Chuyện nghề ở Hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc 40 năm trước

(VOV5) - 40 năm đã qua, mỗi lần mở trang báo lại hiện lên lời nhắc nhở của những người làm báo lớp trước là phải kiểm tra thật kỹ càng khi lên mặt báo.


Cuối tháng 4/1975, tôi đang công tác tại Nam Hà được lệnh về ngay Hà Nội để theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn nhưng về đến nơi, đoàn xe đã lên đường. Tiếc quá. Hàng ngày theo dõi bước chân anh em trong đoàn đi qua Huế, Đà Nẵng, Nha Trang rồi Phan Thiết, Sài Gòn… tôi nói thật vừa vui mừng vừa ấm ức. Nhưng rồi môt điều may mắn thật bất ngờ. 


1.Tôi vào Sài Gòn giải phóng trên chuyến bay quân sự của Mỹ. Có lẽ có nằm mơ, tôi cũng không nghĩ là mình được vào thẳng Sài Gòn bằng đường máy bay quân sự C47, chiếc máy bay Mỹ mà ta vừa thu được. Trong chuyến đi ấy có ba người: Nhà báo Phan Quang - đặc phái viên Báo Nhân dân, Nhà văn Đăng Thanh - tác giả cuốn truyện tình báo hết sức nổi tiếng lúc bấy giờ là X30 phá lưới và tôi - Phóng viên Đài Tiếng nói Viêt Nam. Hành lý tôi mang theo quý nhất là kè kè cái máy R5 với mấy cục pin văn điển dự phòng. 


chuyen nghe o hoi nghi hiep thuong thong nhat to quoc 40 nam truoc hinh 0
Ảnh tư liệu


Ngồi sụp xuống sàn máy bay, lần đầu tiên đi máy bay lâng lâng mà nghĩ đến các đồng nghiệp chúng tôi, có người phải leo đèo lội suối, băng qua bom đạn, ốm đau đói rét hàng chục năm trời mới đến đươc Sài Gòn. Còn tôi, chỉ mất vài giờ bay đã có mặt ở Tân Sơn Nhất. Tôi xin kể về một sự kiện rất vinh dự trong cuộc đời làm báo đó là được tác nghiệp tại Hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc năm 1975.


Ngày 30/4/1975, Giải phóng hoàn toàn miền Nam mới chỉ là "đường cách mạng mới đi một nửa" miền Nam từ giới tuyến 17 trở vào về pháp lý vẫn là thuộc chính phủ cách mạng lâm thời Giải phóng miền Nam Việt Nam quản lý. Miền Bắc là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vì vậy, tháng 9/1975, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.


Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, từ ngày 15 đến 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước diễn ra tại Sài Gòn. Địa điểm hội nghị ngay tại Dinh Độc lập. Để đến được Hội nghị, tôi có may mắn từ những năm cuối thập niên 60 được Vụ Xuất bản Báo chí (Ban tuyên huấn Trung ương) biết đến, bởi có lẽ mình là một cán bộ giảng dạy đại học lại "phá ngang" đi làm báo.


Anh Bùi Tấn Linh, Vụ phó ở ngoài bắc vào làm Vụ trưởng Vụ báo chí ở Miền Nam. Cho nên, khi gặp lại anh, chúng tôi không cần phải làm công văn giấy tờ gì vì anh ấy đã làm hết thủ tục, cấp phù hiệu A để chúng tôi tác nghiệp một cách dễ dàng. Thêm một cái may nữa là nhờ những năm làm chương trình Phát thanh Phụ nữ viết nhiều về những tấm gương anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang, nên khi vào đến Sài Gòn, các chị Ba Định - Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Tư lệnh đội quân tóc dài; chị Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi)... đón tiếp hết sức ân tình và cho ở luôn tại địac chỉ 60 Võ Văn Tần, rất thuận tiện cho hoạt động tác nghiệp.


2- Cuộc tập hợp sức mạnh đại đoàn kết lớn nhất trong lịch sử. Cho đến giờ sau đúng 40 năm, tôi chưa bao giờ được thấy lại một bầu không khí hồ hởi, đoàn kết dân tộc, biểu thị một ý chí, một khát vọng thống nhất Tổ quốc như tại hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc 11/1975.


Ngày hôm đó - 12/11/1975, đoàn đại biểu gồm 25 thành viên do Chủ tich Uỷ ban thường vụ Quốc hôi Trường Chinh dẫn đầu từ Hà Nội vào, được các tầng lớp nhân dân Sài Gòn Gia Định mang cờ hoa xếp hàng dọc từ Sân bay Tân Sơn Nhất về đến Dinh Độc lập đón tiếp hết sức nồng hậu, trọng thị.


