(VOV5) - Các tượng đài Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã trở thành di sản, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dấu ấn của Việt Nam ở mỗi quốc gia.
Năm 1987, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất; ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau. Từ đó đến nay, hoạt động tôn vinh chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành ở khắp nơi trên thế giới.
Các đại biểu tham dự Lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại New Delhi, Ấn Độ ngày 1/9/2021. Ảnh: VOV |
Sáng 01/9/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Bộ Ngoại giao Ấn Độ và chính quyền Thủ đô New Delhi trang trọng tổ chức Lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố New Delhi. Nghi thức đặt tượng là một trong những khâu cuối cùng để chuẩn bị cho Lễ Khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ. Tiếp sau đó, trong ngày cuối cùng của tháng 9/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile phối hợp với chính quyền Quận Recoleta, Santiago cùng Viện văn hóa hữu nghị Chile - Việt Nam và Hội nghệ sĩ tạo hình Chile tổ chức trưng bày hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Tới ngày 26/11/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng chính quyền thành phố Marseille tổ chức lễ khai trương biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực Cảng cổ thành phố Marseille, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Pháp đầu tiên vào năm 1911.
Phát biểu tại đây, bà Audrey Garino, Phó Thị trưởng phụ trách các vấn đề xã hội, đoàn kết, đấu tranh chống đói nghèo và bình đẳng cơ hội của thành phố Marseille cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua cuộc đời của mình và những dấu ấn để lại trong lịch sử của thế kỷ 20, đã là một phần lịch sử chung của đất nước và người dân hai nước Pháp và Việt Nam: “Đó là lịch sử mà ngày nay chúng ta nhớ đến, lịch sử đã dẫn dắt Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ thành phố và người dân Marseille trong cuộc đời dài đầy ắp các sự kiện của ông. Tấm biển kỷ niệm này minh chứng cho lịch sử đó và nó sẽ luôn hiện diện ở đây để nhắc nhở chúng ta, cho phép chúng ta kỷ niệm tình bạn chân thành giữa hai dân tộc”.
Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bộ bàn ghế mây giản dị. Ảnh: baotanglichsuquocgia.vn |
Cho đến nay, 22 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh, châu Phi đã có 29 công trình tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm, bảo tàng… tại những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động.
Tính đến nay, có 11 khu tưởng niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, trong đó có 8 công trình ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, 3 công trình tại Pháp, Nga, Đức. Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ nguồn kinh phí của sở tại, điển hình ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào… cho thấy sự trân quý của nhân dân thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Các cơ quan đại diện cũng đã đặt bia, gắn biển đồng tại Singapore, Anh, Slovakia, Ấn Độ và Pháp… nhằm lưu lại những địa danh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, học tập, làm việc hoặc từng đi qua.
Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người trực tiếp tham gia Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài trong suốt 10 năm từ 2009 đến năm 2019, nhận định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cảm hóa đặc biệt và tự nhiên đối với nhân loại: "Ở bất cứ nước nào, ở châu Á, châu Âu hay ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, chúng tôi đến để điều trần, trả lời những câu hỏi, trình bày về việc dựng tượng Hồ Chí Minh thì đều được sự tán thành rất lớn của Hội đồng nhân dân thành phố đấy. Hội đồng thành phố các nước phương Tây là đa đảng nhưng khi nghe chúng tôi trình bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 10 lần tôi đi làm những việc như vậy, không một nơi nào tôi nhận thấy sự phản đối, sự không đồng ý mà là sự tán đồng. Thậm chí khi họ kết luận vấn đề còn nói hay hơn chúng tôi trình bày. Đó là điều mà chúng tôi rất tự hào vì mình được tôn vinh vị Lãnh tụ mà không những dân tộc mình yêu quý mà còn được bạn bè thế giới kính trọng"
Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đi tới 56 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, việc đặt tên trường học, lớp học mang tên "Hồ Chí Minh" cũng được thực hiện tại một số quốc gia như Nga, Ukraine, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico và Cuba. Hiện có 20 con đường, đại lộ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt là mặc dù thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và lưu lại không lâu tại một số nước Bắc Phi nhưng đã để lại trong lòng người dân nơi đây sự ngưỡng mộ. Công tác xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được quan tâm, trong đó có gần 40 cuốn sách của tác giả nước ngoài giới thiệu về tiểu sử, bản Di chúc và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các tượng đài Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã trở thành di sản, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dấu ấn của Việt Nam ở mỗi quốc gia. Đó cũng là hình thức mãi mãi lưu danh vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam trong đời sống của nhân loại và là cách xứng đáng để tôn vinh Người.