(VOV5) - Đảng cộng sản Việt Nam đã giải quyết được những định hướng lớn và những vấn đề mang tầm thời đại của đất nước.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chuẩn bị được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân từ ngày 15/10 tới, sau khi đã lấy ý kiến tại Đại hội Đảng các cấp. Một trong những điểm mới của văn kiện lần này là đặt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vạch ra một cột mốc quan trọng, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội 13 thực sự là kết tinh trí tuệ và khát vọng của toàn dân tộc.
Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề "Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng" tại Hà Nội ngày 26/9/2020 - Ảnh: hdll.vn
|
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ tổng kết 5 năm của nhiệm kỳ qua mà còn đánh giá lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, thậm chí nhìn lại một cách khái quát hơn trong quá trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, thể hiện ở định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đây là một tầm nhìn rất cụ thể và cần thiết: “Tầm nhìn này chỉ cho chúng ta một định hướng lớn để có một kế hoạch cụ thể trong từng thời gian. Đồng thời cũng là vạch cho chúng ta một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045 chúng ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, toàn dân cũng như của mỗi cán bộ đảng viên. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra”.
Thực tế, kể từ sau đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam cũng từng đặt mục tiêu phát triển với tầm nhìn trên 20 năm trong các Văn kiện Đại hội Đảng. Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ 8 của Đảng (năm 1996). Nhìn lại chặng đường kể từ sau Nghị quyết Đại hội 8 của Đảng, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy nhiên nhiều vấn đề về điểm hẹn trở thành nước công nghiệp được nhìn nhận lại. Do đó, tại thời điểm này đã có những tiếng nói lạc lõng cho rằng: Văn kiện Đại hội Đảng 13 nói lại những vấn đề cũ và không thực tiễn. Quá trình phát triển đất nước Việt Nam cho thấy, những luận điểm này là phiến diện vì đây là những vấn đề mang tính định hướng bất biến.
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nêu rõ: "Mục tiêu đặt ra là như vậy chúng ta chưa đạt được. Nhưng chưa đạt được không có nghĩa là nó ảnh hưởng, kéo lùi sự phát triển của chúng ta mà là do dự báo, hoặc do mong muốn của chúng ta sớm mà việc đó chưa thực hiện được. Chứ năng lực của chúng ta đã dốc lòng, dốc sức. Điều đó không có nghĩa là toàn bộ các luận điểm trong văn kiện, các quan điểm chỉ đạo của văn kiện là giáo điều".
Theo Giáo sư Tiến sỹ Phan Xuân Sơn, không có một văn kiện nào, một lý thuyết nào hay là một chính sách nào có thể giải quyết được trọn vẹn 100% của thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam đã giải quyết được những định hướng lớn và những vấn đề mang tầm thời đại của đất nước. Ông phân tích: "Phải nói rằng sự thành công của Đảng và Nhà nước Việt Nam là trong các văn kiện đặt ra những vấn đề bức xúc, thiết thực của thực tiễn đời sống, từ vấn đề cơm ăn, áo mặc, học hành đến vấn đề đối ngoại, cho đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc, giang sơn. Không có vấn đề gì đi chệch hướng, không có vấn đề gì xa xôi. Trên thực tế, Đảng ta có những chính sách giải quyết trên 100% mục tiêu so với văn kiện. Ví dụ như những năm vừa rồi, chúng ta đặt ra 6 mục tiêu tăng trưởng thì 6 mục tiêu đó chúng ta đều đạt được và vượt. Thì về cơ bản mà nói thì đường lối của chúng ta đã phản ánh đúng tình hình thực tiễn, giải đáp đúng những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đó là những vấn đề cấp bách, những vấn đề cụ thể, những đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống và phù hợp với xu thế vận động của thế giới".
Trong 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm tốt vai trò lãnh đạo và cầm quyền, định hướng phát triển đất nước bằng các văn kiện vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính dự báo, vừa có tính trí tuệ và khoa học. Một Đảng với học thuyết lạc hậu, giáo điều sẽ không thể lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đất nước lại có được bước phát triển to lớn như hôm nay. Do đó, những ý kiến cố tình “mượn gió bẻ măng” phê phán Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 giáo điều, là tiếng nói lạc điệu trong bối cảnh cả dân tộc đang mạnh mẽ vươn tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.