Đoàn đại biểu miền Nam do ông Phạm Hùng cùng các vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Bộ trưởng Quốc Phòng Trần Nam Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời CHMNVN Nguyễn Thị Bình, Chủ tich Hội LHPN giải phóng Nguyễn Thị Định. Và dù đã 40 năm nhưng tôi vẫn nhớ những gương mặt một thời như: Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận, Chuẩn tướng Sài Gòn Nguyễn Hữu Hạnh, các nghĩ sỹ, nhà văn, nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung, Kiều Mông Thu, linh mục Phan  Khắc Từ, các ni sư Huỳnh Liên, Ngọc Liên cùng các nhà khoa hoc nổi tiếng như: Nhà thực vật Phạm Hoàng Hộ, nhà địa chất học Trần Kim Thạch, nhà hoá học Nguyễn Ngọc Sương, luật sư Ngô Bá Thành. Và nhiều nhân vật được nhiều người biết đến như: Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan, Xuân Thủy, Văn Tiến Dũng…


Gặp nhau tay bắt mặt mừng, mừng mừng tủi tủi, người từ rừng về, người bám trụ, người từ chính quyền cũ, người Hà Nội vào, vượt qua khác biệt cùng một khát vọng Thống nhất đất nước. Tôi để ý thấy ông Trương Chinh, vị lãnh đạo Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hết sức chủ động trao đổi chuyện trò cùng các vị Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận…dân biểu Quốc hội Sài Gòn doc theo hành lang hôi trường lớn của Dinh Độc Lập. Những cái bắt tay, những nụ cười nồng ấm luôn nở trên môi của những người đã từng ở hai bên chiến tuyến.


3. Cuộc “chạm trán" đầu tiên của những người làm báo hai miền Nam Bắc. Hôm đầu tiên 15/11, khi tôi đeo chiếc máy R5 vượt qua khu vực kiểm soát an ninh để vào phòng bầu dục “Phủ Tổng thống”, cũng là lúc thấy một "nhà báo Sài Gòn” khoác một cái bị cói khá nặng qua khu vực an ninh cùng tôi vào phòng bầu dục dành riêng cho báo chí.

Lúc đó, tôi thấy anh lấy ra một cái máy chữ nhỏ đặt lên bàn, sau đó lại lôi tiếp ra hai cái máy ảnh, lên phim, kiểm tra ống kính, lắp đèn, đeo một máy ảnh trước ngực, một máy ảnh bên hông, tay cầm cuốn sổ ghi chép nhỏ đặt lên cái máy ghi âm nhỏ trong lòng bàn tay và đi gặp đại biểu phỏng vấn.

Bây giờ, cái máy ghi âm chỉ bằng cái bút hoặc nó nhỏ như chiếc điện thoại chẳng ai lạ gì nhưng ngày ấy khi chúng tôi phải mang cái R5 thấy anh ta có cái máy ghi âm như vậy rất bái phục. Nhà báo ấy chính là Ngô Công Đức, Chủ bút báo TIN SÁNG.


Liếc qua báo Nhân dân tôi thấy có Nhà báo Thép Mới, bậc đàn anh mà chúng tôi rất kính trọng và 3,4 phóng viên đi cùng. Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng có anh Vĩnh An vốn là Phó ban Đối nội Tiếng nói Việt Nam cùng đông đảo phóng viên, kỹ thuật viên. Điều làm tôi nhớ nhất vẫn là Ngọc Dậu, quê miền Bắc đi B... từ cuộc gặp gỡ này,có một nhận xét mang tính nghề nghiệp đó là, ở Miền Bắc, nhiều người làm một việc trong khi ở miền Nam, một người lại làm được nhiều việc.


4. Học cách làm báo của Ngô Công Đức. Trước hết, các báo miền Bắc đến ít (một ô tô), thủ trưởng ngồi đằng trước anh em ngồi đằng sau và có anh lái xe hoặc thủ trưởng đi một xe, anh em đi một xe. Trong khi Chủ bút Tin Sáng lại tự lái lấy xe và chỉ đi có một mình vừa thầy vừa thợ.


Tôi nhớ, ngày ấy, ở miền Bắc, nhiều toà soạn phóng viên viết bài ra giấy rồi đưa về văn phòng sẽ có người đánh máy chuyên nghiệp. Ở chủ bút Tin sáng, trong lúc chúng tôi ngồi nghiêm túc trong hội trường cắm cúi dò từng dòng các bản tham luận qua giọng đọc của các đại biểu, Ngô Công Đức bỏ ra phòng bầu duc, nơi đặt sẵn máy chữ tự tay đánh máy bài tường thuật hội nghị.


Trước khi hội nghị giải lao, anh ta đi vòng ra góc sau sân Dinh Độc Lâp gửi băng, bài, phim về cho Thư ký toà soạn hoàn chỉnh. Khi quay vào hội trường cũng là lúc Hội nghị giải lao, anh đi phỏng vấn đại biểu. Tôi bắt đầu mê cách làm báo của anh từ đó.  


