Tượng nhà mồ là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tượng điêu khắc gỗ và gắn chặt với đời sống tâm linh người Tây Nguyên...
Có một thời, người ta phải ngạc nhiên,
sững sờ khi được ngắm những bức tượng nhà mồ giữa sương gió, mưa bụi.
Mỗi bức tượng là một tác phẩm duy nhất, được đặt nơi linh thiêng, lặn
vào từng thớ gỗ ru giấc ngủ cho người về bên kia thế giới, về với rừng.
Tượng nhà mồ gắn liền với đời sống tâm
linh của đồng bào dân tộc Tây Nguyên là vậy nhưng giờ đây tục làm tượng
nhà mồ Tây Nguyên đang phải đối diện với nguy cơ bị mai một. Thay vào
những bức tượng chỉ có một không hai là những tượng gỗ được sản xuất
hàng loạt, không gian dựng tượng cũng không còn vì bị bê tông hóa.
Đã một thời, khoảng 20 năm về trước, nhà
văn Nguyên Ngọc khi đến làng Hà Tam, Gia Lai đã từng sững sờ khi nhìn
thấy những pho tượng gỗ rừng già. Sững sờ là bởi hình ảnh đời sống, sinh
hoạt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên được thổi hồn qua bàn tay lao
động, sức sáng tạo trong một phút “khao khát tự bộc lộ, tự bóc mình ra,
đột ngột ập đến”. Mỗi bức tượng là một tác phẩm duy nhất - “đến rồi đi,
có khi mãi mãi, mãi mãi không bao giờ người nghệ sĩ tài ba bất thần một
phút còn sáng tác được nữa”. Đó là những hoài niệm mà nhà văn kể lại
trong bút kí “Các bạn tôi ở trên ấy ”. Còn bây giờ, tượng nhà mồ và
những người làm nên nó đã khác.
|
Một nghệ nhân Tây Nguyên đang hoàn thiện tác phấm tượng nhà mồ tại Ngày hội đoàn kết các dân tộc vừa được tổ chức ở Đồng Mô.
|
Một người lớn tuổi như ông Blong Viên,
Kon Tum mới tập làm tượng nhà mồ 2 năm trở lại đây cho biết, đến tuổi
già mới có kinh nghiệm để làm, còn lớp trẻ chưa làm được. Ông học tạc
tượng ở trường cơ khí chế tác trong 2 tháng rồi được cử tham gia Ngày
hội đoàn kết các dân tộc vừa được tổ chức ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội (từ
ngày 18-24/11).
Tượng nhà mồ là một trong những sản phẩm
tiêu biểu của tượng điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên. Vẻ đẹp thô mộc,
giản dị, khỏe khoắn, tuyệt đối không có sự can thiệp của công nghệ cũng
như màu sắc công nghiệp làm nên nét tự nhiên, độc đáo cho mỗi bức tượng.
Tượng nhà mồ gắn chặt với đời sống tâm linh, được dựng lên trong lễ bỏ
mả, tiễn biệt con người trở về với núi rừng đại ngàn, cũng như lời chia
tay cuối cùng giữa người sống và người chết.
Thế nhưng, với ông A Pur phường Tân Lập,
thành phố Buôn Ma Thuột thì từ lâu, tượng nhà mồ không còn hiện diện
tại nơi ông sinh sống. Thành phố đang phát triển, lấy đâu ra không gian
để có nhà mồ, tượng nhà mồ.
Với mong muốn gìn giữ nghệ thuật tạc
tượng gỗ Tây Nguyên nói riêng thì những dịp như ngày hội văn hóa được tổ
chức hàng năm thực sự quý để giúp mỗi người, đặc biệt là lớp trẻ hiểu
thêm về giá trị truyền thống.
|
Tượng nhà mồ gắn chặt với đời sống tâm linh
người Tây Nguyên, được dựng lên trong lễ bỏ mả, tiễn biệt con người trở
về với núi rừng đại ngàn.
|
Nhưng như lời của anh Phan Văn Hoàng -
Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Kon
Tum, một khi rừng đã xa dần với cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây
Nguyên, thay vào đó là các loại cây công nghiệp, những ngôi mộ được kiên
cố hóa thì tượng nhà mồ không còn ý nghĩa, không còn hồn với họ nữa. Và
tất nhiên, không khí ồn ào của buổi liên hoan với tiếng xẻ gỗ bằng máy,
tiếng đục, đẽo cũng khác hẳn với không khí linh thiêng mà nghệ nhân tạc
tượng nhà mồ từng đắm mình trước kia.
“Nếu như gắn liền với nhà mồ thì sẽ
không có những ồn ào và hồn tượng sẽ khác. Còn ở đây, mang tính chất là
một cuộc liên hoan nhằm mục đích khôi phục, trưng bày triển lãm nên các
bức tượng cũng sẽ khác. Ở nơi linh thiêng của họ thì tâm niệm của từng
nghệ nhân sẽ khác nên khi làm việc họ sẽ âm thầm lặng lẽ chứ không phải
như thế vậy”- anh Phan Văn Hoàng cho biết.
Theo ông Bùi Văn Khối - Trưởng phòng
Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk, giống
như người Kinh, “sống cái nhà, già cái mồ” thì với bà con dân tộc Tây
Nguyên, trong đó phải kể đến Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng... cũng vậy.
Nhưng bây giờ, đến Tây Nguyên, người ta sẽ chẳng lạ lẫm gì khi thấy
những “nhà mồ” bằng bê tông, tượng gỗ được sản xuất hàng loạt.
“Hiện nay môi trường bị phá vỡ, trước
đây bà con làm nhà mồ bằng tranh, bằng gỗ tạc tượng và chia của. Nhưng
hiện nay đối với Tây Nguyên, cái tranh, cái gỗ ấy không còn nữa. Bây giờ
mọi thứ bị thay bằng bê tông hóa. Hơn nữa, về điều kiện đất đai, trước
đây rộng rãi, mỗi làng đều có khu vực riêng nhưng bây giờ đất đai bị hạn
chế nên nhà mồ của bà con bị giao thoa giữa người Kinh với người dân
tộc, nên không còn nét đặc thù. Tất nhiên hiện nay cũng còn nhưng còn
rất ít” - ông Bùi Văn Khối chia sẻ.
Tượng nhà mồ có hồn hơn khi nó được phủ
lên mình lớp lớp gió bụi của thời gian, “khi nó hoàn toàn vô tư, chưa bị
bất cứ mục đích thực dụng nào tha hóa”. Nên chăng hãy làm một phép so
sánh giữa hiện tại và những hoài niệm hơn hai mươi năm về trước. Thử
hỏi, khi nghĩ đến việc có người Tây Nguyên học đẽo tượng (chứ không phải
tạc tượng) rồi cũng không còn không gian cho tượng nhà mồ thì lấy đâu
ra những tác phẩm dân gian tuyệt vời như nhà văn Nguyên Ngọc từng trầm
trồ, xuýt xoa, ngưỡng mộ nữa.
Trở lại mảnh đất gắn bó hơn nửa cuộc
đời, nhà văn từng đau lòng thốt lên: “Ở Hà Tam bây giờ có thể mua được
tượng gỗ rồi, sản xuất hàng loạt”. Phải rồi, “cuộc sống đi tới”, con
người cũng phải đi lên. Nhưng người ta quên mất rằng, với con người Tây
Nguyên, tượng nhà mồ là nghệ thuật. Mà nghệ thuật là đời sống, cách
sống, là hơi thở, tuyệt đối không phải là một nghề./.
Phương Thúy/VOV