“Biên bản” chưa đầy đủ về nhà báo Trần Mai Hạnh
Phạm Mạnh Hùng/VOV.VN -  
(VOV5) - Nhà báo Trần Mai Hạnh luôn nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo, sản phẩm của lãnh đạo là quyết định.
Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy ông Trần Mai Hạnh ở Đài TNVN là cuối năm 1996, khi chúng tôi được dự một lớp học tiền công vụ. Với tôi, đó là lớp nhập môn vào nghề báo, cũng là vào nghiệp phát thanh. Ông Hạnh được nhà báo Phan Quang đưa đi tham quan cơ ngơi của VOV trước khi chính thức tiếp quản chức vụ Tổng giám đốc. Qua lớp học của chúng tôi, nhà báo Phan Quang giới thiệu đây là lớp phóng viên trẻ Đài mới tuyển rất bài bản, cũng là lần đầu sau nhiều năm Đài tuyển nhiều phóng viên mới như vậy. Sau đó, ông Quang hỏi ông Hạnh: "Anh thấy các bạn phóng viên mới thế nào?". Hầu hết đám ngô nghê nghề ngỗng chúng tôi lúc đó đều dỏng tai lên chờ một tiếng khen, thì ông Hạnh nói một câu: "Giỏi giang hay không còn phải chờ thời gian trả lời, nhưng rõ ràng là tất cả đều rất trẻ!". Sau này, đi ra ngoài, có người hỏi về Đài lâu chưa, chúng tôi vẫn ngộng nghệnh: “Bọn tớ về Đài trước bác Trần Mai Hạnh một tháng!”. Rõ là không biết trời cao đất dày như thế nào.
Nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà báo Phạm Mạnh Hùng
Ông Trần Mai Hạnh về làm Tổng giám đốc Đài TNVN giữa lúc chuyển giao thế hệ bắt đầu diễn ra mạnh mẽ nhất. Một lứa phóng viên biên tập, kỹ thuật viên vàng son của thời kỳ chống Mỹ, thời làm báo thiên về tuyên truyền minh hoạ gọi vui là "kính hồng", bắt đầu đứng bóng, từ đấy đến khoảng 10 năm về sau, họ nối tiếp nhau nghỉ hưu ào ào. Sức đổi mới, cập nhật có phần chậm hơn tốc độ vũ bão của xã hội, đặc biệt là kỹ thuật-công nghệ. Tôi nhớ như in cảm giác hẫng hụt, thất vọng khi lên cơ quan nhận việc, được giao một cái bàn gỗ cũ kỹ, một cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ, trong khi ở trường đại học, ở văn phòng trước khi tôi vào Đài, đã trang bị máy tính hiện đại kết nối internet. Việc đầu tiên của nghề báo là học đánh máy chữ theo kiểu mổ cò, đánh sai thì lại dùng bút xoá xoá đi, đợi khô để đánh lại đè lên. Sau một ngày làm việc, mấy đầu ngón tay tê cứng, nhem nhuốc, nhoè nhoẹt mực bút xoá.
Lúc ấy đã bắt đầu nhúc nhắc có đổi mới bằng cách mềm hoá thời sự theo kiểu hoà trộn giữa tin tức và âm nhạc mà lứa các nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Tạ Toàn, Lê Vân Anh...thực hiện, được các cô chú đưa ra làm gương để chúng tôi học tập. Ở ban Văn hoá - Xã hội, chương trình tạp chí truyền thanh do các nhà báo Nguyễn Chu Nhạc, Phạm Duy Hưng... chủ biên cũng có cách làm mới lạ, hấp dẫn. Tuy nhiên, nhìn chung các chương trình phát thanh vẫn đi theo những lối mòn.
Chúng tôi làm chuyên đề, công việc sản xuất chương trình hàng ngày chủ yếu là cắt báo, biên tập, đánh máy lại, thậm chí là phô tô nguyên bài báo in của các đồng nghiệp để "trộn" vào chương trình phát thanh. Phóng viên đi cơ sở thì chủ yếu ôm mấy câu phỏng vấn "kinh điển": Xin ông cho biết kết quả (sản xuất kinh doanh, quí, tháng, năm nay) thế nào? Nguyên nhân tại sao? Kế hoạch năm tới thế nào?.... Toà nhà trung tâm âm thanh xây những năm 80 vẫn vận hành theo công nghệ analog, âm thanh chưa được số hoá, biên tập trên máy tính nhanh, thuận tiện như hiện nay mà vẫn dùng băng cối. Đọc nhịu, đọc vấp là phải thu lại từ đầu rất vất vả, chúng tôi bị các cô chú kỹ thuật viên mắng như cơm bữa.
