(VOV5) - Sâu sát, tỉ mỉ… là tác phong làm việc của nhà báo Bùi Đức Huyên, nguyên phóng viên Chương trình phát thanh Thanh niên, Đài TNVN.
Chiều 1/12/2005, tại bữa cơm chiêu đãi các đại biểu dự lễ khởi công và chặn dòng công trình thủy điện Sơn La trên sông Đà, nhiều vị quan khách ngạc nhiên khi thấy Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng lướt qua nhiều người, trân trọng đến chúc rượu một vị khách đã đứng tuổi, ăn mặc xuyền xoàng, ngồi lặng lẽ ở góc xa phòng tiệc. “Ai vậy?”, có người ghé tai hỏi tôi. “Đấy là anh Bùi Đức Huyên, nguyên phóng viên Chương trình phát thanh Thanh niên”. “Sao lúc chặn dòng không thấy?”. Tôi cho biết: “Anh Huyên lên công trường từ chiều qua, đi hiện trường ngay, 4 giờ sáng nay, anh Huyên đã theo kỹ sư Vũ Chí Mỹ, Phó Giám đốc Công ty Sông Đà 9, sang bờ phải để có thể quay trực diện cảnh lãnh đạo Đảng và Nhà nước ném những viên đá đầu tiên xuống sông Đà”.
Sau này hỏi chuyện, mới biết hồi Thào Xuân Sùng đang là Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La, anh Huyên đã phỏng vấn Thào Xuân Sùng và phát trên Đài. Rồi anh gạt đi: “Thôi, chuyện đã xưa rồi”…
Nhà báo Bùi Đức Huyên, nguyên phóng viên Chương trình phát thanh Thanh niên, Đài TNVN
Tác phong làm việc của Bùi Đức Huyên là vậy. Sâu sát, tỉ mỉ và không thích “chường mặt” trước ống kính quay phim, chụp ảnh. Hồi xây dựng thủy điện Hòa Bình, trong lúc chúng tôi thường theo xe các đơn vị thi công, hoặc “điều” xe cơ quan lên công trường, thì Bùi Đức Huyên với chiếc xe máy cà tàng lấm lem bùn đất đều đặn Hà Nội – Hòa Bình, Hòa Bình – Hà Nội…
Ở công trường, anh thường ăn ngủ tại lán cùng đi ca, vui buồn với đoàn viên thanh niên. Anh là người nắm tường tận tâm tư tình cảm của anh em, biết cái được và chưa được của công trường. Vì thế, những phóng sự thu thanh phản ánh phong trào thi đua lao động, những gương mặt thanh niên tiên tiến được anh nêu gương, đều mang hơi thở sôi động của công trường, đều là những con người tiêu biểu. Nói như cánh nhà báo là “để lần sau lên công trường, anh em không quay mặt đi”.
Tôi phục Bùi Đức Huyên ở lòng ngay thẳng, thấy sự bất bình, không nên không phải là góp ý thẳng thắn. Cho nên các bài viết của anh về phong trào Đoàn các địa phương đều là những gợi ý xác đáng cho công tác Đoàn. Nghiêm khắc với công việc, nghiêm khắc với bản thân. Có lẽ vì thế cho đến khi tuổi đã xế chiều, Bùi Đức Huyên vẫn không có bạn đời.
Tôi đã “mắt tròn mắt dẹt” khi biết anh là tác giả của ca khúc nổi tiếng vùng than “Em yêu đất mỏ quê em” và còn sáng tác nhiều ca khúc khác. Chính anh là người đã đưa cô bé quàng khăn đỏ Lê Dung (sau này là ca sĩ, NSND Lê Dung) từ vùng mỏ lên Đài TNVN thu thanh bài hát này. Sau này quen thân, anh mới tiết lộ: Mình quê ở Phùng (Đan Phượng, Hà Nội). Năm 1961, tốt nghiệp toán, lý Đại học Sư phạm Hà Nội, được điều làm giáo viên văn hóa trường sĩ quan Pháo binh Sơn Tây.
Sau vài ba năm, khi bộ đội ta trình độ văn hóa đã khá, được điều về T.Ư Đoàn, làm cán bộ Đoàn ở Đặc khu Hồng Quảng. Bài hát “Em yêu đất mỏ quê em” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Rồi 1972 lại tái ngũ. Vào đến Quảng Trị, được điều sang Lào, vừa soạn giáo trình vừa dạy văn hóa cho các chiến sĩ Pa-thét Lào. Cuối năm 1975, giải ngũ về T.Ư Đoàn. Đầu năm 1976, về Chương trình phát thanh Thanh niên đến khi về hưu tháng 11/2000.
Giáo viên Toán – Lý, giảng viên quân đội. Hai quãng đời ấy đã đúc lên một Bùi Đức Huyên “không giống ai” chăng? Tôi tự hỏi mình như vậy. Khi Bùi Đức Huyên chuẩn bị về hưu, tôi đang được biệt phái đi Cần Thơ nên không chia tay anh được. Gặp nhau qua điện thoại, được biết anh sắm cho mình một camera, một dàn máy tính đủ để dựng phim, làm các chương trình ca nhạc cho bạn bè, cho các đơn vị, địa phương. Xem ra, anh còn làm việc nhiều hơn trước. Và vẫn ở vậy.
Ngày 7/11 vừa qua, tôi gặp Bùi Đức Huyên trên Hòa Bình. Nhân kỷ niệm lần thứ 35 ngày khởi công và lần thứ 20 ngày khánh thành nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tổng công ty Sông Đà có nhã ý mời một số nhà báo, nhà văn, nhà thơ có nhiều gắn với với thủy điện Hòa Bình gặp mặt trên công trường xưa. Bùi Đức Huyên nằm trong danh sách “phải mời bằng được”. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, thấy anh nhanh nhẹn hoạt bát hơn sau khi phẫu thuật thay thủy tinh thể hai mắt. Anh cười hiền lành: “Tuổi ta tớ đã 78 rồi. Sinh năm 1937 nhưng khi đi học, bố mẹ khai rút 2 tuổi”.
Anh mang theo máy quay, dự định sẽ làm một phim về buổi gặp mặt này, phác họa chân dung các đồng nghiệp gắn bó với nhau trên từng mét đập. Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão – nguyên Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên công trường, Đinh La Thăng; nguyên Tổng Giám đốc TCT Sông Đà, Anh hùng Lao động Cao Lại Quang… gặp Bùi Đức Huyên đều chúc anh sức khỏe, đủ sức đi tiếp thủy điện Lai Châu – bậc thang thủy điện cuối cùng trên sông Đà.
Bùi Đức Huyên hẹn tôi: “Tháng 12, khi “bọn” Sông Đà 9 đổ khối bê tông đầu tiên xuống hố móng đập dâng, anh em mình lên nhé”.
Vâng. Anh Bùi Đức Huyên, chúng ta cùng hát tiếp bài ca “Ta về ngăn sông Đà…”./