để bom đạn không rơi vào dân mình. Ý chí chiến đấu của chúng tôi lúc đó là như vậy, và không ai nghĩ đến bản thân mình nữa."
Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom. Trận chiến khốc liệt là vậy, nhưng với tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm bảo vệ vùng trời quê hương, phi công Nguyễn Đức Soát cùng các đồng đội đã kiên cường chiến đấu chống lại không lực hiện đại của quân đội Mỹ:
"Ngay đêm đầu tiên của chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm, 6 - 7 sân bay của ta bị Mỹ ném bom để ngăn chặn không cho không quân Việt Nam cất cánh. Chúng tôi đã phải cất cánh cả trên những đường lăn dài chỉ khoẳng 16m, hai bên đầy hố bom, chỉ cần chạy lệch ra ngoài một chút thôi là tai nạn. Dịp ấy, tôi đang là Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn không quân chiến đấu 927. Ngày 22/12/1972, với tư cách là Đại đội trưởng, tôi là người đầu tiên cất cánh chiến đấu để bảo vệ trận địa tên lửa. Trận đánh hôm đó rất ác liệt. Chúng tôi gặp tốp 16 chiếc F-4 và khi tiếp cận tấn công, một số máy bay đeo bom của Mỹ đã thả bom và quần thảo trên bầu trời với chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là nếu không bắn tiêu diệt được địch thì phải xua máy bay địch khỏi đánh trúng trận địa tên lửa của mình. Và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày sau, tôi làm công tác chỉ huy các chiến sỹ chiến đấu. Trong 12 ngày đêm, Đại đội tôi đã bắn rơi được 5 chiếc máy bay các loại, trong đó có 1 máy bay B-52."
Với những chiến công xuất sắc đạt được trong quá trình tham gia chiến đấu cũng như làm công tác chỉ huy, năm 1973, khi mới 27 tuổi, phi công Nguyễn Đức Soát được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
44 năm công tác trong quân đội, từ một người lính trẻ bắt đầu học lái máy bay MiG-21, Trung tướng Nguyễn Đức Soát trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tâm niệm phải hoàn thành nhiệm vụ cao cả, đó là bảo vệ bầu trời, đem lại bình yên cho đất nước, cho nhân dân.