Nhà báo Trần Mai Hạnh (thứ 3 từ trái sang) cùng với các nguyên
Phó Tổng Giám đốc VOV và các TBT báo điện tử VOV
Lúc ấy cơ ngơi của Đài cũng chưa hoành tráng như bây giờ. Từ 58 Quán Sứ đến khu Bà Triệu, toàn là nhà Pháp cổ, có cải tạo đôi chút nhưng vẫn giữ những nét xưa. Đến năm 1996, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn là một đài thuần phát thanh, chưa có đa phương tiện.
Ngay những ngày đầu nhậm chức, ông Trần Mai Hạnh đã đi một vòng làm việc với các Ban biên tập. Tôi vẫn nhớ như in không khí cuộc gặp ở Ban Kinh tế, Khoa học và Công nghệ tại 37 Bà Triệu. Phòng Trưởng ban Hoàng Hàm không đủ rộng, mọi người phải kê ghế ra ngoài hành lang ngồi hóng vào, ai đứng lên phát biểu cũng hăng hái, bức xúc về lối làm phát thanh sơ cứng đơn điệu, thiếu hơi thở cuộc sống, cách thức tổ chức chương trình bất cập, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, lương bổng hạn chế…Trong cuộc họp đó có cả một cán bộ nguyên là lãnh đạo Đài vừa nghỉ hưu, ông cũng đứng dậy phê phán trực diện, gay gắt, điểm nào cũng đúng cả, đám phóng viên non chúng tôi nghe thấy mà sướng tai.
Khi mọi người nói hết, đã quá trưa, ông Hạnh đứng lên tiếp thu đầy đủ, kiến giải hợp lý, đến phần chuyên môn báo chí thì ông càng nói càng hăng, thi thoảng lại chêm một câu tục vào."Từ nãy đến giờ các anh chị phê phán, công kích rất nhiều. Tôi thấy đều đúng cả, nhưng xin lỗi tất cả các anh các chị ngồi đây, đó chính là sản phẩm của chính các anh các chị để lại. Tôi mới về Đài một tháng, đã kịp đụng chạm gì đâu. Phải không nào! Phải không nào!".
Một việc mà ông Hạnh làm gây sốc lúc đó (giờ thì là chuyện rất bình thường) là quyết định để khoảng 20 cán bộ đã quá tuổi nghỉ hưu vài năm nhưng vẫn làm việc và hưởng lương bình thường về...nghỉ hưu thật, trong số đó có cả người quen của ông.
Hai tháng sau, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 1996, ông Trần Mai Hạnh đã có bài phát biểu chỉ rõ những thách thức lớn mà Đài TNVN phải đối diện. Đặc biệt, ông đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập về nội dung cần phải khắc phục. Đó là tin ít, chậm, thiếu tin hay, tin độc; thiếu quan điểm, chính kiến của Đài trước những vấn đề, vụ việc nóng bỏng của đời sống xã hội; bỏ trống, né tránh nhiều mảng đề tài gai góc; chưa tạo ra sự hấp dẫn và nuôi dưỡng sự hấp dẫn qua các sự kiện quan trọng, các vụ viêc lớn để lôi kéo thu hút thính giả; thông tin thiếu tính tổ chức và chủ động. Đặc biệt là tình trạng cát cứ, độc quyền làn sóng diễn ra ở từng chương trình, từng Ban biên tập. Dẫn ví dụ về sự sụp đổ của hãng thông tấn UPI (Mỹ), ông nhấn mạnh: “Một cơ quan báo chí mà thiếu chính kiến thì dù có nhiều tiền và kỹ thuật tân tiến đến mấy cũng không cứu được”.
Trần Mai Hạnh xác định Đài TNVN phải đổi mới cả hai khâu có quan hệ mật thiết, cốt tử với nhau đó là nội dung và công nghệ-kỹ thuật. Riêng ở khâu nội dung, cần phải chọn điểm đột phá là các chương trình thời sự, tập trung xây dựng chương trình thời sự trực tiếp thật mạnh, thật hay để người ta không thể không nghe Đài TNVN.
