“Tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ có nhiều định hướng và tầm nhìn mới trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, đưa khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước”.
Đó là thông điệp từ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 12/2/2023 vừa qua.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Đồng bằng sông Hồng là khu vực hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình thuộc Bắc Bộ Việt Nam. Vùng có 11 tỉnh thành, bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Quảng Ninh. Với diện tích 14806 km2, đây là đồng bằng châu thổ lớn thứ 2 của Việt Nam.
Dân số của vùng là 21,6 triệu người, chiếm tới 22,1% dân số của cả nước. Vùng Đồng bằng sông Hồng là cầu nối giữa vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, thuận lợi giao lưu với các vùng khác trong cả nước. Nhờ có thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, nên đồng bằng sông Hồng giữ vị trí trung tâm kinh tế, khoa học - kĩ thuật và văn hoá của Việt Nam. Tại đây có sân bay Nội Bài, sân bay Vân Đồn, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ hướng ra khu vực và thế giới, giúp vùng trở thành địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cầu nối của Việt Nam trong giao lưu phát triển kinh tế, thương mại với những thị trường rộng lớn và đông dân của thế giới.
Đồng bằng sông Hồng phải là vùng động lực phát triển hàng đầu
Theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố tại Hội nghị, Chính phủ đề ra 21 chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đến năm 2030. 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng cũng được xác định. Về mục tiêu, vùng phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm.
Ảnh: Trường Giang/VOV |
Đến năm 2030, đồng bằng sông Hồng sẽ trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Tiếp tục phát triển vùng theo các tiểu vùng, trong đó vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là Trung tâm chính trị- kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước, động lực phát triển đồng bằng sông Hồng. Do vậy, phải huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các cảng biển, cảng hàng không, đường sắt bảo đảm kết nối vùng, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác."
Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
Lãnh đạo các bộ, ngành đã nêu các giải pháp của ngành thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Chính phủ nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế; phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước; phát triển thị trường lao động, gắn kết cung cầu lao động đáp ứng nhu cầu phát triển vùng; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu giải pháp phát triển thị trường lao động gắn kết cung cầu lao động đối với vùng Đồng bằng sông Hồng: "Chuyển đổi về nhân lực phải đi trước một bước và đi tắt đón đầu, quan tâm đến nhân lực chất lượng cao, chú trọng là giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp, hiện đại hoá phát triển dịch vụ việc làm của đồng bằng sông Hồng, tăng cường kết nối liên thông với thị trường lao động các vùng khác và các quốc gia phát triển."
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam... cũng nêu các giải pháp phát triển các địa phương theo quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Các giải pháp bao gồm: xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; Phát triển bền vững kinh tế biển Hải Phòng theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới; thu hút đầu tư để Hà Nam phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới... Đặc biệt, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cũng nêu các giải pháp tâm huyết để phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là hội nghị thứ 6 của Chính phủ, triển khai trương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng trong cả nước.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” về phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để giúp vùng phát triển nhanh, bền vững, thực sự là vùng kinh tế động lực hàng đầu, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.