(VOV5) - Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử trải dài gần 20km thuộc địa phận hai phường Phương Đông và Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Nằm trong cánh cung núi rừng trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử từ lâu đã nổi tiếng với chùa Đồng được đặt ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Khu di tích danh thắng nơi đây bao gồm cả một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên
Nghe nội dung chi tiết tại đây
Giữa cái nắng chang chang của mùa hè oi ả, còn gì tuyệt vời hơn khi được dạo bước vào khu di tích danh thắng Yên Tử. Những làn gió dịu mềm phả vào mặt, rồi màu xanh mát mắt của bạt ngàn cây cỏ nơi đây khiến trong lòng mỗi du khách như thấy dịu lại. Bao lo toan, buồn phiền dường như tan biến, chỉ còn lại mình với sự hùng vĩ của thiên nhiên.Yên Tử là nơi tu hành đắc đạo của nhiều bậc cao tăng cuối thời Lý và đầu thời Trần như Thiền sư Hiện Quang, Đạo Vân, những Quốc sư hai triều Trần Nhân Tông, Thánh Tông. Nơi đây được coi đất Phật sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi đi tu 10 năm tại Yên Tử lập ra thiền phái Trúc Lâm, trở thành vị Tổ đầu tên của thiền phái Việt Nam. Đại đức Thich Tuệ Phúc, phó trụ trì của Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, cho biết: “Nói đến ngôi chùa là nói đến dòng thiền trúc lâm Yên Tử. Vào thế kỷ thứ 14, vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 của nhà trần, năm 35 tuổi, ngài nhường ngôi cho con trai là vua Anh Tông làm thái thượng hoàng, cố vấn cho con 6 năm , đến 41 tuổi, ngài từ bỏ tất cả lên núi Yên Tử để xuất gia tu hành. đạo phật truyền sang Việt Nam từ thế kỷ 1, 2 nhưng đá số từ Ấn Độ sau này có tông phái nhưng chưa có gì là phật giáo VN cho nên ngài Trần Nhân Tông xuất gia thành nhà sư, gom lại các tông phái sáng lập ra dòng thiền trúc lâm Yên Tử”.
Vào hè, danh thắng Yên Tử không chỉ đón du khách thập phương mà còn rộng cửa tiếp đón nhiều đoàn học sinh, sinh viên về đây nghe thuyết giảng giáo lý nhà Phật. Đại đức Thích Tuệ Phúc, cho biết: “ Thiền là cách tu chuyển hóa tâm linh, giác ngộ. Nhất là mùa hè khi mà học sinh, sinh viên nghỉ các thầy cũng tạo điều kiện cho các em về đây tu tập, có thời gian ở chùa, có cái nhìn chín chắn hơn để khi trở về gia đình sẽ là người con, người công dân tốt”.
Con đường lên núi Yên Tử giờ thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu bạn không có nhiều thời gian thì chọn cáp treo làm phương tiện di chuyển. Mất gần hai giờ đồng hồ, vượt dốc đá cheo leo, là đã chinh phục được đỉnh núi Yên Tử. Hệ thống cáp treo giúp du khách rút ngắn được nửa thời gian trong hành trình lên cõi Phật. Ông Lê Trọng Thanh, Phó giám đốc công ty Tùng Lâm, quản lý, vận hành cáp treo, cho biết: “Đặc thù ở đây là đông khách vào ngày thứ 7 và chủ nhật, đó là thói quen của du khách đi chùa Yên Tử bao năm nay. Dựa vào thói quen đó công ty có kế hoạch phục vụ cho khách chu đáo, hướng dẫn du khách về các chùa, am, tháp, hướng dẫn đường lên, xuống tránh ùn tắc”.
|
Những du khách có thời gian vãn cảnh đến với đất thiền thì chọn cách đi bộ để lên đến chùa Đồng. Con đường bắt đầu từ suối Giải Oan ngoằn ngoèo lượn khúc, nước trong vắt chảy róc rách qua những viên đá bóng nhẵn. Nơi đây, vua Nhân Tông cho lập ngôi chùa siêu độ để giải oan, cho chúng sinh không may găp nạn. Chùa ẩn mình trong những lùm cây soi bóng xuống suối trong uốn quanh trước mặt.
Dọc hành trình lên chùa Đồng, du khách dừng chân vào thắp hương khấn phật tại Chùa Hoa Hiên, am Ngọa Vân, chùa Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiên... Đây là những chặng dừng chân đặt lễ của du khách thập phương trong hành trình gian nan lên đỉnh núi cao 1068 m. Bách Hợp, một khách thập phương chia sẻ: “Khi lên chùa đồng thời điểm lên là 5h sáng cảm giác trời đất tối đen nhưng mình thấy rất vững tâm. Trước đây cứ nghĩ đi chùa chiền nó khác, quả thực khi đi lên Yên Tử, em cảm thấy cảnh quan sạch sẽ, đúng như lên cõi phật, mọi thứ đều thanh tịnh.
Đến chùa Đồng, phật tử hay du khách đều có cảm giác mãn nguyện như bước vào chốn đào viên, nơi Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền đạo cho chúng sinh ở cõi nhân gian./.