Ngoài việc trực tiếp tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch thông tin trên sóng phát thanh, mở ra nhiều chương trình phát thanh trực tiếp, Trần Mai Hạnh đã để lại dấu ấn ở VOV qua việc mở ra thêm 2 loại hình báo chí.Năm 1998, Báo Tiếng nói Việt Nam ra đời, lúc đầu mang tên là Tuần báo Đài TNVN, sau này các cơ quan quản lý mới thuận bỏ chữ " Đài" đi để trở thành một tờ báo giấy đúng nghĩa với cái tên mà nhiều đồng nghiệp phải mơ ước.Năm 1999, đúng ngày 3/2, Báo điện tử VOVnews (nay là VOV.VN) chính thức ra mắt bạn đọc, với hai bản Tiếng Việt và Tiếng Anh. Đây là một trong những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Để ra được tờ báo này cũng là một chặng đường vận động, thuyết phục gian nan, trong đó có sự ủng hộ lớn của Ban Văn hoá Tư tưởng và Đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Nhà báo Trần Mai Hạnh (trên xe máy, đeo kính) và các phóng viên TTXGP
tại cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/04/1975
Cho đến giai đoạn ấy, ở Việt Nam, chỉ có Thông tấn xã là cơ quan báo chí có văn phòng thường trú ở nước ngoài. Trong vòng 6 năm, từ 1996-2002, Đài TNVN đã liên tục mở 5 cơ quan thường trú tại Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Nga, Ai Cập. Kế hoạch mở cơ quan đại diện ở Mỹ và Nhật cũng đã được Chính phủ chấp nhận nhưng sau này mới thực hiện được. Cho đến nay, VOV đã có 10 cơ quan thường trú ở nước ngoài.
Việc cử phóng viên của Đài TNVN chuyên trách đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội cũng được khởi đầu từ những năm ấy.
Theo cố nhà báo Hoàng Hàm, nhu cầu cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ đã được chú ý từ khi nhà báo Phan Quang làm Tổng giám đốc và thực hiện được một bước. Đến khi ông Trần Mai Hạnh về tiếp quản, Đài đã đã xúc tiến cải thiện cơ bản chế độ định mức, thù lao cho các khu vực. Nhờ đó, mức thu nhập của nhân viên nhà Đài đã tăng từ 2-3 lần.
Nhà báo Trần Mai Hạnh luôn nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo. “Sản phẩm của lãnh đạo là quyết định. Không ra nổi quyết định thì không thể làm lãnh đạo được và cũng không nên làm lãnh đạo nữa. Không quyết định cũng chết và quyết định sai thì càng chết và chết sớm”. Sau này, anh em nhà Đài vẫn nhắc lại câu cửa miệng đã thành thương hiệu của Trần Mai Hạnh: "Không khéo thì chết cả nút!”.
Có thể nói, khi báo chí bước vào kỷ nguyên số, đa phương tiện, ông Trần Mai Hạnh là một người cày vỡ, mở ra những đường cày góp phần định hình diện mạo mới của Đài TNVN. Khát vọng của ông về một tổ hợp báo chí quốc gia, đa phương tiện có uy lực chính trị xã hội đã được các thế hệ lãnh đạo sau đó viết tiếp và viết thêm những chương mới quan trọng.
Cuối năm 2013, trong một bữa cơm tất niên với Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Tiến, ông Trần Mai Hạnh khen nội dung báo chí của Đài gần đây có nhiều khởi sắc. Tờ báo điện tử do ông làm cố vấn vẫn thường xuyên khai thác lại tin, bài của VOV. "Những người làm báo cần một biên độ bay rộng hơn. Làm báo mà tờ báo như một phòng bệnh vô trùng, sạch trơn nhưng đơn điệu, không mùi vị thì chả ai muốn vào, trừ các bệnh nhân!"- Ông Trần Mai Hạnh nhắn nhủ.
Năm 2015 là một năm nhiều niềm vui đến với Trần Mai Hạnh. Cuốn"Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.1975" đã đoạt Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử mà ông ấp ủ viết từ khi là một phóng viên chiến trường của TTXVN theo đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn, chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Viêt Nam cộng hoà. Với ông, đây là món nợ cuối với đời và với nghiệp được trả xong xuôi. Đường đời đằng đẵng đã thấm mỏi mệt nhưng cũng thanh thản rồi.
Hiện tại, ở tuổi 72, ông Trần Mai Hạnh vẫn đi làm bình thường. Từ công việc làm báo, trải qua bao chức vụ quan trọng, vinh quang và cay đắng, ông lại trở về với nghề báo theo đúng nghĩa của nó. Về ông, có thể có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng tư chất của một nhà báo lão luyện, một nhà quản lý báo chí bản lĩnh, có tầm chiến lược, thì không ai có thể phủ nhận được./.
Phạm Mạnh Hùng/VOV.VN