(VOV5) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của đất nước.
Ngày 09/11 hằng năm là Ngày pháp luật Việt Nam, sự kiện nhằm tôn vinh vai trò quan trọng của hệ thống pháp luật trong điều hành, quản lý đất nước, đặc biệt là trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Trong bức tranh tổng thể chung của hệ thống pháp luật, những quy định về phòng, chống tham nhũng là nhân tố không thể thiếu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của đất nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Pháp Luật
|
Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định phòng, chống tham nhũng có vai trò quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước. Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh hơn và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn.
Xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được chú trọng xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng được quy định ngày càng cụ thể. Trong giai đoạn giai đoạn đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương sớm hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, hiệu quả để phòng, chống tham nhũng nên, Hội nghị Trung ương 3 khóa X (năm 2006) đã ra Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trước đó, lần đầu tiên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã luật hóa cụ thể nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập đối với nhóm đối tượng là những người có chức vụ, quyền hạn. Điều này đánh dấu sự thay đổi nhận thức về sự cần thiết phải kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, cán bộ quản lý - chủ thể hàng ngày thực thi quyền lực công trong tiếp xúc với doanh nghiệp, nhân dân.
Với những bước đi thận trọng nhằm thực hiện phòng, chống tham nhũng gắn với ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) kế thừa, phát triển các quan điểm chỉ đạo và tiếp tục định hướng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn….Tháng 11 năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nội dung đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực…
Dưới góc độ các văn bản luật, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 vào các năm 2007, 2012 đã tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện. Gần đây nhất, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đã thông qua Luật sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng - một công cuộc khó khăn vì cuộc chiến ấy “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Với việc thông qua Luật sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, hệ thống chính sách, văn bản pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đồng bộ, ngày càng hoàn thiện.
Nâng cao hiệu quả pháp luật phòng, chống tham nhũng
Với vai trò là nhân tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ với thể chế và hệ thống pháp luật Việt Nam. Các văn bản hướng dẫn dưới luật ngày càng đồng bộ trong hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập; thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt…
Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy triển khai hiệu quả việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV, Khóa XVI; chú trọng nâng cao năng lực trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ nhằm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của Việt Nam. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng được xây dựng đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, sẽ có vai trò quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.