(VOV5) - Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người dùng Internet, chiếm gần 60% dân số, đứng hàng thứ bảy trong các quốc gia trên thế giới sử dụng internet.
Một trong những phát kiến vĩ đại nhất trong lịch sử xã hội loài người là việc phát minh ra internet và phát triển không gian mạng. Phát kiến này mang lại những tiện ích khổng lồ, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người.
Như mọi quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật về quyền và tự do internet nhằm đảm bảo các quyền và tự do cơ bản cho con người, nâng cao khả năng hưởng dụng các quyền con người trên không gian mạng, đồng thời giảm thiểu và loại trừ các khả năng tac động tiêu cực của internet đối với con người. Hệ thống pháp luật này hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã và đang tham gia.
Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 60 triệu người dùng Internet, chiếm gần 60% dân số, đứng hàng thứ bảy trong các quốc gia trên thế giới sử dụng internet. Năm 1982, Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), thừa nhận các giá trị pháp lý về quyền con người trong Luật Nhân quyền quốc tế, trong đó có các quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến. Với trách nhiệm Ủy viên Hội đồng Bảo an và thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam luôn tích cực thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng.
Một cuộc hội thảo trực tuyến về “Luật Quốc tế về Không gian mạng”. Ảnh: Minh Quân/ |
Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và mở rộng quyền và tự do internet là cam kết của Việt Nam để thực hiện thành công Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đên năm 2030 của Liên hợp quốc, do các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có các nhà lãnh đạo Việt Nam và gần 200 quốc gia khác, thông qua năm 2015. Chương trình đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng và thiết lập những tiêu chuẩn mới mang tính toàn cầu nhằm bảo đảm không người dân nào phải chịu thiệt thòi do không được cung cấp hoặc trang bị internet.
Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp đã được quy định ngay từ Hiên páp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và được tái quy định trong tất cả các bản Hiến pháp sau đó. Quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp năm 2013, trong Luật tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 và nhiều luật quan trọng khác của Việt Nam. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Luật Tiếp cận thông tin ban hành năm 2016 quy định cụ thể chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, chủ thể và trách nhiệm cung cấp thông tin, trình tự và thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin, phạm vi thông tin được tiếp cận”. Luật Tiếp cận thông tin có ý nghĩa và giá trị pháp lý quan trọng trong thực hện quyền và tự do internet, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng.
Luật An ninh mạng năm 2018 là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và tự do internet thông qua hệ thống các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông và internet. Luật An ninh mạng kêt hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng. Nguyên tắc này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thiết lập một cơ chế xử lý hài hòa giữa những cơ hội gới hạn quyền với việc đảm bảo quyền và tự do internet. Việc đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền riêng tư và các quyền khác trên không gian mạng cũng được Luật An ninh mạng lựa chọn làm đối tượng điều chỉnh.
Việt Nam đã và đang hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp tiếp cận quyền và tự do internet một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Khung pháp lý về quyền và tự do internet sẽ hướng tới tập trung nhiều hơn đến bảo vệ danh dự, nhân phẩm và lợi ích cá nhân, bí mật đời tư, quyền sử dụng và thụ hưởng internet. Một số quyền liên quan đến tự do internet cũng sẽ được xác định rõ ràng, phù hợp và đầy đủ với tính khả thi cao hơn, bao gồm quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của Nhà nước, quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền dân chủ trực tiếp, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền bày tỏ quan điểm, quyền bí mật đời tư...của công dân.
Không gian mạng và những thách thức của công nghệ 4.0 ngày càng đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ và đúng đắn để bảo đảm quyền tự do internet. Do đó, Việt Nam tập trung hướng tới đảm bảo môi trường pháp lý cho internet trên cơ sở đảm bảo quyền và tự do của con người. Quyền và tự do internet ở Việt Nam đã đến lúc trở thành mục tiêu và động lực của phát triển và phát triển bền vững đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.