Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; đầu tư cho văn hóa, văn nghệ song song với đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững… Những hoạt động này khởi nguồn và được định hướng từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Nghị quyết Hội nghị Võng La (tháng 2/1943) trong tập 7 Văn kiện Toàn tập Đảng cộng sản Việt Nam có ghi: "Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, đặng gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc chống lại văn hoá phát xít thụt lùi”. Nghị quyết này đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với hệ thống 5 nội dung cơ bản, gồm: Cách đặt vấn đề - Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam - Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp - Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam - Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác xít.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông thông tin về các hoạt động quan trọng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam
- Ảnh: VGP/Diệp Anh |
Tầm vóc chỉ đường
Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, lần đầu tiên, Đảng cộng sản Việt Nam phác họa ba thời kỳ phát triển của lịch sử văn hóa Việt Nam đồng thời định danh các xu hướng văn hóa Việt Nam mỗi thời kỳ với đặc điểm, bản chất, phạm vi và vai trò ảnh hưởng khác nhau.
Đảng cũng lần đầu tiên đề ra thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận biện chứng duy vật về văn hóa quốc gia, khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa là một trong ba mặt trận chính trị - kinh tế - văn hóa, đồng thời là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội. Đảng đồng thời đề ra ba nguyên tắc vận động phát triển văn hoá quốc gia dân tộc là: "Dân tộc hoá; Đại chúng hoá; Khoa học hoá " và chỉ ra "Nhiệm vụ cần kíp" của những nhà văn hóa Mác-xít về "Mục đích trước mắt", "Công việc phải làm" và "Cách vận động" để phát triển văn hóa quốc gia, dân tộc. Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phân tích: "Đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng chỉ rõ: Chúng ta cần quan tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Đó chính là 3 lĩnh vực mà người cộng sản phải nắm vững để hoạt động. Trong Đề cương văn hóa 1943 cũng có lý thuyết về văn hóa, tư tưởng, học thuật và nghệ thuật gắn với trí thức. Thực tế là Chính phủ lâm thời đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp tất cả tầng lớp trí thức ưu tú nhất của Việt Nam lúc đó."
Như vậy, tầm vóc của Đề cương về văn hóa Việt Nam là tầm vóc chỉ đường, dẫn dắt về phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam. Đề cương có ý nghĩa như "ngọn đuốc" sáng - một cương lĩnh văn hóa xuyên suốt trong và sau cách mạng giải phóng dân tộc, định hướng phát triển văn hóa Việt Nam từ đó về sau. Ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội, nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và khẳng định luận điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Soi đường cho quốc dân đi
Kế thừa và phát huy tinh thần và phương pháp tư duy của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra các Chiến lược mới về văn hóa Việt Nam phù hợp với mỗi thời kỳ, trong đó có hai "chiến lược" - "cương lĩnh" lớn. Thời kỳ đổi mới và chuyển giao thế kỷ, là Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết 03 ngày 16/7/1998 tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII); Thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33 ngày 9/6/2014 tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI).
Phạm vi của văn hóa trong các "Cương lĩnh" mới ấy được phát triển mở rộng hơn so với Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, bao trùm nhiều lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; Môi trường văn hóa; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn học nghệ thuật; Thông tin đại chúng; Giao lưu văn hóa với nước ngoài; Thể chế và thiết chế văn hóa...
Vị trí, vai trò của văn hóa và quan niệm về phát triển văn hóa quốc gia có thêm những xác định đầy đủ, toàn diện và bao quát, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng nhất là Đảng phải "lãnh đạo được phong trào văn hóa".Trên tinh thần đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam là luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Theo đó, “văn hóa là hồn cốt, bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”...
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Hiền cho rằng: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ quan điểm Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng phát triển và nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu hơn về văn hóa. Trước tình hình mới thì phát triển văn hóa phải có điều kiện, có những sáng tạo và có những bước đột phá để đưa đất nước tiến lên, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế và vị thế vai trò của đất nước hiện nay."
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập mạnh mẽ toàn cầu, nói đến văn hóa là nói đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; nói đến đầu tư cho văn hóa, văn nghệ là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nói đến cách mạng văn hóa là nói đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bước vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội. Tất cả những điều đó được khởi nguồn và được dẫn dắt, kế thừa từ những nguyên tắc vận động (Dân tộc - Khoa học - Đại chúng) trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Theo ánh sáng "soi đường cho quốc dân đi" từ đó, những người làm cách mạng văn hóa Việt Nam ngày nay, noi gương các thế hệ nhà văn hóa Mác-xít Việt Nam đi trước, đã, đang và vẫn mãi tiếp tục "nhiệm vụ cần kíp" hiện thực hóa một nền văn hóa "có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung", để có nền văn hóa "cách mạng nhất và tiến bộ nhất".
Đó là nền văn hóa Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội; đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; tất cả vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người - con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự chủ, tự cường, biết khát vọng đất nước thịnh vượng.