Buổi chiều, sau khi nghe xong chương trình hội nghị, tôi ngồi ở một góc trong phòng bầu dục, nghe anh gọi điện thoại về hướng dẫn thư ký toà soạn lên trang, đặc biệt là các trang liên quan đến hiệp thương thống nhất. Khi đọc tham luận, anh luôn đánh dấu điều cần khai thác, và tiếp tục đi phỏng vấn, ghi nhanh. Anh vừa là chủ bút, thư ký tòa soạn, vừa biên tập và cũng là phóng viên kiêm chụp ảnh.

Tôi hỏi anh sao không cử thêm người trợ giúp. Anh trả lời, báo anh chỉ được phép cử 1 người vào đây tác nghiệp. Dù một người nhưng anh làm việc rất hiệu quả. Sáng hôm sau, anh mang báo đến biểu đại biểu và anh em phóng viên. Từ trang nhất đến các trang trong đều đầy ắp tin, bài, ảnh về hội nghị. 

Bất ngờ lại tiếp bất ngờ, đó là chiều 21/11, khi hai bên ký kết biên bản Thống nhất đất nước, những tiếng sâm banh nổ ròn tan để mừng thắng lợii lớn lao của Dân tôc, Đất nước, anh lại ôm vào những tập báo dày đóng bìa cẩn thận tặng các đại biểu, từ ông Trường Chinh, Phạm Hùng đến từng đại biểu khác kể cả chúng tôi.


Đó thật là một sáng kiến hay. Như vậy, từ ngày phái đoàn Miền Bắc đặt chân đến Sài Gòn cho đến khi bế mạc, mỗi ngày có 16 trang báo và tổng cộng có 150 trang báo đóng lại thành quyển kỷ yếu dày dặn khiến chúng tôi thực sự khâm phục anh. Nhìn người ta làm, dẫu mình không được trang bị đầy đủ phương tiện, dù lạ nước, lạ cái, thông tin liên lạc với toà soạn hết sức khó khăn nhưng tôi quyết tìm ra cho mình một cách làm hiệu quả.


Tức là tất cả những gì làm được phải chuyển thành tin, bài ngay. Cái gì nhờ chuyển qua đường telephone, siêu cao được nhờ Đài Giải phóng. Hàng ngày, tôi mượn xe đạp, đạp thẳng ra Sân bay Tân Sơn Nhất gửi các anh tổ lái chuyển về Gia Lâm, sau đó chuyển tiếp về Quán Sứ. Thật không ngờ, những băng tôi làm theo kiểu du kích như vậy chỉ một ngày sau là được lên sóng. Tiếng nói của nghệ sĩ Phùng Há, nhà sư Huỳnh Liên, Ngọc Liên và những người tu hành chống lại chính quyền Sài Gòn một cách công khai, thiết tha với mong ước Bắc Nam thành một nhà đã làm lay động biết bao thế hệ và nhiều người đã viết thư về đài.


Tiếng nói của 22 vị đại diện của các nhân sỹ trí thức, tôn giáo, các tổ chức miền Nam và 14 đại biểu miền Bắc từ hội nghị này đã được tôi chuyển tải một cách sớm nhất đến nhân dân cả nước.


5. Bài học quý cho thời kỳ làm báo giấy, báo mạng. Làm phát thanh chỉ có tiếng mà không có hình, nhưng tại hội nghị này tôi lại được học một bài học về ảnh trên mặt báo.


Đó là ngay sau phiên khai mac, khi tôi đang đi về cuối hành lang bên ngoài phòng họp bất ngờ thấy cụ Trường Chinh vẫy tay ra hiệu cho tôi đến gần. Mấy khi được các cụ gọi, tôi phấn khởi lao đến nhưng không ngờ vừa đến nơi đã thấy cụ đưa tờ báo hàng đầu miền Bắc ra chỉ cho tôi rằng: này không hiểu cái ông Trưởng đoàn miền Bắc xuống sân bay Sài Gòn bưc bội cái gì mà mặt mày nhăn nhó thế này nhỉ? Tôi chỉ dám lướt qua và nhận ra rằng bức ảnh chụp khi cụ bước xuống sân bay bị chói nắng. Tôi hiểu, theo cụ khi bước xuống sân bay sau bao năm chia cắt sắc mặt của vị nguyên thủ phải mừng vui chứ sao lại nhăn nhó?. Chuyện chọn một tấm ảnh thời sự liên quan đến vận mệnh đất nước mình thật không đơn giản chút nào. Tôi thật sự lo lắng và thanh minh: Em ở bên Đài rồi sau đó rút lui thật nhanh. Đó là bài học quý giá luôn nhắc nhờ tôi phải luôn kiểm tra từng tấm ảnh, từng vị trí thiết kế trang báo khi được giao nhiệm vụ làm Tổng Biên tập Tạp chí Phát thanh (báo in) cũng như khi làm báo Khuyến học & Dân trí, Báo điện tử Dân trí sau này.

Đúng 40 năm đã qua, song mỗi lần mở ra một trang báo lại hiện lên lời nhắc nhở của những người làm báo lớp trước như hối thúc tôi phải kiểm tra thật kỹ càng từng phân vuông trên mặt báo.

Phản hồi

Các tin/bài khác