Chút kỷ niệm với nhà thơ, nhà báo Trương Hữu Lợi

(VOV5) - Nhà thơ Trương Hữu Lợi là người hiền từ, sống hết mình cho bè bạn, công việc. Lặng lẽ viết, lặng lẽ say mê những vần thơ

Cuối tuần, đưa nhà thơ Trần Nhật Lam tới thăm nhà thơ Trương Hữu Lợi bị bệnh nặng tại nhà riêng, một căn hộ cũ khiêm nhường. Ông anh 80 thăm ông em 70. Nhà thơ nguyên trưởng phòng văn nghệ thiếu nhi ngủ im lìm, không trò chuyện được với đàn anh đã sát cánh một thời tại Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Thế mà vài ngày sau, ông đã rời cõi tạm trong cái chớp mắt cuối cùng.

Nhà thơ Trương Hữu Lợi là người hiền từ, sống hết mình cho bè bạn, công việc. Lặng lẽ viết, lặng lẽ say mê những vần thơ. "Người thơ tâm thành sám hối/Trước những thánh thần lầm lũi ngày đêm"... Thơ ông khao khát một miền thiêng trong tâm tưởng, chênh giữa đôi bờ thực và mộng, giữa ẩn ức và trong trẻo... Ở đó có những giá trị vượt khỏi sự vụn vặt, giới hạn của mặt đất trần trụi.

Chút kỷ niệm với nhà thơ, nhà báo Trương Hữu Lợi  - ảnh 1
Nhà thơ Trương Hữu Lợi giao lưu với độc giả (Ảnh: Tiền Phong)

Làm thơ và biên tập văn nghệ thiếu nhi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ít người biết trước đó ông còn là một phóng viên nông nghiệp xông xáo, là một trong những nhà báo đầu tiên phát hiện ra phong trào làm khoán chui ở cơ sở, nhiều bài báo của ông đã góp phần vào việc ra đời Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ thị đã động viên kịp thời tinh thần làm chủ đồng ruộng của người nông dân...Và tiếp sau đó là sự ra đời của Nghị quyết 10 ban hành tháng 4/1988 của Bộ Chính trị cởi trói cho nông nghiệp mà người dân thường quen gọi là Khoán 10.  

Nhớ hồi ông chưa bị phát bệnh, nghỉ hưu rồi, ông vẫn năng lên Đài, khi làm khách mời bình thơ, lúc lại chỉ để hỏi han mọi người trong giây lát, ngẩn ngơ ngắm nghía vài gương mặt cũ đã có thời gắn bó với ông trong buồn vui công việc. Gày gò tựa lưng vào chiếc ghế salon, ông đốt thuốc liên tục, mà toàn loại nặng. Người nghiện thuốc thì không ai lại phều phào mấy cái loại thuốc nhẹ hều dành cho chị em. Cứ phải mấy dòng khét đắng khói nồng. Buông vào không trung, thi thoảng vài tiếng ho nhẹ, thi thoảng vài câu hỏi vu vơ, thi thoảng vài nụ cười hiền, thi thoảng vài câu thơ thốt đọc...

Hôm đó ông đề tặng tôi tập tiểu thuyết thật mỏng "Suối quên", xuất bản sau vài tập thơ trước đó "Cõi hoang", "Hoa lạnh"..., toàn những cái tên hoang vắng, nghe đã thấy xa xa miền nào, thời nào. Miền nghĩ của ông là vậy, thực thực hư hư, nhiều khi chỉ mới là ý niệm, chiêm nghiệm và suy tưởng... Vừa dứt dòng chữ ký, ông vội cất lời, se sẽ đủ để người ngồi cạnh nghe thấy mà không phiền những người khác: "Mình viết cái này hơi lạ, cậu đọc đi, thích đấy, nó không giống ai...". Tôi nhận tập sách và thoáng nghĩ: Với ông, có lẽ sự đơn điệu trong đời sống ngoài kia đã trở nên quá nhàm chán, quen lối. Giờ phải tạo dựng một miền đất lạ bằng những con chữ và cả những vu vơ thi sỹ.

Chút kỷ niệm với nhà thơ, nhà báo Trương Hữu Lợi  - ảnh 2
Nhà thơ Trương Hữu Lợi cùng vợ và các cháu

Cũng có hôm ông ào đến đài, túi vải bạc phếch đeo vai, vui như cậu học trò được nghỉ học. Ông nói nhiều hơn, cười nhiều hơn. Đó đúng là tâm trạng của một nhà thơ mới viết xong mấy bài thơ tâm huyết. Lần gặp gỡ cán bộ hưu của ban văn nghệ cũ, còn khỏe, tràn phong độ, ông xung phong hát liền hai bài ông yêu thích: "Tháng Tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xanh thế...", "Rồi mai mây trên đồi vắng, lang thang tìm kiếm đá xưa rêu mòn..."-Những khúc ca có chút gì đó giống phong vị thơ ông. Ông vui vì cơn bạo bệnh đang tạm vơi nhờ những viên thuốc quý và tình cảm của gia đình, bè bạn...Ông hồ hởi khoe vài ba dự định, mạch nguồn khơi lại, hứa hẹn những trong trẻo, tuôn trào.

Gần đây nhất, cuộc gặp gỡ truyền thống hằng năm, ông không còn hát được nữa, cơn bệnh đã trở lại, buốt nhói hơn. Gày rộc, thẫn thờ ngồi lặng nghe chuyện mọi người, những phản xạ cũng chậm dần. Rồi thấy ông thưa đến Đài, thưa dần thưa dần. Sức lực kiệt quệ, gần như ông chỉ nằm, nhấp được ít cháo trong nỗi mong mỏng manh của gia đình, người thân, bè bạn về một phép màu. Nhưng những phép màu đã không đến để níu ông lại. Nói đúng hơn là những con suối quên đã đón ông đi, đi thật xa khỏi căn phòng hẹp cũ đã quá quen với ông từ hàng chục năm nay...

Tập "Suối quên" tôi vẫn để ngay ngắn trên giá sách phòng làm việc, hôm nay bần thần ngồi nhìn kỹ, nó đứng nép giữa hai cuốn sách dày, chìa ra ngoài cái gáy gày mỏng như vóc dáng ông. Chữ nghĩa cả đấy, còn găm lại đây mà người đã đi thật rồi. Như mây, theo tiếng hát "thật thà" của ông ngày nào, bay về một nơi thật vắng, có gió hát, đá xanh rêu và nụ cười hiền.../.




Phản hồi

Các tin/bài khác